(lienminhbng.org) -
Đến hẹn lại lên, lễ trao Giải Báo chí quốc gia năm 2013 lại trang trọng diễn ra đúng ngày kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2014) trong sự hân hoan chờ đón của các nhà báo cả nước.
Phải đến 20 giờ mới diễn ra buổi lễ quan trọng này song chưa tới 19h30 phút tối 21/6, trước cổng Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, nơi diễn ra sự kiện đã nườm nượp người, xe cộ qua lại. Những gương mặt “sáng giá” của làng báo Việt Nam đã có mặt tại “hiện trường”, tay bắt mặt mừng, hồ hởi chào, chúc mừng nhau thân thiết như những người thân trong gia đình lâu ngày mới gặp mặt. Có người tranh thủ chụp ảnh lưu niệm cùng bạn bè, người thân. Phóng viên các cơ quan báo chí đã tích cực tác nghiệp để kịp thời gửi tin, bài phản ánh sớm không khí của đêm sự kiện quan trọng về tòa soạn. Say sưa làm việc nhưng họ vẫn không quên chúc mừng đồng nghiệp, đồng chí trong ngày vui này.
Thướt tha trong tà áo dài truyền thống đến dự lễ trao giải, nhà báo Đỗ Quyên (Ban Biên tập tin Trong nước, Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ: Đây là lần thứ 2 chị được nhận Giải báo chí quốc gia - niềm vinh dự, tự hào trong cuộc đời của mỗi người làm báo. Mỗi lần được dự lễ đều là dấu ấn đáng nhớ với chị Đỗ Quyên, giải thưởng đã góp phần động viên, khuyến khích và giúp chị thêm yêu nghề nghiệp đã chọn. Năm nay, nhà báo Đỗ Quyên cùng với đồng nghiệp Nguyễn Hồng Điệp đã giành giải C với loạt bài “Việt Nam đảm bảo cao nhất việc thực thi quyền con người”. Năm 2006, chị Đỗ Quyên đã giành giải B Giải báo chí quốc gia với chùm bài về tôn giáo.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ trao giải C cho tác giả có tác phẩm đoạt giải. Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN
Cách đó không xa là tác giả phóng sự ảnh: Tây Nguyên “khát”, phóng viên Nguyễn Luân (Báo ảnh Việt Nam, Giải C thể loại Ảnh báo chí ) vừa bay từ miền Nam ra Thủ đô ra nhận giải. Ở anh vẫn đẫm chất “bụi” thường ngày của dân “săn ảnh” với làn da ngăm đen, quần bò và áo sơ mi sẫm màu. Tay máy trẻ này đã lăn lộn "ba cùng" với người dân vùng đất Tây Nguyên cả tháng trời trong những ngày nắng cháy, nhễ nhại mồ hôi, tóc đỏ bụi đường. Nguyễn Luân đã chắt lọc cả trăm khuôn hình để cho ra đời phóng sự gồm hơn 20 tác phẩm, phản ánh chân thực tình hình khan hiếm nước tại vùng đất khó khăn này.
Ảnh báo chí, thể loại vốn được cho là khâu yếu nhất trong số các thể loại tham dự Giải báo chí quốc gia từ nhiều năm qua. Năm nay, có 15 tác giả, nhóm tác giả vào chung khảo nhưng cũng chỉ có 1 giải B, 2 giải C. Nói về giải thưởng, chàng phóng viên sinh năm 1986, Nguyễn Luân cho rằng mình may mắn. Chuyến đi đó anh đã thực hiện cả chục đề tài, phóng sự với số lượng ảnh lên tới 3.000 bức ảnh. Riêng phóng sự “Tây Nguyên “khát””, Nguyễn Luân lựa chọn gửi về khoảng 70 hình, tòa soạn dùng 25 hình. Đặc biệt số hình đó lại được chính tòa soạn chọn lọc và gửi đi dự giải.
Tiếng chuông báo hiệu buổi lễ trao giải sắp bắt đầu vang lên. Mọi người nhanh chóng vào khán phòng và ổn định chỗ ngồi. Đêm trao giải có sự tham dự của các đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội;…
Đồng chí Đinh Thế Huynh (ngoài cùng bên phải) và đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (thứ ba từ trái sang) trao giải A cho các tác giả. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Trên khán đài, chương trình nghệ thuật với những khúc ca, điệu múa vui tươi chúc mừng 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam như chia vui cùng những nhà báo đạt giải.
Tiếp đến là giọng nói trầm ấm của Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu vang lên chúc mừng các nhà báo cả nước nhân ngày 21/6, giới thiệu về giải thưởng thường niên quan trọng nhất của làng báo Việt Nam. Theo đó, Giải báo chí quốc gia 2013 thu hút 1.665 tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả ở các cơ quan báo chí trong nước dự thi. Đây là mùa giải có số lượng tác phẩm dự thi cao nhất từ trước đến nay.
Giải năm nay ghi nhận nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là sự xuất hiện của nhiều tác phẩm viết về gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, những anh hùng đúng nghĩa trong lao động sản xuất, chiến đấu và cuộc sống. Các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo đã nỗ lực tìm tòi phát hiện, phản ánh mọi khía cạnh của đời sống xã hội, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tập trung tuyên truyền, cổ vũ thực hiện chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phanh phui, phê phán các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, chống các luận điệu sai trái thù địch, thực hiện chức năng phản biện xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Nhiều tác phẩm dự Giải có tính phát hiện vấn đề, có tầm ảnh hưởng xã hội và được thể hiện một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn và thu hút bạn đọc. Về cơ bản, đội ngũ báo chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần vào thành công chung trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí quốc gia lần thứ 8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã biểu dương và chúc mừng thành tích, kết quả đạt được của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải Báo chí quốc gia năm 2013.
Khẳng định báo chí cách mạng của Việt Nam đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nêu một số nội dung, định hướng nhiệm vụ đối với báo chí cách mạng trong thời gian tới. Đồng thời mong muốn, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục tổ chức tốt Giải báo chí quốc gia. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; có hình thức tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với các nhà báo trong sáng, kiên định, dũng cảm, sáng tạo nhiều tác phẩm tốt cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Báo chí Việt Nam cần phát huy, nhân rộng ảnh hưởng và giá trị xã hội của Giải báo chí quốc gia sau 8 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng, khoa học, hiện đại và chuyên nghiệp.
Phần quan trọng nhất của buỗi lẽ trao giải đã đến. Danh sách giải thưởng, tác giả đạt giải lần lượt được xướng lên cùng với đó là những gương mặt hân hoan bước lên khán đài nhận thưởng. Các tiết mục văn nghệ đan xen giữa những lượt trao giải và những chia sẻ của nhiều tác giả đạt giải, nhân vật trong các tác phẩm báo chí và cả những nhân chứng lịch sử đã làm không khí lễ trao giải thêm sôi động, hấp dẫn.
Các tác giả, nhóm tác giả giành giải A có lẽ “sốt ruột” hơn cả bởi giải thưởng quan trọng nhất thì lại được trao tặng cuối cùng. Năm nay có 8 tác phẩm báo chí giành được giải A trong số 115 tác phẩm được trao tặng Giải báo chí quốc gia. Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng thì năm nay là năm “bội thu” giải A với số lượng tác phẩm giành giải A cao nhất từ trước tới nay. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.
Ngay sau khi các tác giả, nhóm tác giả giành giải A được lên sân khấu nhận giải thưởng, chúng tôi đã tiếp cận nhà báo Hồng Minh, đại diện nhóm tác giả thuộc Liên chi hội nhà báo Báo Nhân dân vừa nhận Giải A với tác phẩm “Nơi bắt đầu Tổ quốc”. Loạt bài này đã được đăng tải trên Báo Nhân dân hàng tháng. Nữ nhà báo Hồng Minh là một trong những người lên ý tưởng, xây dựng đề cương cho chuyên đề này. Đó là đầu năm 2013 khi Trung Quốc vừa cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, phong trào lên án, phản đối hành động sai trái này của Trung Quốc đang sôi sục trong nhân dân cả nước.
Chuyên đề này đã góp phần thể hiện sự trăn trở, tâm huyết của những người cầm bút gửi đến các chiến sĩ ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc khi Tết đến, xuân về. Các phóng viên thực hiện chuyên đề đã được phân công đi nhiều vùng miền trong cả nước để thực hiện các bài viết. Nhóm thì lên vùng biên giới phía Bắc, nhóm đi đảo Lý Sơn,… Sau đó, các bài viết thấm đẫm hơi thở cuộc sống, phản ánh tâm tư tình cảm của người lính, người dân nơi biên cương Tổ quốc đã được chuyển về. Bản thân chị Hồng Minh đảm nhiệm phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc để thực hiện bài “đinh” trong chuyên đề, nêu rõ căn cứ khoa học về việc xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử.
Theo nghề gần 20 năm, nhà báo Hồng Minh đã “thu hoạch” được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có Giải C báo chí quốc gia năm 2012 với loạt bài về chế độ cho thanh niên xung phong. Giải A, giải cao nhất của Giải báo chí quốc gia năm nay đến với chị cũng thật bất ngờ. Khi biết được thông tin về giải, người đầu tiên chị muốn chia vui cùng chính là Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, người mà theo chị làm nên hồn, cốt của bài viết. Sau đó là tòa soạn, bạn bè đồng nghiệp đã sát cánh, cùng chị làm nên thành công của chuyên đề. Chị tâm sự: Mình thực sự rất vui, thông qua loạt bài của Báo Nhân dân những chứng cứ, dữ liệu khoa học được truyền tải tới nhiều người hơn, giúp những người con đất Việt thêm quý trọng tấc đất quê hương, kết nối những trái tim, động viên tinh thần người đang sống, chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc…
Buổi lễ kết thúc, mọi cảm xúc dường như vỡ òa. Những tác giả, nhóm tác giả đạt giải được vây kín trong vòng tay, hoa và cả những lời chúc mừng của bạn bè, người thân. Tất cả làm cho những phóng viên mới vào nghề, những sinh viên báo chí ngây ngất, ngưỡng mộ. Không ít ánh mắt hướng về nơi ngập tràn hoa và những lời chúc với hy vọng mình cũng sẽ có cơ hội được đứng trên bục nhận một trong số các giải thưởng danh giá ấy.
Rời khỏi hàng ghế khách mời, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trương Minh Tuấn đã được một nhóm phóng viên hồ hởi chào hỏi. Thứ trưởng vui vẻ chia sẻ cảm xúc về đêm trao Giải báo chí quốc gia năm 2013. Ông rất vui vì các tác phẩm nhận giải năm nay đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, phản ánh kịp thời tình hình, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước…. Trong đó chủ đề biển đảo nổi lên với 9/11 tác phẩm về chủ quyền biên giới đạt giải. Các tác phẩm ý nghĩa như: Chương trình “Thư xuân gửi biển đảo” của Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh (giải C thể loại Tin bài phản ánh - phỏng vấn của báo in) thể hiện tình cảm giữa người dân trong đất liền với các chiến sĩ trên biển đảo; Loạt bài về “25 năm trận chiến bảo vệ Trường Sa, 1988 – Khúc tưởng niệm tháng 3” (Giải B, thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận) của Chi hội nhà báo Đại Đoàn Kết rất sống động, giúp chúng ta thấy rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của người lính hải quân nhân dân Việt Nam. Tôi mong giải báo chí năm tới có thêm những tác phẩm thể hiện tốt tinh thần bám biển của người dân, tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân các nước cùng chung tiếng nói bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam .
Niềm vui tràn ngập khán phòng đang bắt đầu lan tỏa trên những nẻo đường, những góc phố Hà Nội về đêm. Để người dân cả nước cùng chia vui với các nhà báo nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Lễ trao giải Báo chí quốc gia năm 2013 được truyền hình, phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1, VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam…
Mỹ Bình - TTXVN