Giấc mơ tái hiện 'ngôi nhà' của những 'công dân đầu tiên' tại Hà Nội

10/08/2018 07:30 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

Chú thích ảnh

  (lienminhbng.org) - Lá thư gửi lên lãnh đạo Hà Nội về việc bảo tồn khu di chỉ Vườn Chuối của PGS Nguyễn Văn Huy đã thật sự khiến dư luận "nóng lên" trước Tết 2018. Như tâm nguyện của ông, việc bảo vệ - thậm chí là tôn tạo – không gian ấy là bắt buộc, nếu như Hà Nội không muốn mất đi quá khứ của chính mình....

"Giới khảo cổ, các nhà khoa học và cộng đồng địa phương đều nâng niu và trăn trở với những gì diễn ra ở khu Vườn Chuối, vậy tại sao tôi lại dửng dưng? Những gì tôi làm, chỉ là sự nối tiếp và cụ thể hóa tâm nguyện ấy"– ông chia sẻ với báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN)

Trách nhiệm của một công dân Hà Nội

Rộng khoảng 19.000 m2, khu di chỉ Vườn Chuối nằm tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội. Từ năm 1969, di chỉ này đã được phát hiện và trải qua nhiều cuộc khai quật khác nhau (trên diện tích 800 m2). Từ những cuộc khai quật ấy, hàng ngàn di vật đã phát lộ. Đó là là dấu tích 28 ngôi mộ táng của văn hóa Đông Sơn, là dấu vết của các hố hành lễ, là đồ gỗ, đồ trang sức, gạo hóa than, là các vết tích của thời kỳ đồ đồng như xỉ đồng, giọt đồng, khuôn đúc bằng đất nung...

Các nhận định ban đầu cho rằng khu vực này là nơi có cư dân sinh sống từ 3.500 – 1.800 năm trước. Có nghĩa, đây vừa là nơi cư trú vừa là nghĩa địa sớm nhất của Hà Nội, là bằng chứng hiếm hoi về những cư dân đầu tiên của thành phố, từng sống trong nền văn hóa thời Hùng Vương.

Chú thích ảnh
PGS Nguyễn Văn Huy

Đáng nói, sau 8 lần khai quật di chỉ này vẫn chưa được xếp hạng di tích, thậm chí không nằm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của Hà nội được công bố năm 2016. Đặc biệt, từ 2007, khu vực này lại nằm lọt trong vùng đất mà tỉnh Hà Tây cũ đã giao cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị. Dù chưa triển khai, nhưng những hoạt động mang tính chất "khởi động" cho việc xây dựng tại khu vực này liên tiếp khiến các nhà khảo cổ học kêu trời.

"Những năm gần đây, tôi có cơ hội thường xuyên về Lai Xá và phát hiện rằng những nông dân ở đây thường xuyên nhặt được di vật của người xưa khi làm ruộng. Họ rất quý trọng và luôn tìm cách cất giữ những di vật lịch sử trên đồng ruộng hay các gò cao của mình" – PGS Nguyễn Văn Huy nói – "Trân trọng, chăm chút chúng, nhưng họ lại bất lực, đau đớn khi nghĩ tới việc khu đô thị sẽ mọc lên tại đây trong một ngày không xa".

Ông Huy, trong cuộc trò chuyện với TT&VH, dùng từ "thức tỉnh và tự vấn" để nói về việc làm của mình. Ông bảo, cộng đồng đã trân trọng quá khứ như vậy, đã đau đớn như vậy, tại sao mình lại dửng dưng, không lên tiếng. "Tôi chỉ thực hiện trách nhiệm của một công dân Hà Nội" – ông nói – "Chính giới khảo cổ, sử học và cộng đồng thôn Lai Xá đã cho tôi động lực và quyết tâm để đưa ra ý tưởng bảo vệ nơi ghi lại dấu tích của những người dân đầu tiên tại thành phố".

Tháng 12/2017, PGS gửi tâm thư lên lãnh đạo thành phố Hà Nội. Lá thư có đoạn viết:" Nếu các cơ quan có thẩm quyền không có kế hoạch bảo vệ di chỉ khảo cổ học đặc biệt này, chắc chắn di chỉ Vườn Chuối và các di chỉ khảo cổ lân cận sẽ bị xóa sổ trong tương lai gần. Tôi thay mặt nhiều nhà bảo tàng học, khảo cổ học và người dân địa phương - những người sống và nghiên cứu tại địa phương,hiểu sâu sắc giá trị lịch sử dân tộc và giá trị của phát triển bền vững -viết thư này xin được gửi tới các vị lãnh đạo cao nhất của thành phố Hà Nội với niềm tin sâu sắc rằng: các vị sẽdành sự quan tâm và chỉ đạo sát sao các cấp địa phương có kế hoạch và biện pháp khẩn cấp bảo vệ khu di chỉ Vườn Chuối".

Chú thích ảnh
Một hố thám át tại di chỉ Vườn Chuối, trong đợt khai quật của Bảo tàng Nhân học (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Chờ đợi "công viên khảo cổ" tương lai

Trong cuộc trò chuyện với TT&VH, ông Huy vẫn nhắc đi nhắc lại rằng, lá thư của ông chỉ là một đóng góp nhỏ, trong nỗ lực chung của giới nghiên cứu, người dân địa phương và cả báo giới để bảo vệ khu di chỉ Vườn Chuối. Nhưng thực tế, những tín hiệu tích cực cũng đã đến khá sớm sau lá thư này: cuối 2017, lãnh đạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Hoài Đức phối hợp với chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng di chỉ Vườn Chuối như hiện nay, đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt để chờ giải pháp mới.

Tiếp đó, trong cuộc hội thảo ngày 12/7/2018 về vấn đề này, các chuyên gia cũng đều thống nhất: khu di chỉ Vườn Chuối cần sớm được xếp hạng di tích để làm cơ sở pháp lý triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị về sau.

"Bức thư của tôi là sự khởi đầu của ý tưởng về một công viên di sản tại khu vực này. Chỉ cần điều chỉnh một chút, chủ đầu tư hoàn toàn có thểchuyển dịch vị trí dự kiến xây công viên trong khu đô thị về chính nơi các di chỉ khảo cổ học đang tồn tại" – PGS Huy nói - "Khi ấy, với một chiến lược thông minh và rõ ràng, chúng ta ắt hẳn sẽ góp phần tạo cho dân cư ở khu vực này nói riêng, Hà Nội nói chung một đời sống tinh thần tốt đẹp hơn, giúp họ và các thế hệ tương lai có trách nhiệm và tự hào hơn với quá khứ".

Theo phác họa của PGS Huy, dựa trên các di chỉ được giữ nguyên hoặc tổ chức bảo tồn sau khi khai quật, công viên di sản Vườn Chuối là quần thể kết hợp cây xanh với những ngôi nhà nhỏ nhưng hiện đại, trưng bày một cách hấp dẫn về dấu tích cư dân đầu tiên của Hà Nội. Dọc các con đường đi dạo trong công viên đầy cây xanh, mọi người sẽ được trải nghiệm về khảo cổ học Vườn Chuối qua những bảng thông tin được thiết kế đẹp, bắt mắt. Có nghĩa, địa điểm này sẽ trở thành một nơi sinh hoạt văn hoá mở cho du khách, cũng như cộng đồng cư dân địa phương.

"Nếu được chuẩn bị tốt và có chiến lược đầu tư, truyền thông hợp lý, công viên di sản Vườn Chuối – nơi lưu giữ dấu tích về cuộc sống của những công dân đầu tiên tại Hà Nội – hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến đặc biệt để thu hút khách du lịch, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục" – PGS Huy nói – "Khi ấy, ngoài bảo tàng, những công trình liền kề nó cũng hưởng lợi đầu tiên nếu khai thác dịch vụ kinh doanh. Do vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng việc thuyết phục chủ đầu tư thay đổi quy hoạch, thậm chí là điều chỉnh một phần diện tích xây dựng để dành cho công viên này là khả thi".

Theo ông Huy,với một tầm nhìn xa hơn nữa, khu vực công viên di sản Vườn Chuối có thể xúc tiến để trở thành một điểm du lịch gắn liền với những thiết chế văn hoá đã hình thành ở thôn Lai Xá như Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Gallery ảnh nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn cùng với các di sản văn hoá sống động ở làng Lai Xá.

"Du lịch nếu được phát triển từ hạt nhân Công viên bảo tàng Vườn Chuối rồi toả ra khắp thôn Lai Xá sẽ góp phần giúp cư dân ở đây, vốn đang trong quá trình đô thị hoá, có thêm sinh kế phát triển bền vữngkhi không còn đất nông nghiệp canh tác" – ông nói – "Làm được điều này chính là đã biến văn hoá thực sự thành động năng cho sự phát triển. Vườn Chuối nếu được cứu, nếu được bảo vệ và phát huy thì chắc chắn chúng ta sẽ giữ được cho Hà Nội, cho thế hệ tương lai hiểu hơn về chiều sâu lịch sử Hà Nội, về những cư dân đầu tiên trong lịch sử của thành phố".

Các đề cử hạng mục Giải Ý tưởng -Vì tình yêu Hà Nội 2018

1. Đề xuất bảo tồn và phát huy di chỉ Vườn Chuối – nơi đánh dấu sự có mặt những “công dân đầu tiên” của Hà Nội – của PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học.

2. Dự án “Thí điểm mô hình mới tại một khối nhà” của Martin Rama.

3. Ý tưởng thành lập bảo tàng Hồ Gươm của KTS Hoàng Thúc Hào.

Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 năm 2018 dự kiến diễn ra vào Thứ Ba, 29/8/2018 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay

Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay

"Lặng phố" - tác phẩm nghệ thuật giới hạn số lượng bản in về Hà Nội - ra mắt công chúng vào tháng 2/2018 là sự kết hợp giữa họa sỹ 7x Phạm Bình Chương và nữ nhà văn 9x Lê Nguyễn Nhật Linh.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm