Từ Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012: Nhìn lại đời sống văn học Nam bộ

21/01/2013 08:06 GMT+7 | Đọc - Xem

Năm 2011 không có đại diện nào của TPHCM lẫn Nam bộ được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2012 chỉ có tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng được nhận tặng thưởng (bằng khen). Nếu nhìn vào giải thưởng thường niên và việc kết nạp hội viên có vẻ sáng tác văn học phía Nam đang thất bát…

Mới đây, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 được trao cho 3 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, 1 tập phê bình tiểu luận và trao tặng thưởng (bằng khen) cho 2 tập thơ, 2 tiểu thuyết. Chẳng có tác phẩm văn học dịch nào được trao giải trong năm vốn xảy ra nhiều vấn nạn về dịch thuật này.

Điều đáng chú ý là giải thưởng lý luận phê bình thì không thuộc về giới phê bình mà được trao cho một cây bút phê bình “nghiệp dư” là nhà văn Văn Chinh. Điều đó có phải giới lý luận phê bình chuyên nghiệp tiếp tục tụt hậu so với đời sống văn học đương đại hay vì lý do nào khác?

Trong khi đó, văn học thiếu nhi cũng tiếp tục vắng bóng giải thưởng dù đây là mảng văn học luôn được xã hội quan tâm khích lệ và năm qua có nhiều đầu sách được xuất bản, được đông đảo người đọc đón nhận.

Về văn xuôi, giải thưởng duy nhất thuộc về nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ với tập truyện Thành phố đi vắng, tác phẩm mà hàng tháng trước được dự đoán sẽ nhận giải và gây ra những tranh luận nghịch chiều trên các diễn đàn mạng. Tác giả hiện là Ủy viên Thường vụ BCH Hội Nhà văn Việt Nam.
 


Đoàn nhà văn TPHCM trong một chuyến đi thực tế tại Củ Chi, TPHCM.

Thơ dường như được mùa khi có tới 3 giải thưởng được trao cho 3 tác giả. Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn là việc trao giải có chuẩn xác không khi ngay cả tên của 3 tập thơ còn rất xa lạ, ít người biết: Trường ca chân đất (Thanh Thảo), Màu tự do của đất (Trần Quang Quý), Giờ thứ 25 (Phạm Đương). Các tập thơ này đã ra đời cả năm trời mà có vẻ vẫn còn “bí mật” với người yêu thơ, cả trên internet cũng hiếm thấy.

Không chỉ giải thưởng mà mọi hoạt động khác của Hội Nhà văn Việt Nam dường như ngày càng xa dần đối với TPHCM lẫn Nam bộ. Chẳng hạn như việc kết nạp hội viên. Dù lực lượng sáng tác văn học khá đông đảo nhưng trong đợt xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 vừa qua, chỉ có 3/25 nhà văn phía Nam được kết nạp. Thật quá khiêm tốn.

Phải chăng văn chương TPHCM nói riêng và Nam bộ nói chung đang mất mùa đáng báo động?

Thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Bởi giải thưởng chỉ là một phần của đời sống văn học, trong khi có nhiều tác phẩm tốt mà tác giả không gửi dự giải, đó là chưa tính đến sự khách quan, chuẩn xác trong việc thẩm định trao giải. Riêng ở TPHCM, trong 2 năm qua có hàng trăm đầu sách văn học được xuất bản và người đọc đón nhận, trong đó có tác phẩm của các nhà văn có uy tín như Lê Văn Thảo, Thanh Giang, Chim Trắng, Trúc Chi, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Lê Văn Nghĩa, Huỳnh Như Phương, Cao Chiến, Trầm Hương... và nhiều tác giả trẻ tài năng. Trong đó, có người cũng gửi dự giải nhưng bị loại, có người cho rằng nếu có tham dự thì cũng chẳng hy vọng gì.

Thiết nghĩ, ở góc nhìn từ TPHCM lẫn Nam bộ, xét riêng việc kết nạp hội viên và giải thưởng, thì công tác hội vẫn còn nhiều điều đáng phải bàn.

Theo Phương Nam

Sài Gòn Giải phóng


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm