Kỳ cuối: Phan Khôi và 2 người ăn mày trong nạn đói 1945

18/01/2009 10:53 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nạn đói năm Ất Dậu (1945) hoành hành dữ dội ở miền Bắc, hàng triệu bà con chết đói, hằng hà gia đình ly tán, tha phương cầu thực.
 
>> Kỳ 1: Phan Khôi: Hai thái cực trong tính cách
>> Kỳ 2: Phan Khôi: Như một “lão nông
 
Lúc này Thầy tôi – học giả Phan Khôi- vẫn còn ở nhà (làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nghe họ kể chuyện, ông chỉ chép miệng, thở dài.

Hai người đói lưu lạc

Học giả Phan Khôi
Bỗng một hôm, vào khoảng đầu năm 1945, có hai người ăn xin rách rưới, tiều tụy, rụt rè bước vào sân. Mạ tôi sai người đuổi chó, cho họ vào nhà. Đó là hai thanh niên nói giọng Bắc, kể rằng họ bị đói, đi ăn xin lần hồi đến đây. Mạ tôi lấy cơm cho họ ăn và hỏi thăm tình cảnh của họ. Thấy Mạ tôi hiền lành, họ ngỏ ý xin ở lại, làm công kiếm cơm ăn. Mạ tôi không dám quyết, bèn hỏi ý kiến Thầy tôi. Ông bảo để ông gặp họ xem sao.

Đó là một người cao, gầy, tên là Đào; một người thấp, to ngang, tên là Nhàn. Cha mẹ anh em họ, người thì chết đói, người thì bỏ làng đi kiếm ăn, lưu lạc mỗi người một phương, không ai biết. Hai người gặp nhau, kết bạn, rồi đi theo đường bộ vào Nam. Đến đâu thì xin ăn ở đó, xin không được thì đào trộm củ, hái trộm quả hoặc bứt lá dại ăn tạm. Thầy tôi hỏi tại sao không đi thẳng vào Nam Bộ là nơi có nhiều lúa gạo, mà lại rẽ lên vùng này? Họ nói, nghe người ta đồn làng Bảo An giàu có, buôn bán sầm uất, lại có nghề dệt vải lụa, làm mía đường, nên cố lặn lội đến đây may ra kiếm được việc làm, có cơm ăn chờ qua nạn đói.

Thầy tôi ngẫm nghĩ, rồi hỏi Mạ tôi xem nhà có việc gì cho họ làm không? Mạ tôi nói hiện thời nghề dệt đang khó khăn, vải bán không chạy, công việc chỉ đủ cho người nhà làm, cho họ ở lại thì không biết để họ làm việc gì? Nhưng cuối cùng, thương hoàn cảnh họ tội nghiệp quá, hai ông bà quyết định cho họ ở lại một thời gian cho lại sức, rồi sẽ tính sau.

Cưu mang và chữa bệnh

Vậy là hai chú này được ở lại. Hàng ngày họ làm công việc nhà, như gánh nước, chẻ củi, cùng mẹ tôi đi chợ mua sợi, bán vải, rồi làm quen với công việc trong nghề dệt như ngâm sợi, hồ sợi, vắt, phơi, quay xa, đánh ống. Về sau, Mạ tôi dạy họ mắc cửi, lên khung, dệt vải. Chú Đào là người gầy yếu, nhưng sáng ý và chịu khó học nghề, nên một thời gian sau đã có thể ngồi dệt được. Còn chú Nhàn thì khỏe mạnh hơn, nhưng chỉ thích làm công việc nặng, không ham nghề dệt, nên cuối cùng không học được gì.

Tính tình hai chú này rất tốt, lại siêng năng, trong nhà ai cũng mến. Tối tối, khi rỗi việc, hai chú kể chuyện làng quê và gia đình ở ngoài Bắc. Thỉnh thoảng các chú lại khóc, lũ nhỏ chúng tôi cũng buồn theo. Nhưng có lúc các chú cũng hào hứng giải thích cho chúng tôi biết con đê nó ra làm sao, tại sao mỗi nhà có một cái ao, cầu ao là cái gì, v.v..., là những thứ mà quê tôi không có. Ngược lại, các chú tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy đình, chùa ở làng tôi rất to, trong làng thì đường ngang ngõ dọc, vuông vắn như bàn cờ, rất khác với quê các chú.

50 năm sau, vợ con Phan Khôi đều đã lên bậc lão. Từ trái sang: Chị con gái Phan Thị Viện – cụ bà Nguyễn Thị Huệ - chị dâu trưởng Bích Hà.
Một hôm, Mạ tôi báo với Thầy tôi rằng chú Nhàn bị một chứng bệnh gì đó mà cứ ôm bụng dưới rên rỉ, hỏi gì cũng không nói. Thầy tôi bèn trực tiếp hỏi chú. Lúc đó chú mới nói thật: “ Cụ ơi, con tự dưng bị sưng cái “của quý”, nhưng con không dám nói với bà”. Thầy tôi nghe vậy, cười ngất: “Cái chú này, đau đâu không đau, lại đau đúng cái chỗ ấy. Để tôi xem trong sách thuốc có cách gì chữa cho chú không, nếu không thì sẽ mời thầy thuốc hoặc chở chú xuống nhà thương Phố”. Nhà thương Phố tức là nhà thương ở Hội An. Một lúc sau, Thầy tôi từ nhà trên đi xuống, nói với chú: “Trong sách có bày một cách chữa, không biết có hiệu nghiệm không, nếu chú chịu thì làm thử, không lành thì đi nhà thương”. Chú Nhàn gật đầu đồng ý. Thầy tôi sai người đi mua một con vịt, tôi không nhớ vịt trống hay vịt mái, đem về cho uống nước, rửa cái mỏ của nó cho thật sạch, đưa chú Nhàn vào một phòng kín, cởi quần, rồi cho con vịt ngậm vào cái của quý của chú, càng lâu càng tốt. Cả nhà nghe vậy, cười ầm cả lên, còn chú Nhàn thì ngượng chín cả người. Chừng ba, bốn tiếng đồng hồ sau, chú Nhàn xách đầu con vịt, tung cửa chạy ra, kêu to: “Con khỏi rồi, cụ ơi!”. Thầy tôi từ nhà trên, bỏ sách, đi xuống, hỏi: “Thật không, chắc chưa?”. Chú Nhàn hớn hở nói: “Chắc rồi, con đội ơn cụ nhiều lắm!”. Thầy tôi sau đó cũng thắc mắc: “Quái lạ, hắn bị cái bệnh chi mà mỏ con vịt lại chữa khỏi được? Trong mỏ con vịt có chất chi chống lại cái bệnh đó hay sao? Hay là chữa mẹo?”. Ông nói: rồi đây ông sẽ gặp mấy thầy thuốc quen để hỏi. Không biết rồi Thầy tôi đã hỏi được chưa?

***

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, hai chú Nhàn và Đào, lúc này đã khoẻ mạnh trở lại như bình thường, xin phép về quê. Thầy tôi bảo Mạ tôi trả tiền công, cấp gạo ăn đường cho hai chú. Các chú hết lời cảm ơn, nhận một ít tiền, một ít gạo, rồi đi. Sau này, nghe nói có lần chú Đào tìm đến tận nhà ở 51 - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để thăm Thầy tôi. Còn chú Nhàn, cái chú chữa bệnh bằng mỏ con vịt ngày nào, thì không có tin tức, không biết chú có còn không?

Phan Trản

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm