15/04/2020 20:34 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Australia giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1930 và lần đầu tiên trong 30 năm.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong báo cáo mới nhất về Triển vọng Kinh tế thế giới công bố ngày 14/4, IMF dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia sẽ giảm 6,7%, tương đương 130 tỷ AUD (83,7 tỷ USD) trong năm nay. Con số này cao gấp đôi so với mức dự báo GDP sụt giảm trên toàn cầu của IMF.
Đây bị xem là cú sốc lớn với kinh tế Australia kể từ năm 1930, khi tăng trưởng kinh tế của nước này giảm 9,5%, đồng thời đặt dấu chấm hết cho chuỗi 28 năm tăng trưởng liên tiếp. Theo báo cáo của IMF, nhiều khả năng trong năm nay, kinh tế toàn cầu sẽ ghi nhận mức suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1930, thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập niên. Đặc biệt, kinh tế Australia sẽ đối mặt với cú sốc kinh tế nghiêm trọng hơn so với những nước đang chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, IMF cũng lạc quan rằng kinh tế Australia sẽ tăng trưởng ở mức 6,1% trong năm 2021, nếu đại dịch toàn cầu lên tới đỉnh điểm trong quý II và các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, theo IMF, ngay cả khi năm 2021 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, thì sản lượng đầu ra hằng năm của Australia cũng sẽ thấp hơn so với năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng ở mức trung bình 7,6% trong năm 2020 và 8,9% trong năm 2021.
Giám đốc IMF tại Australia, Harald Finger, cho biết Australia đang bước vào cuộc suy thoái đầu tiên sau gần 30 năm tăng trưởng liên tiếp. Ông đánh giá nền kinh tế "Xứ sở chuột túi" phụ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu hàng hóa và du lịch. Việc đóng cửa biên giới và tăng cường biện pháp cách ly nghiêm ngặt để đối phó với COVID-19, đã khiến các lĩnh vực này bị tổn thương nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mức nợ hộ gia đình cao cũng tạo ra rào cản, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho rằng Australia đang ở vị trí thuận lợi hơn để ứng phó với tác động kinh tế của dịch bệnh. Ông khẳng định Australia đã tiếp cận cuộc khủng hoảng này từ vị thế của một quốc gia có sức mạnh về kinh tế. Các biện pháp của Australia mang tính chất tạm thời, tập trung và phù hợp với những thách thức đang đối mặt. Theo đó, Chính phủ Australia đã đồng ý chi tổng cộng 320 tỷ AUD (khoảng 200 tỷ USD) cho cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, tương đương 16,4% GDP/năm. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Australia (ngân hàng trung ương – RBA) đã có những phản ứng rất kịp thời khi bơm 90 tỷ AUD (khoảng 57, tỷ USD) vào hệ thống tài chính quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau rất nhiều nỗ lực, Chính phủ Australia đã đưa ngân sách liên bang trở lại mức cân bằng lần đầu tiên sau 11 năm thâm hụt, và tỷ lệ nợ trên GDP chỉ bằng khoảng 25% so với Mỹ hoặc Anh và bằng 15% so với Nhật Bản.
Tuy nhiên, người phụ trách vấn đề ngân khố của Công đảng đối lập Jim Chalmers (Dim Sam-mơ) cho rằng Chính phủ Australia vẫn cần phải hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ người lao động, tránh sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Ông nhận định tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế, với hàng trăm nghìn việc làm có thể bị mất đi và nhiều người lao động bị bỏ rơi. Vì vậy, điều quan trọng nhất hiện nay đó là chính phủ phải bảo vệ được càng nhiều việc làm càng tốt.
Bất chấp cảnh báo về triển vọng kinh tế ảm đạm, tỷ giá đồng AUD ngày 14/4 đã lên mức tăng cao nhất trong một tháng qua, với 1 AUD đổi được 0,64 USD, đánh dấu sự phục hồi ở mức 20,7% tính từ ngày 23/3. Về mặt kỹ thuật, đồng tiền này đang có xu hướng bước vào giai đoạn tăng giá mới.
Đặng Ánh - Diệu Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất