23/06/2015 05:18 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Những lô vải thiều đầu tiên được chiếu xạ để xuất sang thị trường Australia, sang Mỹ đã mở ra một cơ hội lớn cho người nông dân trồng vải của Việt Nam. Quy trình chiếu xạ được thực hiện nghiêm ngặt...
Nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trái vải sang thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, châu Âu… Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quy định các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ đã được công nhận, gồm: Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty Cổ phần chiếu xạ An Phú (Bình Dương) theo tiêu chuẩn quy định với liều chiếu khoảng 400 Gy (đại lượng chỉ liều chiếu tổng cộng) trên nguồn Co-60, kết hợp làm lạnh ở 4°C.
Như vậy, ngoài việc kiểm soát hoàn toàn các loại côn trùng gây hại đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật, còn giúp kéo dài thời gian bảo quản quả đến 20 ngày, đáp ứng về cơ bản yêu cầu của các nước nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam.
Riêng Hải Dương hiện có gần 11.000 ha trồng vải, tập trung tại huyện Thanh Hà (gần 4.000 ha) và Thị xã Chí Linh (gần 4.300 ha), trong đó, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap chiếm khoảng 250ha. Sản lượng vải quả của Hải Dương vụ năm nay ước tính khoảng 50.000 tấn, giá vải cao hơn năm trước khoảng 20% nên lợi nhuận của người dân tăng lên đáng kể. Riêng vải trồng theo quy trình VietGap và GlobalGap có quy trình trồng và giám sát chặt chẽ hơn nên đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, năng suất quả cao hơn (khoảng 7 đến 8 tấn/ha) và có giá cao hơn vải trồng theo phương pháp truyền thống khoảng 2.000 đồng/kg.
Hiện nay trên thị trường giá vải quả Hải Dương được thương lái thu mua với giá từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, vải quả có mã đẹp, to tròn được thu mua với giá từ 17.000 đồng đến 18.000 đồng/kg.
Nhìn nhận về khó khăn lớn nhất đối với xuất khẩu trái cây nói chung và vải thiều, nhãn nói riêng là thị trường nhập khẩu yêu cầu chiếu xạ, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Hiện nay ở miền Nam có hai đơn vị chiếu xạ là Sơn Sơn corp và Công ty chiếu xạ An Phú đã đủ điều kiện và được cấp chứng chỉ hành nghề. Phía Mỹ, Australia cũng đã sang kiểm tra và chấp thuận cho hai công ty này xử lý bằng biện pháp chiếu xạ trái cây sang thị trường nước họ. Còn ở miền Bắc cho đến nay chưa có đơn vị chiếu xạ nào”.
Nhìn thấy khó khăn này, vừa qua Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc này. Theo đó đã đầu tư, nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia (Bộ KH&CN).
Hiện nay, Trung tâm đang trong quá trình nâng cấp trang thiết bị, kho lạnh theo tiêu chuẩn Mỹ và Australia để cuối năm nay, các vấn đề về kỹ thuật và cơ sở hạ tầng được hoàn thiện để sẵn sàng cho vụ vải sang năm.
Tổng hợp từ TTXVN, Báo điện tử Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất