Công bố đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021

06/10/2021 07:43 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

(lienminhbng.org) - Ngày 29/9/2021, Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 - 2021 đã họp phiên thứ 2 và thông qua 11 đề cử cho 4 hạng mục giải thưởng. Trên cơ sở 11 đề cử này, Hội đồng giám khảo sẽ bầu chọn các giải thưởng chính thức. Lễ công bố và trao giải diễn ra vào trung tuần tháng 10 này tại Hà Nội.

Khởi động giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14-2021

Khởi động giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14-2021

Chiều 24/9, Hội đồng Giám khảo giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức đã tiến hành họp phiên đầu tiên để “sơ tuyển” các đề cử cho 4 hạng mục giải gồm: Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội, và các giải Tác phẩm, Việc làm, và Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội. Trải qua 13 mùa giải, Giải thưởng đã ghi nhận gần 150 đề cử và trao khoảng 50 giải thưởng trên 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm.

Hội đồng giám khảo do nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm Chủ tịch, cùng các thành viên gồm nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, nhà báo Ngô Hà Thái, nguyên Phó tổng giám đốc TTXVN, KTS Hoàng Đạo Kính - người được mệnh danh là “hiệp sĩ” kiến trúc Hà Nội, và nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa.

Chú thích ảnh
Các thành viên Hội đồng giám khảo và Ban sơ khảo họp phiên đầu tiên chiều ngày 24/9. Ảnh: Hoà Nguyễn

Mùa giải lần thứ 14 - 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đóng băng nên ít nhiều để lại những sự lo lắng cho những người quan tâm tới giải. Thế nhưng, như chia sẻ của các thành viên Hội đồng giám khảo, rất bất ngờ, trong một năm qua, Hà Nội vẫn là cảm hứng đặc biệt cho các ý tưởng, việc làm cũng như sáng tạo của rất nhiều người. Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng, thì trong một chừng mực, những hành động, ý tưởng hướng về Hà Nội trong mùa dịch cũng là một phần của “mục tiêu kép” - khi mà văn hóa luôn là động lực để phát triển đô thị cho mỗi thành phố.

Để có được 11 đề cử chính thức cho 4 hạng mục chính của giải, những người “cầm cân nảy mực” đã phải chọn lọc từ hàng chục gương mặt, ý tưởng, việc làm, tác phẩm.... gắn với Hà Nội trong năm qua. Ở đó có những dự án lớn gắn với chủ trương của thành phố, có những dự án cụ thể gắn với một không gian của Hà Nội, có những người nước ngoài thể hiện tình yêu với Hà Nội từ những sáng tác xuyên suốt hàng chục năm, cũng như những công dân bản địa luôn lấy Hà Nội làm cảm hứng cho công việc và tác phẩm của mình trong suốt cuộc đời...

Theo truyền thống của Giải thưởng, mỗi mùa giải chỉ chọn duy nhất 1 đề cử Giải thưởng Lớn để trao giải, cho nên Ban tổ chức xin phép được tạm giữ kín đề cử quan trọng nhất này. Bên cạnh đó là 10 đề cử đối với 3 hạng mục: Giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm (xếp theo thứ tự ngẫu nhiên).

I. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

(Công bố tại Lễ trao giải)

II. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Cuốn sách và triển lãm ảnh “Hà Nội 1967 - 1975” của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt

Được tổ chức vào đầu tháng 10, triển lãm ảnh Hà Nội 1967 – 1975 do Viện Goethe Việt Nam, Công ty Nhã Nam và Manzi Space Art tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng về hình ảnh một Hà Nội thời chiến do nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt chụp trong giai đoạn lịch sử nói trên. Nối dài những cảm xúc về một thời thương nhớ đó, cuốn sách ảnh cùng tên cũng đã được NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam ấn hành vào tháng 10/2020.

Chú thích ảnh
Cuốn sách “Hà Nội 1967 - 1975” (NXB Thế giới, Nhã Nam) của Thomas Billhardt

Từ năm 1967 - 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 6 lần, và trở lại 6 lần nữa. Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới.

Theo ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam: “Đến Việt Nam vào thời chiến, Thomas Billhardt đã tạo cho bản thân một ý thức rằng đây không phải là chuyến đi chỉ để chụp ảnh, để lấy tài liệu mà ông còn đứng về phía lẽ phải. Nhiệm vụ Thomas Billhardt tự đặt ra cho mình là những thứ ông đem trở về nước Đức không chỉ là những bức ảnh mà còn là những thứ thuộc về trái tim mà ông đã tiếp nhận được ở Việt Nam”.

Được triển lãm và in sách lần này là những bức ảnh xuất sắc nhất của Thomas Billhardt về Hà Nội, giống như một biên niên sử bằng hình ảnh về Hà Nội thời chiến.

Cho đến ngày hôm nay, khi chiến tranh đã mãi lùi xa, Thomas Billhardt vẫn luôn tự giao cho mình một nhiệm vụ đặc biệt. Nhiệm vụ của một người chụp ảnh đất nước và con người Việt Nam bằng tình nghĩa sâu nặng. “Nhiệm vụ của tôi là tiếp tục trưng bày những bức ảnh mà tôi chụp để mọi người biết Việt Nam thực sự như thế nào. Tôi hy vọng khi nhìn thấy những bức ảnh tài liệu của tôi, họ sẽ hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam như chính tôi là người đã qua Việt Nam nhiều lần, từ đó mà yêu người Việt Nam".

Chú thích ảnh
Hầm tránh bom trên đường phố Hà Nội qua ống kính của Billhardt

2. Bộ sách “Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ” (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Quốc Tín

Đây là bộ sách gồm 2 tập (tập 1 về Thăng Long thời Lê - Trịnh, tập 2 là thời Tây Sơn và nhà Nguyễn) đã tiếp cận lịch sử gần 350 năm của Thăng Long - Hà Nội (1527 - 1873) từ những giao thoa của chất chắt lọc giữa “kinh” và “tỉnh”, “thị” và “đô”, dưới một góc nhìn hòa trộn giữa “sử” và “truyện”, đủ chính xác và đầy cuốn hút.

Chú thích ảnh
“Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ” của Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Quốc Tín

Thu thập thông tin từ nhiều nguồn, từ sử sách chính thống của các triều đại xưa (Đại Việt sử ký toàn thư) đến các tác phẩm văn học dân gian (ca dao, tục ngữ...), tác phẩm văn học viết (Hoàng Lê nhất thống chí, Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút...), từ ghi chép của người trong nước (Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú) đến các ghi chép của người nước ngoài (Một chuyến du lịch đến Đàng Ngoài năm 1688 của W. Dampier...), công trình Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ của Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng viết theo lối đan cài, nhẹ nhàng, vừa rõ là “sử” nhưng cũng đầy chất “truyện”, nhẹ nhàng và gần gũi, vừa có phong khí trầm lắng của sử cũ nhưng cũng có sự thân thương của lời kể bình dân, có say sưa, có tiết chế, khách quan và tràn đầy xúc cảm.

Kể lại những câu chuyện lịch sử về Thăng Long - Hà Nội, cuốn sách trở thành một công cụ giáo dục lịch sử gần gũi và thiết yếu cho lớp trẻ hôm nay.

3. Cuốn sách “Tay chơi” (NXB Trẻ) của Mai Lâm

Gồm một truyện dài cùng tên mang tính tự truyện và các ghi chép nhỏ mang tính "hoạt kê"về những con người, những thú chơi, những sở thích… của một lớp người, thường được gọi là “Con giai phố cổ”.

Trải dài từ thời còn là học sinh đi sơ tán, đến những năm tháng chiến tranh, rồi những năm bao cấp đói nghèo. Mỗi người một sở thích, tính cách, có chất nghệ, thậm chí có thể coi là có tài năng hay tài lẻ nhưng phần lớn đều ham chơi, ham vui, ham trải nghiệm cuộc đời và cuối cùng... trôi nổi theo thời thế. Họ gắn bó với nhau một cách tự nhiên như hơi thở, kể cả khi mỗi người một xứ biền biệt.

Chú thích ảnh
Cuốn “Tay chơi” của Mai Lâm

Qua Tay chơi, ta thấy hiện lên những mẩu ký ức thân thương về một Hà Nội, thấy cả những góc khuất lấm lem của cuộc đời, nhưng trên hết vẫn là những những suy ngẫm nhân văn về cuộc đời, là cách sống ân tình, đậm tinh thần huynh đệ hào sảng. Đó là những người Hà Nội xa xứ nhưng "cứ gọi là trở về", dù mẹ già mất rồi, bạn bè dần rơi rụng, và cũng chẳng có nhà ở Hà Nội. Đó là một mảnh đời đậm chất Hà Nội như Phúc "què" cô đơn, suốt đời sống chỉ trong căn nhà nằm trong bán kính 500m, tính từ tháp Rùa. Nhưng người đàn ông này cương quyết không rời phố cổ vì: "Sống hơn 60 năm trong cái nhà này rồi. Đến cái vết vữa tường lở cũng thuộc, cũng là của mình. Bây giờ bán đi, rồi đi ở nhà khác nó chán!".

Truyện viết theo dạng hồi ức, nhớ đâu viết đó, nên đường dây câu chuyện và nhân vật có chỗ rời rạc, khó theo dõi, nhưng Tay chơi có ưu điểm là vẫn thật “chất” trong cái chất đời, chất văn tự nhiên của nó, tưởng như không phải dụng công gì, cứ từ trong ký ức tự nhiên mà viết ra.

Chú thích ảnh
Tác giả Mai Lâm - “cứ gọi là trở về” với Hà Nội. Ảnh do nhà văn Đỗ Phấn cung cấp

Nhà văn Đỗ Phấn nhận xét: “Mai Lâm xa Tổ quốc đã 30 năm có lẻ nhưng cảm giác như anh chưa từng vắng mặt ở nơi này. Đây đó vẫn những con đường kí ức, những bạn bè một thưở hàn vi, những món ăn, đồ uống… mà ngay chính người Hà Nội đương thời không phải ai cũng biết. Tất cả hiện lên mồn một như câu chuyện mới chỉ xảy ra hôm qua. Những phận người lang bạt, những công việc lao động chân tay nặng nề, những trò chơi và đồ chơi nơi đất khách với một người từng sinh ra lớn lên ở Hà Nội đều mang nét đặc thù của những ông "con giai phố cổ" kĩ lưỡng, tỉ mẩn đến kinh ngạc. Hóa ra cái phẩm chất “Con giai phố cổ” là có thật cho dù họ ở bất cứ đâu trên trái đất này”.

III. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Dự án “Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo”

Đây là dự án của SEN Heritage với sự tham gia của một nhóm các nhà nghiên cứu trẻ, tiên phong, sử dụng các kết quả nghiên cứu liên ngành cùng công nghệ thực tế ảo để tái lập các giá trị văn hóa truyền thống cho công chúng chiêm ngưỡng, trải nghiệm.

Chú thích ảnh
Mặt bằng tổng thể tháp Một Cột chùa Diên Hựu thời nhà Lý năm 1105 với bình đồ mandala theo văn bia Sùng Thiện Diên Linh (khắc năm 1121)

Bằng cách đó họ đã tái lập được kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột để công chúng có thể ngắm nhìn những hình ảnh xa xưa trong không gian tổng thể của chùa, một công trình kiến trúc đặc sắc, biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội. Công nghệ thực tế ảo khiến cho công chúng như bước vào không gian di sản kiến trúc vàng son thời Lý cách đây 800 năm, mà nay không còn tồn tại trên thực tế.

Chú thích ảnh
Chùa Một Cột - biểu tượng văn hóa ngàn năm của Hà Nội. Tái lập: SEN Heritage

Mặc dù các sản phẩm của dự án còn gây tranh cãi về tính thuyết phục của các suy luận khoa học, nhưng không thể phủ nhận, đây là một nỗ lực rất nghiêm túc của những con người rất có tâm với di sản. Xét dưới góc độ quảng bá và giáo dục di sản thì đây là một việc làm rất có ý nghĩa và có thể ứng dụng trong công tác trưng bày bảo tàng, nhằm giáo dục, quảng bá văn hóa truyền thống, điện ảnh, du lịch…

Chú thích ảnh
Trẻ em mẫu giáo tham quan VR3D chùa Diên Hựu

2. Ý tưởng xây dựng cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh

Đây là những đề xuất của Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE). Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE - cho biết đã có văn bản báo cáo Thành phố Hà Nội về việc đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch xây dựng “Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch” và tài trợ miễn phí lập Quy hoạch “Công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản.

Theo thuyết minh của dự án thì đây là hệ thống đường cao tốc quy mô lớn, vừa đảm bảo lưu thông từ Vành đai 3 - Võ Chí Công - sân bay Nội Bài, vừa để chống ngập (hệ thống chống ngập "khổng lồ" bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước... đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm), góp phần giải quyết tận gốc vấn đề ngập úng trong khu vực nội đô.

Chú thích ảnh
Mặt cắt ngang hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc sông Tô Lịch

Bên trên hệ thống đường hầm "khổng lồ" này chính là dòng sông Tô Lịch với toàn bộ lòng sông và hai bên bờ, được cải tạo bằng Dự án "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch". Cụ thể 14,6 km dòng sông sẽ được xử lý ô nhiễm, xây dựng thành đại công viên, bao hàm các yếu tố lịch sử, văn hóa và tâm linh liên quan đến Thăng Long - Hà Nội xưa. Kết hợp yếu tố du lịch, chẳng hạn: Xây dựng các “Lầu Thủy đình” hay “Lầu Vọng Nguyệt”, để mỗi người dân, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ du lịch tâm linh tới các đền, chùa; tham quan vãn cảnh trên thuyền rồng...

Chú thích ảnh
Hình ảnh mô phỏng “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch"

Có thể ghi nhận, đây là một giấc mơ đẹp cả về môi trường, cảnh quan lẫn hạ tầng kỹ thuật cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. Nhưng vì quy mô của nó quá lớn, nên tính khả thi của dự án, cũng như việc khai thác những điểm gì trong các yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh tại các công trình dự kiến xây dựng này còn gây nhiều tranh cãi.

3. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 vào tháng 3/2021, dự kiến sẽ xin ý kiến Bộ Xây dựng và được phê duyệt vào cuối năm nay.

Gắn với đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, đồ án quy hoạch bao phủ diện tích 11.000 ha; thuộc 55 phường, xã và 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000. Tinh thần của bản quy hoạch gắn với việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Đây là bản quy hoạch đã được mong chờ hàng chục năm nay, nhằm giúp Hà Nội “quay mặt ra hướng sông Hồng”, tận dụng nguồn tài nguyên cảnh quan đang bị bỏ phí trong hàng chục năm qua. Điểm nổi bật ở đồ án này là ý tưởng làm trong sạch môi trường đô thị, dám dành tới 70% diện tích tại khu vực này chỉ để phục vụ cho các công trình trồng cây xanh và tạo không gian công cộng, phục vụ cộng đồng - điều rất khác so với một ý tưởng cũng đề xuất ưu tiên phát triển đô thị ngoài đê từ quá khứ.

"Quy hoạch sông Hồng là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội, song từ trước đến nay, việc xây dựng vẫn bỏ ngỏ vì thiếu cơ sở pháp lý. Lần này, thành phố Hà Nội đang nỗ lực rất lớn để hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tổ chức ngày 10/3/2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, các chuyên gia đầu ngành mà Hà Nội tham vấn đều nhận định, đây là đồ án tốt nhất từ trước đến nay và đủ điều kiện để được phê duyệt. Trên cơ sở xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã nhất trí cao về chủ trương giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện đồ án, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan... " (Báo “Hà Nội mới”, 30/9/2021).

Chú thích ảnh
Việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến được phê duyệt vào cuối năm 2021 sẽ là cơ sở và cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng khu vực, hình thành diện mạo mới cho Thủ đô

4. Ý tưởng “Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo” cho Hà Nội

Đây là ý tưởng, được mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” - một mạng lưới cộng đồng, thành lập với mục đích vận động, kêu gọi những hoạt động tích cực cho Hà Nội - đã khởi xướng từ cuối năm 2020.

Ý tưởng này gắn với một thực tế là: Theo quy hoạch, khoảng 90 nhà máy, cơ sở công nghiệp đã và đang phải được di dời khỏi nội thành Hà Nội từ 2019. Trong đó có những công trình có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử xứng đáng được giữ lại làm di tích kiêm không gian văn hóa sinh hoạt sống động. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp trong số này đã bị đập bỏ để xây chung cư đại trà, vừa gây nên sự luyến tiếc vừa gia tăng sức ép về dân số đã rất lớn tại nội đô.

Từ cuối năm 2020, Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” đã tổ chức một số cuộc tọa đàm, đồng thời chia sẻ tại một số diễn đàn về quy hoạch đô thị đối với ý tưởng này. Gần nhất, ý tưởng này cũng được trình bày trong Tọa đàm tham vấn của Thành ủy Hà Nội về “Đề án phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô” ngày 16/6.

Đặc biệt, vào tháng 4/2021, mạng lưới này cũng tổ chức buổi hòa nhạc Vì một Hà Nội đáng sống tại không gian sáng tạo Complex 01 ở Tây Sơn, Hà Nội (vốn là Nhà máy in Công đoàn cũ). Đây là lần đầu tiên, tại Hà Nội diễn ra một sự kiện âm nhạc tại không gian vốn là nền của một nhà máy cũ, qua đó khiến dư luận quan tâm hơn về tiềm năng của những không gian này trong việc phục vụ các hoạt động sáng tạo và nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Chiều 25/4/2021, tại Hà Nội, Dàn Hợp xướng Đa dạng, Hợp xướng Hanoi Voices và nhiều nghệ sĩ khác cùng hòa giọng trong chương trình nghệ thuật "Vì một Hà Nội đáng sống"

Có thể thấy, ý tưởng sử dụng quỹ đất khi di dời nhà máy, xí nghiệp đi để tạo ra một số không gian văn hóa sáng tạo cũng không mới. Đây là cách làm phổ biến trên thế giới và cũng đã được nhắc tới rất nhiều tại Việt Nam trong vài năm qua. Tuy nhiên, ý tưởng của mạng lưới này được hình thành và thực hiện khá công phu, tâm huyết, kèm thêm một số khảo sát, số liệu rất cụ thể và thuyết phục, nên được truyền thông quan tâm, đồng thời cũng đang tạo ra một hiệu ứng tốt trong dư luận.

IV. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội

Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội do UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cùng phối hợp với Tạp chí Kiến trúc và một số đơn vị khác tổ chức. Đây là cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao, nhằm huy động các kiến trúc sư và những người yêu Hà Nội đóng góp các ý tưởng, sáng kiến để xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo nhằm đánh thức tiềm năng, khai thác lợi thế, hình thành nên mạng lưới không gian sáng tạo phong phú và hấp dẫn.

Chú thích ảnh
Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội

Quy tụ nhiều kiến trúc sư có tên tuổi, 25 đồ án xuất sắc nhất của cuộc thi có thể coi là 25 ý tưởng sáng tạo đặc biệt để kiến tạo những không gian sáng tạo của Hà Nội trong tương lai. Trong đó, rất nhiều đồ án gắn với việc cải tạo và tái cấu trúc những không gian cũ đang bị “bỏ quên” hoặc xuống cấp tại Hà Nội, trở thành nơi dành cho các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp, giàu tính văn hóa và phục vụ cộng đồng - điều rất đáng được khích lệ trong xu thế phát triển các không gian sáng tạo.

2. Cuộc thi vẽ “Hà Nội là...” và chuỗi hoạt động của dự án “Hà Nội Rethink”

Cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là..." (6/8 - 9/9/2021) thuộc dự án Hà Nội Rethink do UNESCO, và UN-Habitat tổ chức với sự đồng hành của nhóm Vietnam LocalArtist Group (VLAG).

Sau 1 tháng phát động, đã có hơn 250 nghệ sĩ từ trong và ngoài nước gửi bài thi. Kết quả có 30 tác phẩm được chọn để trao giải. Giải Nhất thuộc về tác phẩm Hà Nội rong; 4 giải Nhì cho các tác phẩm Hanoi By Night, Đầu óc trên mây, Bát bún ngan Hà Nội Collage. Các tác phẩm đem đến những ý tưởng bất ngờ, mới mẻ, lồng ghép nhiều câu chuyện và cảm xúc riêng, khắc họa Hà Nội với muôn màu độc đáo. Những góc “Thành phố sáng tạo” đã được thể hiện ra bằng những chất liệu đa dạng, như vẽ kỹ thuật số (digital), lụa, cắt dán, sơn dầu, sơn mài…

Chú thích ảnh
"Hà Nội Rong" của Đặng Thái Tuấn - Tác phẩm giành giải Nhất của cuộc thi

Cuộc thi Hà Nội là… nằm trong dự án Hà Nội Rethink nhằm hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện tầm nhìn chiến lược, để trở thành Thành phố Sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, sử dụng di sản văn hóa cùng với sự tham gia của thế hệ trẻ Việt Nam - là yếu tố thiết yếu cho việc đổi mới, sáng tạo và thay đổi. Dự án bao trùm nhiều hoạt động, từ hoạt động cộng đồng đến hỗ trợ chính sách.

Cùng với Hà Nội là..., dự án Hà Nội Rethink còn tổ chức Cuộc thi truyền thông IC Master: Hà Nội- Hành trình sáng tạo từ tháng 8-11/2021; Chuỗi các sự kiện online bao gồm talkshows, podcasts; Cuộc thi sáng tạo nhanh trong vòng 24h với các chủ đề đa dạng về thiết kế sáng tạo trên địa bàn thủ đô; chương trình Design Incubation Program - Vườn Ươm Thiết kế…

3. Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch Covid-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch

Chiến dịch "thần tốc" tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân Hà Nội đủ điều kiện tiêm chủng đã về đích đúng tiến độ, tạo cơ sở vững chắc để kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô, từng bước nới lỏng giãn cách, dần đưa Hà Nội về trạng thái "bình thường mới" trong điều kiện đại dịch còn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, chiều ngày 8/9, Kế hoạch số 206/KH-UBND xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn Thành phố đã được ban hành. Mục đích của kế hoạch nhằm tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp, tận dụng tối đa thời gian “vàng” trong thời gian giãn cách xã hội. Thời gian triển khai xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Covid-19 đến ngày 15/9.

Trong tuần "thần tốc" tiêm chủng từ 8 đến 15/9/2021, Hà Nội đã huy động 1.600 dây chuyền tiêm trên địa bàn thành phố hoạt động liên tục, các điểm tiêm chủng đều mở tối đa công suất, cao nhất ngày 12/9 tiêm 573.000 mũi. Chỉ 1 tuần, ngành y tế Hà Nội đã tiêm lượng vaccine Covid-19 cao gần bằng 6 tháng trước cộng lại. 100% người dân đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm trước khi vào tiêm phòng Covid-19 cho người dân quận Đống Đa tại cửa sân vận động Hàng Đẫy

"Trao đổi về kết quả chiến dịch tiêm chủng thần tốc những ngày qua tại Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khẳng định, đây là thành quả nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương; là biểu hiện của sức mạnh đoàn kết và chung ý chí quyết tâm của TP Hà Nội cùng các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố... Gần 8.000 y, bác sĩ, nhân viên xét nghiệm, kỹ thuật viên, sinh viên đã được 12 địa phương, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng cử tới hỗ trợ Thủ đô" (Báo điện tử Quân đội nhân dân, 14/9/2021).

Chú thích ảnh
Đường phố đông đúc hơn, không còn cảnh vắng lặng như trong thời điểm giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 kéo dài gần 3 tháng qua

Chiến dịch “thần tốc” tiêm vaccine đã thành công tốt đẹp. Ngày 21/9, Hà Nội bắt đầu nới lỏng giãn cách và giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế; chuẩn bị phương án hoàn tất tiêm phủ vaccine mũi 2 cho 100% người dân vào nửa đầu tháng 11/2021; trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.

DANH SÁCH ĐỀ CỬ

GIẢI THƯỞNG BÙI XUÂN PHÁI - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI LẦN 14 - 2021

(Xếp theo thứ tự ngẫu nhiên)

I. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

(Công bố tại Lễ trao giải)

II. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Cuốn sách và triển lãm ảnh Hà Nội 1967 – 1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt (Đức)

2. Bộ sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Quốc Tín

3. Cuốn sách Tay chơi (NXB Trẻ) của Mai Lâm

III. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo

2. Ý tưởng xây dựng cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh.

3. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

4. Ý tưởng Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội

IV. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội

2. Cuộc thi vẽ Hà Nội là... và chuỗi hoạt động của dự án Hà Nội Rethink

3. Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch Covid-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch.

Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm