25/11/2021 15:19 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, chiều nay 25/11, Liên Bộ Công Thương Tài chính công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng, dầu cho kỳ điều hành mới.
tiếp tục cập nhật
Giá xăng giảm hơn 1.000 đồng/lít
Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa thông báo điều chỉnh tăng giá xăng, dầu áp dụng từ 15h ngày 25/11/2021.
Cụ thể, xăng E5RON92 có giá là 22.917 đồng/lít, giảm 752 đồng/lít, xăng RON95-III niêm yết 23.902 đồng/lít, giảm 1.094 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S có giá 18.382 đồng/lít, giảm 334 đồng/lít; dầu hỏa 17.197 đồng/lít, giảm 440 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có giá 16.477 đồng/kg, giảm 344 đồng/kg.
Liên Bộ cho biết đã trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít, dầu diesel ở mức 150 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 500 đồng/kg, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92. Đồng thời, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít, các mặt hàng xăng dầu khác không chi.
Theo liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc dịch bệnh COVID-19 có xu hướng tăng tại một số nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc; nguồn cung dầu được dự báo tăng do nhiều nước (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…) bắt đầu tính đến việc sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược để giảm giá xăng dầu, FED quyết định thu hẹp việc nới lỏng gói định lượng để kiềm chế lạm phát và được kỳ vọng sẽ sớm tăng lãi suất đồng USD… đã tác động đến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong giai đoạn vừa qua.
Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 25/11/2021 cụ thể như sau: 91,986 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 7,046 USD/thùng, tương đương giảm 7,11% so với kỳ trước); 94,445 USD/thùng xăng RON95 (giảm 8,052 USD/thùng, tương đương giảm 7,86% so với kỳ trước); 91,490 USD/thùng dầu diesel 0.05S (giảm 2,968 USD/thùng, tương đương giảm 3,14% so với kỳ trước); 89,400 USD/thùng dầu hỏa (giảm 3,905 USD/thùng, tương đương giảm 4,19% so với kỳ trước); 453,685 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (giảm 12,032 USD/tấn, tương đương giảm 2,58% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh trong nước đang vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam và một số tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang tiếp tục được mở trở lại, nhất là đang vào dịp cuối năm và chuẩn bị Tết Dương lịch.
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này, nếu không chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít thì giá xăng E5RON92 sẽ chỉ giảm 452 đồng/lít.
Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không muộn hơn 15 giờ ngày 25 tháng 11 năm 2021.
Thời điểm trên cũng là thời điểm Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ công bố cho đến trước ngày Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ phiên 24/11
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/11, khi giới đầu tư đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc mở kho dự trữ dầu do Mỹ kêu gọi và đón đợi phản ứng từ các nước sản xuất dầu.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 6 xu Mỹ, hay 0,07% xuống 82,25 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 11 xu Mỹ, hay 0,14% và đóng phiên ở mức 78,39 USD/thùng.
Mỹ cho biết sẽ xuất hàng triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược trong sự phối hợp với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh, nhằm nỗ lực hạ nhiệt giá dầu sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, “phớt lờ” lời kêu gọi gia tăng sản lượng hơn nữa.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng biện pháp trên có thể chỉ có tác động trong ngắn hạn, do sự thiếu đầu tư vào sản xuất dầu suốt nhiều năm qua và sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu từ đại dịch COVID-19. Các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs cho biết biện pháp phối hợp nói trên có thể tăng nguồn cung dầu thô thêm khoảng 70-80 triệu thùng, ít hơn mức hơn 100 triệu thùng theo dự đoán của thị trường.
Thị trường hiện đang hướng sự chú ý đến phản ứng của OPEC+ với động thái trên của Mỹ và các nước khác. Nhóm này dự kiến sẽ có cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Trong khi đó, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 1 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự đoán giảm 481.000 thùng của giới phân tích. Nhưng lượng dầu thô dự trữ trong Kho Dự trữ chiến lược của nước này lại giảm xuống còn 604,5 triệu thùng trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2003.
Số giàn khoan dầu hoạt động của Mỹ đã tăng 6 giàn trong tuần này lên 467 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, do giá dầu cao đã thu hút nhiều công ty khai thác trở lại.
Ngoài ra, giá dầu còn bị ảnh hưởng bởi số ca nhiễm COVID-19 đang tăng cao và phá vỡ các con số kỷ lục trước đó ở nhiều nơi của châu Âu, khiến nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.
Những diễn biến mới xung quanh lời kêu gọi mở kho dự trữ dầu của Mỹ
Các nguồn thạo tin mới đây cho hay Trung Quốc chưa đưa ra cam kết về việc mở kho dự trữ dầu theo lời kêu gọi của Mỹ, trong khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không hề xem xét thay đổi chính sách sau động thái mới nhất của Chính phủ Mỹ.
Ngày 23/11 chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược cùng với sự phối hợp của các quốc gia tiêu thụ lớn khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, để cố gắng hạ nhiệt thị trường năng lượng.
Sang ngày 24/11, Trung Quốc cho biết họ đang xem xét để mở kho dự trữ của riêng mình và không đưa ra thêm thông tin cụ thể nào. Thông báo này xác nhận đồn đoán được báo giới đưa vào tuần trước rằng, quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này sẽ đưa ra quyết định theo nhịp độ của riêng họ.
Các quan chức cho biết đây là lần đầu tiên Mỹ tham gia phối hợp với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới ở châu Á trong một động thái như vậy. Ngoài 50 triệu thùng dầu của Mỹ, Ấn Độ có kế hoạch xuất 5 triệu thùng dầu và Nhật Bản “vài trăm nghìn kilô lít" dầu từ kho dự trữ quốc gia của mình. Hàn Quốc chưa cung cấp bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nếu thiếu Trung Quốc, hành động phối hợp do Mỹ khởi xướng sẽ có ít tác động tới thị trường hơn dự kiến.
Giá dầu thô đã giảm trong vài ngày hồi tuần trước do những đồn đoán về một hành động phối hợp giữa các quốc gia tiêu thụ dầu chủ chốt. Nhưng giá “vàng đen” đã tăng 3% vào ngày 23/11, khi Mỹ thông báo khai thác nguồn dự trữ chiến lược nhưng thị trường thiếu rõ ràng về ý định của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ba nguồn tin cho hay OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (được gọi chung là OPEC+) sẽ không cân nhắc việc mở rộng chương trình tăng sản lượng hiện thời, bất chấp sức ép từ phía Mỹ.
OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 để thảo luận về chính sách của nhóm. Song cho đến nay, các nguồn tin cho biết nhóm này nhiều khả năng sẽ không thay đổi chiến lược bơm thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 12 tới.
Nhóm này đã chật vật để đạt được các mục tiêu hiện có theo thỏa thuận nhằm tăng dần sản lượng. Cho tới nay OPEC+ vẫn lo ngại rằng sự bùng phát trở lại số ca nhiễm COVID-19 một lần nữa có thể làm giảm nhu cầu năng lượng. Khi đó, thị trường sẽ lại dư dôi nguồn cung thay vì thiếu hụt.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay tuy họ không can thiệp để tác động đến giá cả, nhưng một số nhà sản xuất đã hạn chế nguồn cung quá mức. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng các quốc gia thuộc OPEC+ cần có những động thái cụ thể để hạ nhiệt giá dầu.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất