14/09/2021 14:47 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Cùng với U20 Việt Nam, (suýt nữa là bóng đá nữ) đội tuyển Futsal Việt Nam đã tạo được kỳ tích lịch sử khi đã sát cánh cùng các anh hào thế giới, mới nhất là chạm trán Brazil. Dù vẫn còn khoảng cách khá xa với các cường quốc futsal nhưng việc lần thứ hai dự VCK FIFA Futsal World Cup cho thấy đây là môn mà ngành thể thao cần đầu tư nhiều hơn nữa để biến thành một thế mạnh. Mời độc giả cùng TT&VH điểm xuyến những nét thú vị và đáng tự hào của futsal Việt Nam.
Đoàn quân của HLV Phạm Minh Giang đã xuất quân trận đầu, tất nhiên, không khó để đoán biết kết quả, khi chúng ta gặp phải đội bóng số 1 thế giới ở bộ môn này, đó là Brazil. Điều mà phần lớn người hâm mộ quan tâm, đấy là chúng ta sẽ được gì và cần làm gì bước tiếp theo, sau tận hưởng ngày hội lớn nhất thế giới futsal ở Litva?
Nên nhớ, việc futsal Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp đoạt được vé dự VCK FIFA Futsal World Cup (cùng với 4 đại diện của châu Á khác là Nhật Bản, Iran, Thái Lan và Uzbekistan) đã là một sự đảm bảo rất lớn cho tiền đề phát triển môn bóng đá trong nhà tại Việt Nam rồi.
Năm 1997, Tiger Beer tổ chức giải bóng đá trong nhà gọi là Tiger Street Football tại Singapore và Việt Nam khi ấy đã cử CLB SLNA, một đội bóng đang chơi ở giải VĐQG (tên gọi tiền thân của V-League bây giờ) đi tham chiến. Tất nhiên, không khó để đoán biết kết quả chung cuộc, khi Hữu Thắng và đồng đội đã thua chổng vó. Mặc dù vậy, những ý niệm sơ khai về bộ môn này đã bắt đầu thành hình tại Việt Nam.
TP.HCM trước và sau SEA Games 2003, vốn dĩ đã có cơ sở hạ tầng phục vụ các môn thể thao trong nhà rất lý tưởng. Đó là các nhà thi đấu thuộc các Trung tâm thể thao, mà mỗi quận huyện, đều sở hữu. Bóng đá trong nhà và bóng ném, chính là 2 trong số các môn chơi tập thể, thường xuyên được tổ chức, đặc biệt là dành cho đối tượng học sinh – sinh viên, gọi là thể thao học đường. Nhưng, mãi đến năm 2003, các giải đấu futsal mới bắt đầu nở rộ.
Mà ngày đó, khái niệm futsal cũng chưa được dùng một cách phổ quát, mà đơn thuần chỉ là bóng đá trong nhà. Giải bóng đá Doanh nhân 2030 là một trong những sân chơi quy tụ được số lượng đội đăng ký tham dự nhiều nhất. Sau một năm trình làng, nhà tổ chức đã phải tách làm 2 hạng A và B, một cho nhóm phong trào, và một còn lại dành cho các đội mạnh. Báo Thanh Niên và Báo Công an TP.HCM khi ấy cũng ra đội và từng tiến vào sâu trong giải.
Đoán được tiềm năng và mong muốn phổ cập bộ môn này tại Việt Nam, năm 2005, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã quyết định trao quyền đăng cai VCK Futsal châu Á lần đầu tiên cho Việt Nam. Song song với đó là chương trình Tầm nhìn châu Á được mang về, nhờ vậy mà rất nhiều HLV Việt Nam được phổ cập văn bằng – chứng chỉ huấn luyện; nhiều Trung tâm đào tạo bóng đá, kết hợp cộng đồng được thành hình, từ Nam ra Bắc.
Tất nhiên, ở giải đấu năm 2005 được tổ chức tại TP.HCM, chúng ta gần như không gặt hái được thành tích nào. Đá 6 trận, thắng 2, thua 3 và chỉ hòa 1; để lọt lưới đến 19 bàn. Iran đã có lần thứ 7 liên tiếp đoạt chức vô địch giải bóng đá trong nhà châu Á, cho thấy sự thống trị tuyệt đối của họ. Màn thể hiện của Iran, Nhật Bản và Thái Lan, cho chúng ta một cái nhìn thực tế hơn về bộ môn này. Và 9 năm sau, chúng ta lần đầu tiên lọt vào tứ kết.
Năm 2014, giải đấu một lần nữa được kéo về Việt Nam, cơ hội vẻ như đã chín mùi với đội tuyển Futsal Việt Nam khi ấy được dận dắt bởi HLV Bruno Garcia, một chuyên gia hàng đầu đến từ Tây Ban Nha. Thành tích lọt vào tứ kết chính là tiền đề để đội tuyển futsal Việt Nam giật luôn chiếc vé đến FIFA Futsal World Cup 2016 (hạng 4 châu Á). “Chúng ta cần phải duy trì sự ổn định về biểu đồ thành tích và quyết tâm nằm trong top 8 châu Á”, cựu HLV Bruno chia sẻ.
Chưa thể so với các quốc gia hàng đầu bộ môn này ở Á châu như Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan hay thậm chí cả người láng giềng Thái Lan, nhưng kể từ năm 2014 đến nay, thành tích của futsal Việt Nam ở cả cấp độ ĐTQG lẫn CLB khi tham gia giải châu lục, là rất đáng khích lệ. Lần gần nhất giải vô địch châu Á được tổ chức tại Hàn Quốc năm 2018, futsal Việt Nam lại ghi tên mình ở tứ kết. Năm 2020 giải đấu bị hủy vì đại dịch Covid-19.
Để đến được với Litva lần này, đội tuyển Futsal Việt Nam đã vượt qua Libang sau 2 trận “play-off” tại UAE, với luật bàn thắng trên sân đối phương. Đó là một buổi tối đầy cảm xúc, sau bàn thắng của Châu Đoàn Phát.
Đón đọc bài 2: Futsal Việt bay cao bằng đôi cánh nào?
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất