Giải đua Công thức 1: Niềm vui của người Pháp, nỗi buồn của người Anh

10/09/2020 06:51 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Cái ngày Pierre Gasly giành podium ở Italian Grand Prix và mang vinh quang về cho người Pháp sau 24 năm kể từ khi Olivier Panis thắng chặng tại Monaco, gia đình Williams cũng không còn gắn bó với đội đua danh tiếng của Anh mang tên họ nữa.

 

Dư âm chặng Italian Grand Prix: Hứa hẹn những chặng đua hấp dẫn

Dư âm chặng Italian Grand Prix: Hứa hẹn những chặng đua hấp dẫn

Italian Grand Prix xứng đáng là một trong những kết quả bất ngờ nhất trong lịch sử gần đây của giải đua Công thức 1 (F1), với một tay đua thắng mới và bục podium có 3 tay đua chỉ có độ tuổi tổng cộng là 71.

 

Ngày của người Pháp

Khi quốc ca Pháp "La Marseillaise" vang lên sau chiến thắng bất ngờ của Gasly ở chặng Italian Grand Prix tại Monza, trung tâm truyền thông sau chặng đua vốn thường yên tĩnh đã trở nên sôi động với âm thanh của 3 hoặc 4 nhà báo Pháp hát theo với cảm xúc dâng trào. Chẳng gì thì đó là một ngày trọng đại đối với người Pháp.

“Đây là lần đầu tiên tôi có mặt khi một tay đua người Pháp giành chiến thắng,” một phóng viên kì cựu của nhật báo thể thao nổi tiếng L’Equipe, người đã có 15 năm gắn bó với trường đua F1 cho biết. Đáng nói hơn, khi nhắc với Gasly rằng anh là người giành podium đầu tiên của Pháp kể từ Olivier Panis tại Monaco năm 1996, Gasly cũng cho biết đó là năm anh chào đời.

Đối với riêng Gasly, anh thậm chí còn nhận được cuộc gọi từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mặc dù anh đã không bắt máy vì quá bận ăn mừng. “Tôi cần gọi lại cho ông ấy,” Gasly cho biết một cách hào hứng.

Một lần nữa thì phải nhắc lại rằng, đó là một ngày trọng đại đối với người Pháp theo một cách khác vì sáng hôm đó, CEO của Renault, Luca de Meo đã có mặt tại Monza để cho giới truyền thông F1 biết là năm 2021, đội Renault sẽ được đổi tên thành Alpine. Dĩ nhiên, Renault vẫn giữ vai trò của nhà cung cấp động cơ cho Alpine.

“Tôi là một người thích xe hơi,” de Meo nói. “Hoài niệm thì không sao, nhưng tôi nghĩ chúng tôi cần nhìn về tương lai. Vì vậy, chúng tôi cần suy nghĩ theo một cách khác và sử dụng Alpine để xây dựng tương lai. Ngay cả khi Renault là một thương hiệu nổi tiếng, tôi nghĩ điều đó phù hợp hơn trong thế giới F1 của Alpine.

Chú thích ảnh
Pierre Gasly là tay đua người Pháp đầu tiên có mặt trong podium ở một chặng F1 kể từ năm 1996

"Tôi rất tin tưởng rằng F1 phải là giải vô địch của những hãng xe có thương hiệu khiến mọi người mơ ước, với mối liên hệ có thể giữa việc đua vào Chủ nhật và bán hàng vào thứ Hai. Vì vậy, với kết nối đó, khách hàng có thể cảm nhận trên đường phố: Nhìn vào những chiếc Ferrari, Mercedes, và một số tên tuổi lẫy lừng như Williams, Aston Martin vào năm tới. Thật tốt cho môn thể thao này."

Sau cùng thì việc Renault đổi tên cũng là để quảng bá cho chiếc Alpine A110 mà họ hi vọng sẽ đạt doanh thu lớn. Nên nói thêm, hãng xe của Pháp không thực sự có mặt tại hai thị trường xe hơi lớn nhất thế giới: Trung Quốc và Mỹ. Vì thế, de Meo coi Alpine là cầu nối giúp hãng tạo ra doanh số bán hàng và một hình ảnh mới cao cấp hơn.

Và ông cũng muốn Alpine được coi là của người Pháp, không phải là một thương hiệu toàn cầu… và vì vậy, những chiếc xe năm tới sẽ chạy trong màu xanh cờ Pháp. Chính xác thì nhìn từ bên cạnh, chúng sẽ giống như lá cờ ba màu của Pháp.

Cuộc chia tay của người Anh

Trớ trêu thay, thành công lớn nhất của Pháp tại F1 lại đến từ liên minh với một đội đua của Anh: Williams Grand Prix Engineering. Williams Renaults từ năm 1989 đến năm 1997 với những màu xanh nổi bật đã giành 63 chiến thắng cho Renault - nhiều hơn cả Red Bull Renault trong những năm sau đó đến năm 2014.

Thành công này là lí do tại sao Sir Frank Williams được phong tước hiệp sĩ vào năm 1999 và tại sao ông cũng là một hiệp sĩ nhận Bắc Đẩu bội tinh của Pháp.

Sir Frank đã không còn có mặt ở các chặng đua vài năm trước vì vấn đề sức khỏe, nhưng Italian Grand Prix là một chuyện buồn như đã nói ở trên khi gia đình Williams sẽ không còn tham gia vào việc điều hành đội đua mang tên họ nữa.

Chú thích ảnh
Sir Frank Williams (phải) và con gái Claire không còn là chủ sở hữu và điều hành đội đua Williams sau chặng đua Monza

Các giám đốc hiện tại của Williams Grand Prix Engineering (WGPE) đều đã từ chức và một hội đồng quản trị mới đã được công bố với 3 giám đốc: Matthew Savage và Darren Fultz là người Mỹ, James Matthews là người Anh. Quyền kiểm soát công việc kinh doanh đã được chuyển cho một công ty ở Bermuda có tên là BCE Ltd, được đăng ký vào tháng 8/2019. Điều này có nghĩa Frank Williams không còn là chủ sở hữu đội Williams nữa.

Hiển nhiên thì đó là một cuộc chia tay buồn bởi kể từ khi WGPE được thành lập vào tháng 2/1977 và trước đấy Frank đã sở hữu Frank Williams Racing Cars Ltd lần đầu tiên tham gia F1 vào năm 1969 khi ông chạy chiếc Brabham cho Piers Courage. Trong 51 năm qua, đội Williams đã giành podium 114 lần, giành 9 danh hiệu vô địch thế giới cho đội đua xuất sắc nhất và 7 chức vô địch cho tay đua xuất sắc nhất.

Cựu vô địch thế giới Damon Hill cho biết: “Frank Williams là Enzo Ferrari của Anh. Ông ấy rất Anh. Ông không có sở thích nào khác ngoài đua xe và F1. Ông ấy chỉ yêu nó. Và ông ấy tự hào vì có đội F1 của riêng mình”.

Một nhà vô địch thế giới F1 khác của Williams là Jacques Villeneuve, người từng chỉ trích đội trong những năm gần đây, nói: “Đội đua đó có thể xây dựng lại nếu nó được điều hành bởi các tay đua, với tinh thần của các tay đua. Và tôi đã có những kỷ niệm tuyệt vời”.

“Ở Williams có cảm giác như một gia đình. Tôi biết một số tay đua cảm thấy khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy điều đó. Tôi luôn có mối quan hệ tốt với Frank và Patrick (đồng sáng lập đội Sir Patrick Head). Tôi luôn thân thiết với họ sau khi tôi rời đội và mối quan hệ có chút đặc biệt”.

 

 

Còn nhà vô địch hiện tại Lewis Hamilton chưa bao giờ lái cho Williams, nhưng anh lớn lên như một người hâm mộ cuồng nhiệt Sir Frank. “Ông ấy đã có những đóng góp đáng kinh ngạc cho môn thể thao này”, Hamilton nói. “Ông ấy luôn là một trong những người tôi tôn trọng và ông ấy có lẽ là một trong những người chân thật nhất trong F1”.

Chú thích ảnh
Pastor Maldonado là tay đua gần nhất của đội Williams thắng một chặng đua, ở Spanish Grand Prix 2012

Trong khi đó, Erik Rosberg, nhà vô địch F1 năm 1982 cùng với Williams cho rằng, việc nhà Williams rời F1 là mất mát lớn của giải.

“Khoảng thời gian với Frank, Patrick, Frank Dernie và những người khác tại Williams là một khoảng thời gian rất căng thẳng và đáng nhớ”, Rosberg nói. "Một số chiếc xe rất tốt, một số chiếc xe không tốt và không có turbo so với turbo. Thật đáng buồn khi thời đại Williams sắp kết thúc".

Jenson Button, người đã ra mắt F1 với Williams, cũng nhớ về đội một cách trìu mến. “Họ đã cho chúng tôi rất nhiều cơ hội trong môn thể thao này”, anh nói. “Một số kỷ niệm đẹp nhất của tôi ở F1 là khi làm việc với Frank, Patrick và đội Williams.”

Ngay cả Chủ tịch FIA là Jean Todt cũng xúc động khi đưa ra bình luận chính thức. “Một chương kết thúc với một cảm xúc tuyệt vời, trong khi một chương mới bắt đầu,” ông nói. “Frank Williams và đội đua Williams đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử F1 và môn thể thao mô tô.”

Ở chặng Italian Grand Prix vừa qua, 2 tay đua của Williams là Nicholas Latifi (Canada) và George Russell (Anh) đều không thành công khi Latifi đứng thứ 11, Russell đứng thứ 14. Thế nhưng, Williams là một trong những đội đua giàu truyền thống của F1, với 740 chặng, 114 lần giành podium, 128 lần giành pole và có 16 chức vô địch thế giới cho cả đội đua và tay đua xuất sắc nhất.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm