08/06/2018 19:45 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ngày nay các chất tổng hợp từ dầu hỏa đã dần trở thành thảm họa đe dọa môi trường, song ở cái thời hồng hoang của công nghệ hóa chất, chúng hiện lên như cứu tinh. Đầu thập kỷ 1940, lúc tất ni-lông lần đầu được sản xuất ở quy mô lớn, các cửa hàng bách hóa phải thuê cảnh sát dẹp loạn - vì “phái yếu” hễ nhìn thấy các phương tiện làm đẹp thì không còn yếu nữa!
Từ mấy chục năm trước tất ni-lông là giấc mơ của người phụ nữ có ý thức về thời trang - nhiều người sẵn sàng bán cả chồng mình!
Dệt giấc mộng hóa chất…
15/5/1940 là ngày đi vào lịch sử của các cửa hàng bách hóa Mỹ với cái tên N-Day (Ngày ni-lông!). Ngoài vỉa hè cả trăm cảnh sát chỉ thiếu nước rút súng ra bắn chỉ thiên, bên trong thì các chị, các mẹ giành giật, xô đẩy giữa các quầy hàng.
Tất cả chỉ vì tờ New York Times trước đó một hôm cảnh báo: Lượng hàng chắc sẽ đủ đến giữa trưa, do đó mỗi người chỉ được mua số lượng nhất định! Sau hai tiếng đồng hồ thì “trận đánh” vĩ đại chấm dứt. Trong buổi sáng, cả nước Mỹ bán ra 54 triệu đôi tất ni-lông!
Vâng, mặt hàng này đã có từ lâu trước ngày Hè máu me ấy, nhưng mỗi đôi có giá 250USD! Có lẽ chỉ các ngôi sao Holywood mới dám cắn răng mở ví. Vậy nên ngày thứ Tư lịch sử nói trên - ngày đầu tiên bán tất ni-lông sản xuất đại trà - mọi giá trị đã bị đảo lộn.
Cũng dễ hiểu vì sao tất ni-lông được ưa chuộng đến thế. Giờ thì phụ nữ nào cũng được kiêu hãnh đắp thứ vật liệu nhẹ như hơi thở lên cặp đùi của mình để yểu điệu đi lại kiểu quấn thừng như siêu mẫu, nó tạo cho nữ chủ nhân một vị thế chòng chành giữa quý phái và khêu gợi, bắt người ta phải run rẩy chọn giữa đoan trang và lẳng lơ.
Cuộc đua tài rất nhân văn
Trong những năm sau 1930, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc tập đoàn hoá chất DuPont là Wallace Hume Carothers đã bắt tay vào tổng hợp một chất liệu rất dai với cái tên cồng kềnh là polyhexamethylene adipamide. Chỉ từ carbon (than), không khí và nước mà ít năm sau ông đã làm ra ni-lông khiến cả thế giới đảo điên. Gần như cùng ngày giờ với Carothers, bên kia bờ Đại Tây Dương, kỹ sư hóa học Paul Schlack của công ty IG Farben (Đức) phát minh ra một sợi tổng hợp gần giống như vậy và đặt tên là perlon.
Cả hai kỹ sư đều biết đến kỳ vọng của nhau, nhưng khi cán đích thì họ đã làm một nghĩa cử mà nhân loại đều muốn có ở các cuộc tranh đua công nghệ: Hai người bắt tay ngồi vào bàn, trao cho nhau công thức hóa học và phân chia thị trường trong không khí hòa bình. DuPont cung cấp ni-lông cho các nước nằm phía Tây của Đức, còn IG Farben sẽ làm phần bán cầu phía Đông hạnh phúc với tất perlon của mình. Và thế là từ cuối những năm 1930 phụ nữ thành phố đã có quyền tiêu tốn trung bình mỗi năm 12 đôi để tung tẩy khoe chân khoe cẳng nuột nà - cho những ánh mắt phía sau. Ngày ấy chưa có máy dệt tròn, do đó tất ni-lông (hay perlon) có một đường chỉ chạy dọc từ gót lên cạp, đòi hỏi nữ chủ nhân phải chú ý dáng đi lịch lãm, sao cho đường chỉ khỏi vặn vẹo vô duyên!
Cuộc vui ngắn ngủi
Năm 1939, Thế chiến II bùng nổ và sợi ni-lông/perlon biến thành vật liệu chế tạo quân nhu, không được cung cấp cho các nhà máy tất nữa. Như mọi người đều biết, ni-lông là chất liệu lý tưởng để làm dù, võng, vải bạt, dây cáp v.v… Phụ nữ Hoa Kỳ cũng khóc than không kém, chỉ một năm sau D-Day, phát xít Nhật ném bom Trân Châu Cảng và lôi Mỹ vào chiến trận.
Năm 1942 cả nước Mỹ chỉ làm ra 4,5 triệu đôi tất và từ 1943 sản xuất hầu như đình trệ hẳn. Tất ni-lông biến thành hàng khan hiếm như bánh mỳ, thường chỉ có thể kiếm được ngoài chợ đen. Khi hòa bình lập lại, người ta mở cuộc thăm dò dư luận và trong đó có câu hỏi dành cho phái đẹp: “Cái gì thiếu nhất?” 35% phụ nữ Mỹ trả lời: “Đàn ông”, số còn lại: “Tất ni-lông”.
Chương trình sản xuất tất ni-lông ở Mỹ phục hồi nhanh chóng, khác hẳn ở châu Âu, đặc biệt là ở nước Đức bại trận. Ngày ấy người ta chế ra một loại kem bôi lên chân, tạo màu óng ánh như tất ni-lông thật! Ai nghèo quá thì đành lấy bã cà phê để thay thế - mà cũng là cà phê dỏm chứ ngày ấy đâu sẵn đồ thật. Đợi màu khô, ông chồng phải lấy bút mực tô thêm đường chỉ!
Lính Mỹ, một trong 4 cường quốc chiếm đóng nước Đức, trở thành nguồn chở hàng lậu. Nghe đồn mật vụ Mỹ ngày ấy chiêu mộ gián điệp không bằng tiền, mà bằng tất ni-lông!? Chợ “bán hoa” cũng tấp nập khách làng chơi không trả tiền mặt, mà bằng tất ni-lông với biệt hiệu là Bettkantenwaehrung (tiền lên giường).
Chẳng mấy chốc nước Mỹ qua cơn bĩ cực và tất ni-lông trở thành món hàng bình dân, trong khi Tây Âu vẫn vật vã trong thời kỳ tái thiết hậu chiến. Như thường lệ, thời trang luôn nghe theo tiếng nhạc từ Hollywood, và đôi tất mỏng tang có đường chỉ phía sau tượng trưng cho xa hoa, quyền quý, cho hạnh phúc vô song. Một cuộc chiến kiểu mới nổ ra giữa các nhà sản xuất tất ni-lông và trăm ngàn dịch vụ mạng lại các lỗ thủng. Biết bao giọt lệ đã tuôn, bởi vì một đường chỉ bị sứt!
Kết cục đắng cay
Cuộc tái sinh dù sao vẫn tuần tự diễn ra. Năm 1951, Tây Đức bán ra 30 triệu đôi tất ni-lông, một năm sau đã là 45 triệu đôi và năm 1955 cán đích 100 triệu. Ni-lông hồi thập kỷ 1950 không chỉ còn là một loại sợi tổng hợp nữa, mà là chìa khóa dẫn đến thành công.
Sau thời khốn khó với mục đích tối thượng là kiếm được và trói chặt một ông chồng có nghề ngỗng tử tế, giờ đây phụ nữ bắt đầu đầu tư vào sắc đẹp, và tất ni-lông với đường chỉ thẳng tắp chợt đóng vai trò trung tâm. Người ta trở nên khó tính và phát hiện ra perlon kém ni-lông ở độ đàn hồi. Nhà sản xuất Arwa tổ chức cuộc thi chân đẹp hồi 1951 để tìm ra hoa hậu chân dài, song thực ra đó chỉ là dự án phân tích thị trường khổng lồ. Hàng triệu phụ nữ tình nguyện cung cấp số đo chân cẳng của mình để cung cấp miễn phí cho Arwa. Trên cơ sở đó tất ni-lông đã có kích cỡ tiêu chuẩn hóa như các loại quần áo khác.
Rồi cũng đến lúc ni-lông mất ánh hào quang, song không vì giá thành ngày càng giảm mà vì… mini jupe. Năm 1963, nhà tạo mốt Mary Quant người Anh tung ra thứ váy tiết kiệm vải đầy gợi cảm. Từ giờ trở đi phụ nữ phải chuyển sang dùng tất quần tiện dụng, làm bằng máy dệt tròn và tự “định vị” một cách dễ chịu. Tất ni-lông chết đắng chết cay, từ nay chỉ còn là… đôi tất mỏng, không kéo được ánh mắt đàn ông lướt ngược lên và dò theo đường chỉ nữa…
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất