04/11/2020 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vũ Duy Chu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đang sống tại TP.HCM. Ông mới ra tập thơ Vầng trăng trong nhà (NXB Hội Nhà Văn, 2020) với 81 bài, gồm thơ mới viết và thơ rút ra từ 5 tập thơ cho thiếu nhi đã ấn hành trước đây. Bài Đau có trong tập thơ mới, và đang là bài học của các lớp mầm non, tiểu học.
Bài thơ Đau là câu chuyện dài 1 ngày được kể với trẻ mầm non chỉ bằng 40 âm tiết:
Bé Minh ngã sóng soài/ Đứng dậy nhìn sau trước/ Có ai mà hay biết/ Nên bé nào thấy đau// Tối mẹ về xúyt xoa/ Bé òa lên nức nở/ Vết ngã giờ sực nhớ/ Mẹ thương thì mới đau!
Theo nhi đồng bước vào thế giới kỳ diệu
Dùng tới 3 chữ đau (kể luôn tên bài) mà cả người trong và ngoài thơ không thấy đau! Chỉ thấy đau… đáu một tức cười dễ thương. Người trong bài - bé Minh, còn thừa sức để “đứng dậy” rồi nhìn sau, nhìn trước tự quan sát hiện trường “tai nạn” của mình, người trong bài còn lành lặn, còn khỏe. Người ngoài bài - người lớn chúng ta, chẳng ai nghĩ người làm thơ muốn “bóc mẽ” một trò khôn lỏi con nít! Chúng ta hiểu rằng, tác giả muốn đi tới cùng bản chất của sự ngây thơ để mà trân trọng sự hồn nhiên của bản chất này.
Bé Minh hồn nhiên tới độ, tin rằng mình có quyền nhõng nhẽo! Hay nói theo giọng người lớn, nhõng nhẽo cần được công nhận trong quyền trẻ em. Bé Minh “òa” lên sung sướng khi mẹ công nhận quyền này! Những giọt nước mắt thơ ca đã hòa làm một, quyền trẻ em và quyền làm mẹ.
Muốn tận dụng một ngữ liệu giàu nhân văn, nhân bản, những người làm sách giáo khoa, đưa bài Đau từ cấp mầm non lên tiểu học, để các em học một lần nữa (Tiếng Việt 4, tập 2, tr.35) trong bài học phân biệt, chính tả, chính âm, chữ “l” với chữ “n”.
Để tác phẩm viết cho thiếu nhi dễ đến với thiếu nhi, Vũ Duy Chu hay làm thơ bằng những câu chuyện. Các bậc phụ huynh có thể “kể” thơ Vũ Duy Chu cho con em mình. Bài thơ Đường và muối vào chuyện bằng toàn cảnh “quần chúng” kiến, phát huy quyền trẻ em của mình: “Kiến cũng như trẻ con/ Chỉ thích ăn kẹo ngọt/ Hũ đường đậy chưa chặt/ Kiến biết liền vây quanh”.
Thế rồi xuất hiện một nhân vật người tinh quái, muốn can thiệp vào “quyển hảo ngọt” của bầy kiến nhi đồng, bằng một thí nghiệm khoa học, rất chủ quan: “Hũ muối trắng kế bên/ Kiến chẳng hề động đến/ Bé nghĩ cách lừa kiến/ Đổi nhãn hũ cho nhau”.
Đáo để, người và tự nhiên - kiến đụng độ, để rồi thất bại thuộc về con người: “Kiến nào biết chữ đâu/ Cứ tha đường tíu tít/ Ôi! Chị Hà vào bếp/ Nêm đường nhầm vào canh”.
Trong thơ viết cho nhi đồng của Vu Duy Chu có câu chuyện được “thắt nút” căng như một vở kịch: “Bé tự mặc quần thôi/ Không nhờ bà, nhờ mẹ/ Cô khen ở trường rồi/ Bốn tuổi, đâu còn bé!// Vịn tay vào thành ghế/ Lóang thôi, mặc đã xong/ Các bạn chờ ngòai sân/ Tha hồ vui chơi nhé// Ô, bé làm sao thế/ Ngã ngồi, chẳng đứng lên/ Chao ơi, cả hai chân/ Bé xỏ vào một ống!” (Tập làm người lớn)
2 cú ngã, (trong bài Đau và bài Tập làm người lớn) được xử lý bằng 2 cách, nhưng cả 2 cách đều dụng công đẩy mạch thơ tới tận cùng hài hước hay trữ tình. Với Vũ Duy Chu viết cho thiếu nhi cũng cần tận lực để có sự tận cùng cảm xúc!
Mới đây, trên Văn tuổi thơ (tháng 5/2020) - một tờ học báo của NXB Giáo Dục Việt Nam, bài thơ Tiếng chim thức dậy của Vũ Duy Chu được dùng để xây dựng một tiết học: “Chích choè!.../ Chích choè!... Chích choè…/ Tiếng chim thức dậy đuôi xoè ban mai/ Sương tròn thức động lá khoai/ Miên man gió thức hương nhài thanh tao/ Chuồn chuồn thức sóng mặt ao/ Cá đâu chợt thức hớp vào bọt tăm// Gàu khua thức giếng sâu đằm/ Lá dâu thức nở nong tằm mái hiên/ Đường làng thức buổi chợ phiên/ Nhà em thức dậy đầu tiên là bà// Biết em đi học đường xa/ Chích choè trên khóm tre ngà thức em”.
Tác giả Vu Duy Chu dùng tới 10 lần động từ “thức”, chắp nối thật nhịp nhàng, chặt chẽ sự bừng tỉnh của vạn vật, để cùng nhau mở ra một ngày mới. Khoai nước nghiêng mình múa lá. Hoa nhài hát thầm bằng hương. Cá há miệng ăn như hát, những cô lá dâu và các chú rể tằm cùng múa điệu ăn trong một sân khấu tròn như mặt hoa khổng lồ đang nở. Gàu nước hát tiếng “đằm sâu”, đường làng múa điệu “chợ phiên” theo nhịp chân người…
Vạn vật cùng nhau mở ra một ngày mới để nối đường vui, đưa một em bé tới trường. Bài thơ bắt đầu bằng chuỗi từ tượng thanh rộn ràng, để người đọc chú ý nhìn ngắm những tượng hình nhân gian đang ngày càng rõ nét trong màu nắng mai và rồi bất ngờ thơ kết bằng một nhãn tự chỉ người - “em”, một học sinh tiểu học. Vũ Duy Chu đã viết thật hay về niềm vui tới trường!
Viết cho thiếu nhi, Vũ Duy Chu có tuyên ngôn của mình: “Thế giới tuổi thơ thật kỳ diệu. Một thế giới lung linh ánh sáng của sự hồn nhiên. Một thế giới hoa lá cỏ cây xanh tươi rực rỡ, chim muông bay nhảy thanh bình. Cái xấu được lòng tốt cảm hóa. Kẻ yếu, người nghèo khó được đùm bọc che chở. Cầm bút viết cho các em, chính là theo các em bước vào thế giới kỳ diệu đó”.
Ngược dòng thời gian tìm lại bóng hình tuổi mới lớn
Vào những năm cuối thế kỷ trước, trên chuyên mục Miền nhớ của một tờ tuần báo, nhà văn Vũ Duy Chu say sưa viết về làng quê Ý Yên (Nam Định) của mình. Viết kỹ tới mức tìm ra nhưng để tài, không nhìn thầy, chỉ có thể nghe ra. Nhà văn nghe ra khi đang được ông thơ cắt tóc dạo làm đẹp cho mình: “Bụng ông sôi èo èo rất rõ. Khi đói quá, bụng tôi cũng sôi èo èo y hệt. Hàng ngày đến lớp học, khoảng non trưa, tôi cũng nghe bụng bạn tôi réo lên như thế”.
Mở lại những trang văn ngày ấy, mở lại miền nhớ của một nhà văn, bạn đọc nhận ra bóng dáng của cả một thời. Cái thời nghèo tới mức, cậu học sinh nông thôn “Chưa bao giờ có một cái khăn để rửa mặt. Khăn mặt có bán ở cửa hàng hợp tác xã mua bán trên huyện, ba hào một cái, nhưng bán theo tiêu chuẩn phân phối, làm sao bố tôi mua được. Với lại, rửa mặt bằng tay tiện hơn, thích lúc nào rửa lúc ấy, quen!”.
Quen mót lúa với mẹ: “Thỉnh thoảng giữ thế thăng bằng, tôi lại nhấc hẳn một chân lên, rút que tẩm thuốc giắt ở thắt lưng, chấm vào những con đỉa đang hút máu. Chúng rời ra ngay lập tức, rơi xuống nước giẫy giẫy. Chưa thấy ở đâu đỉa nhiều như đồng Chùa, đồng Rừng”.
Quen bắt cua đồng cùng với một người chị, kiểu chị “lá diêu bông” trong thơ Hoàng Cầm: “Hang cua, quê tôi gọi là mà. Rất hiếm khi hai con cua ở cùng mà. Vì vậy mới có câu: Mỗi mà mỗi ma, mỗi mà mỗi cua. Lần nào ra đồng bắt cua, tôi cũng nhường cho chị Huyên đi trước, dọc bờ ruộng tìm mà. Thế mà…” “… chị đã lấy chồng về làng Lẻ, làng của xã khác, cách xã tôi mấy cánh đồng. Cái làng từ xa xưa đã buồn bã trong một câu ca…”.
Quen cùng dân làng, làm việc nước “… khi học lớp mười, tôi được ông Chủ nhiệm Hợp tác xã nhờ phát thanh chương trình thời sự và các thông báo của ông liên quan đến công việc đồng áng. Một cái loa bằng sắt Tây, miệng loa bè ra sứt sẹo. Ông đánh dấu những tin tức quan trọng trên tờ báo Nhân dân rồi dúi vào tay tôi. Tôi leo lên chạc ba cao nhất của cây đa làng, hướng loa về hai phía xóm mà đọc”, để rồi chàng thư sinh, rời đỉnh cao thời sự, về với thơ mộng tuổi mới lớn đang chờ dưới đất. “Cô bạn xóm trong lặng lẽ nhìn tôi tụt xuống từ trên cao. Tôi thả loa, thả ngọn đèn bão xuống cho cô cầm giúp. Cô giơ cao ngọn đèn bão, nhặt những con kiến bò trên lưng, trên cổ áo tôi. Tôi nghe rõ hơi thở của bạn tôi gấp gáp, tự nhiên tôi hồi hộp, hồi hộp đến kỳ lạ”.
Viết về tuổi nhi đồng, Vũ Duy Chu thông minh. Viết về tuổi mới lớn Vũ Duy Chu tinh tế. Vũ Duy Chu là nhà văn thân thiết của các em!
(Còn tiếp)
Vài nét về nhà văn Vũ Duy Chu Vũ Duy Chu sinh ngày 5/5/1951, quê quán ở thôn Trại Chùa, xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông từng đi bộ đội, sau đó học Đại học Bưu điện và công tác tại TP.HCM. Hiện đã nghỉ hưu. Ông đã viết cho thiếu nhi các tập thơ: Diều trên biển (NXB Đồng Nai), Hội sao (NXB Thanh Niên), Dế và cỏ (NXB Trẻ), Tiếng chim thức dậy (NXB Hội Nhà văn), Ô xòe trên tay mẹ (NXB Kim Đồng), Vừng trăng trong nhà (NXB Hội Nhà văn). Ông được trao các giải thưởng cuộc thi: “Sáng tác văn học thiếu nhi” do Hội Nhà văn Việt Nam và UNICEF tổ chức (1996-1997), “Tương lai vẫy gọi” do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức (1998-1999), Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng tổ chức (2001-2002). |
Lê Lại Yên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất