Ganh đua ngôi Album số 1 giữa '1989' và 'Frozen': Cuộc đụng độ giữa truyền thống và cách tân

06/01/2015 14:01 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Album nào ăn khách nhất năm 2014? Với việc công nghệ đang thay đổi nhanh cách thức người ta nghe nhạc, đáp án cho câu hỏi hóc búa trên là: Tùy vào cách bạn đếm.

Nếu theo mô hình thống kê doanh số truyền thống, dựa chủ yếu trên nền tảng đĩa CD và có thêm thông số quy đổi từ lượng tải album kỹ thuật số, 1989 của Taylor Swift bán được tổng cộng 3,66 triệu bản tại Mỹ.

Ai mới là số 1?

Con số này chỉ nhỉnh hơn một chút so với album nhạc phim Frozen của hãng Disney, với thành tích 3,53 triệu bản, theo thống kê của công ty Nielsen SoundScan. Tuy nhiên, nếu tính cả các lượt nghe trực tuyến (streaming) trên các dịch vụ nhạc số như Spotify và YouTube, kết quả sẽ hoàn toàn thay đổi.

Theo cách này, Frozen tiêu thụ được 4,47 triệu bản (thống kê lượt nghe quy đổi ra bản album). Còn 1989, do phần lớn album không có trên dịch vụ nghe trực tuyến, chỉ tiêu thụ được 4,4 triệu bản.


Theo cách tính truyền thống, dựa trên nền tảng đĩa CD, 1989 của Taylor Swift là album số 1 trong năm 2014

Đây là phương pháp thống kê mới được Nielsen SoundScan và tạp chí Billboard công bố hồi cuối năm 2014, trong đó, ngoài doanh số bán album trên thực tế, yếu tố nghe trực tuyến và tải về các bài hát riêng lẻ cũng được tính đến.

Tuy thói quen nghe nhạc trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, nó vẫn phải đối mặt với những nghi ngờ về khả năng tồn tại như là một mô hình tài chính hay một kênh để tính toán doanh số bán ra của các album. Sự khác biệt trong cách tính toán đã sinh ra tới 2 album cùng ở vị trí số 1 và đằng sau nó là một ngành kinh doanh âm nhạc toàn cầu đang đứng giữa ngã ba đường.

Sự lên ngôi của nhạc trực tuyến

2014 là năm thứ 2 liên tiếp doanh số tải nhạc tại Mỹ giảm sút. Chỉ có khoảng 106,5 triệu album kỹ thuật số được bán ra, giảm tới 9,4 % so với năm 2013. Doanh số của các bài hát lẻ dưới định dạng này cũng giảm 12,5 % so với năm trước đó, chỉ thu về hơn 1,1 tỷ USD. Nhìn tổng thể, doanh số từ lượt tải, bán đĩa CD và đĩa nhựa vinyl đạt khoảng 257 triệu album trong năm 2014, giảm 11,2% so với 2013.

Ngược lại, nghe trực tuyến qua các dịch vụ như Spotify và Rhapsody tăng 54,5% trong năm qua, đạt gần 164 tỷ lượt và xu hướng này diễn ra khá đồng đều trên thế giới. Ví dụ, lượng tải nhạc tại Anh lần đầu tiên đã giảm trong năm ngoái, nhưng lượt nghe trực tuyến lại tăng gấp đôi, theo thống kê từ tập đoàn thương mại British Phonographic Industry.

"Đây chắc chắn là một sự thay đổi lớn trong xu hướng tiêu dùng, khi những người từng quen thuộc với dịch vụ tải nhạc kỹ thuật số dường như đang mất dần thói quen này. Họ đang dịch chuyển về hướng nghe nhạc trực tuyến, với số lượng lớn" - David Bakula, một nhà phân tích của Nielsen cho biết.

Cạnh tranh giữa các công ty nhạc trực tuyến cũng vì thế mà trở nên khốc liệt hơn trong năm 2014. YouTube giới thiệu một dịch vụ thuê bao nghe nhạc tính phí mới, còn Apple đã chi mạnh tay 3 tỷ USD cho công ty sản xuất thiết bị nghe nhạc Beats, nơi mới ra mắt dịch vụ nghe nhạc trực tuyến từ năm 2012.

Thương vụ mua bán của Apple sẽ có tác động quan trọng tới tương lai của iTunes, dịch vụ nhạc số từng được đánh giá là tạo sự chuyển dịch thị trường âm nhạc Mỹ khi ra mắt hồi năm 2003, nhưng gần đây đã chứng kiến việc người dùng giảm sút sự quan tâm.

Vì nghệ sĩ hay vì khán giả?

Trong năm qua, nghe nhạc trực tuyến cũng trở thành tâm điểm trong cuộc tranh luận dữ dội liên quan tới giá trị của âm nhạc. Trong quyết định gây ảnh hưởng lớn nhất tới ngành kinh doanh âm nhạc 2014, Swift đã rút toàn bộ danh mục âm nhạc của mình khỏi dịch vụ nhạc số Spotify, cả ở phiên bản miễn phí và tính phí. Lý do là vì công ty này không muốn các ca khúc của Swift chỉ dành riêng cho các thuê bao trả tiền.

Lập trường của Swift đã khiến cô trở thành người hùng trong mắt nhiều nghệ sĩ, vốn không hài lòng với mức lợi nhuận quá thấp mà họ thu được, khi đưa nhạc lên các dịch vụ streaming.

Các hãng thu âm nói rằng những dịch vụ streaming như Spotify và YouTube tạo điều kiện cho người dùng có thể nghe miễn phí rất nhiều ca khúc. Việc này khiến họ chẳng có động lực để mua chúng.

Mối quan ngại đã dẫn đến việc nhiều công ty thu âm lớn quyết định đàm phán lại hợp đồng cấp phép cho các dịch vụ streaming trong năm nay. Cũng như Swift, nhiều nghệ sĩ và hãng thu muốn kiểm soát nhạc của họ tốt hơn, đặc biệt là trong giai đoạn phát hành. Ví dụ, họ rút album ra khỏi kho nhạc miễn phí một thời gian nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng.

Trong trường hợp của Swift, chiến lược này dường như đã đem lại hiệu quả khi 1989 bán gần 1,3 triệu bản ngay trong tuần đầu tiên, lớn hơn thành tích của bất cứ album nào khác kể từ năm 2002.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lo lắng rằng việc đặt ra quá nhiều hạn chế đối với các dịch vụ nhạc trực truyến sẽ dẫn tới việc mất đi nhiều khách hàng tiềm năng và khiến người dùng không có cơ hội được thưởng thức âm nhạc một cách tự do như trước.

"Thách thức ngắn hạn lớn nhất sẽ là việc xứ lý thuê bao tính phí" - Mark Mulligan của công ty Midia Research cho biết - "Có một nguy cơ rằng các thuê bao tính phí sẽ bị vứt bỏ không thương tiếc. Các công ty streaming lớn sẽ cúi đầu trước áp lực từ các hội đồng quản trị và từ giới nghệ sĩ trong việc giới hạn dịch vụ nghe trực tuyến".

Vân Anh (Theo NY Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm