Xung quanh thông tin 1.000 tấn vàng nhập ròng

08/11/2010 20:01 GMT+7 | Thế giới

Số liệu nhập khẩu vàng ròng của Việt Nam trong 20 năm gần đây lên tới 1.000 tấn mới được công bố đang gây xôn xao dư luận bởi trước đó Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư thu hẹp huy động và cho vay vàng.

Thông tin về 1.000 tấn vàng mà ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra đã xới lại những tranh luận về việc có nên hạn chế huy động và cho vay vàng của ngân hàng ở thời điểm hiện tại. Người đứng đầu Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia không khẳng định việc có tồn tại tới 1.000 tấn vàng trong dân cư hay không nhưng nói: “Chắc chắn có một lượng vàng không nhỏ tồn tại trong dân”.

Ông Thúy bình luận, không nên vội vàng ngăn cấm những giao dịch vàng. Việc làm như vậy chỉ đẩy vàng ra khỏi kênh chính thức chứ nó vẫn tồn tại trong xã hội. Trong khi đó, đây là một lượng vốn quan trọng mà nếu không được đưa vào lưu thông chính thức thì vàng sẽ nằm im, không sinh lời hoặc sẽ lưu chuyển trên thị trường tự do, rất khó kiểm soát. Ông Thúy cho rằng, cần phải tìm cách thu hút nguồn lực này vào hệ thống ngân hàng.


Hàng chục tỷ USD dưới dạng vàng đang nằm trong nhà nước dân

Trong khi nền kinh tế rất cần huy động vốn từ nhiều nguồn cho đầu tư phát triển, các sàn vàng vừa bị đóng cửa, giá vàng liên tiếp lập những đỉnh cao mới... thì hơn một tuần trước đây, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư thu hẹp huy động và cho vay vàng. Cũng vì thế, con số 1.000 tấn vàng tương đương hơn 40 tỷ USD đang nằm trong dân chúng là một sức ép cực lớn đối với thông tư vừa được ban hành.

Tuy nhiên, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước phủ nhận việc có tới 1.000 tấn vàng hiện nằm rải rác trong dân chúng. Ông này nói: “Cho tới nay thì không có ai khẳng định được chính xác được số lượng vàng thực tế có trong dân là bao nhiêu”.

Con số được vị cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước dẫn ra là từ Hội đồng vàng Thế giới và chưa tính tới việc xuất nhập khẩu vàng lậu hoặc qua các con đường mà tổ chức này chưa thống kê được.

Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng có tiếng thì đưa ra phỏng đoán, nếu trừ đi lượng vàng đã xuất lậu thì số lượng vàng hiện còn nằm trong dân chỉ khoảng 200 tấn mà thôi. “Tuy nhiên, số vàng này cũng tương đương với 10 tỷ USD và rất cần thu hút vào hệ thống ngân hàng chứ không nên để nằm chết dí trong nhà của người dân”, ông này nói.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết, lượng vàng có ở trong dân là 1.000 tấn hay nhiều hơn hoặc ít hơn không phải là vấn đề. Quan trọng hơn là thái độ với số vốn bằng vàng khổng lồ đó. Ông này cho rằng: “Nếu Ngân hàng Nhà ước thực sự muốn loại hoàn toàn vàng ra khỏi thanh toán chính thức thì cần phải tiến hành nhiều biện pháp tổng thể chứ không nên đơn thuần áp dụng như thông tư về vàng vừa mới ban hành. Bên cạnh đó, áp dụng cũng phải chấp nhận những xáo trộn nhất định trên thị trường tiền tệ. Đây là một chủ trương rất lớn và cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Chính phủ”.

Tuy nhiên, ông này cũng lưu ý đến tình hình đặc thù của Việt Nam. Tại các nước khác vàng trong dân chỉ được coi là một loại hàng hóa thông thường và không được coi là phương tiện thanh toán. Cũng vì thế, số lượng vàng trong dân không nhiều. Trong khi đó, ở Việt Nam, vàng không chỉ là hàng hóa (để làm trang sức) mà còn là phương tiện cất trữ, thanh toán. Trước đây, khi chưa được gửi vàng vào ngân hàng thì người dân cất trong nhà.

Hiện giờ khi được gửi vào ngân hàng nhưng nhà băng lại bị hạn chế các nghiệp vụ với vàng thì rồi vàng sẽ quay trở lại nhà người dân. “Nếu người dân vẫn tin vào vàng, đặc biệt trong bối cảnh kim loại này liên tục tăng giá mà cứ quyết tâm loại vàng khỏi kênh chính thức một cách duy ý chí thì chỉ làm lãng phí một nguồn vốn tiềm năng lớn trong dân chúng mà thôi. Khi người dân vẫn tin vàng là một phương tiện cất trữ quan trọng thì chưa phải là thời điểm chín muồi để thực hiện”, ông này nhận định.

Trong khi đó, đại diện của phía Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định, việc huy động và cho vay bằng vàng được mở rộng cũng làm tăng tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế, tăng hiện tượng đầu cơ. Điều này làm thị trường ngầm về vàng diễn biến phức tạp, nhập lậu vàng tăng, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá. Bên cạnh đó, việc cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng cũng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực phi sản xuất, là lĩnh vực Nhà nước không khuyến khích. Cũng vì thế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc thu hẹp huy động và cho vay vàng là phù hợp.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu từng tuyên bố trong trường hợp thị trường thừa vàng, Ngân hàng Nhà nước có thể tung tiền ra mua để tăng dự trữ.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm