Người đoạt giải Pritzker 2010: "Kiến trúc giống như một công viên"

30/03/2010 15:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Kazuyo Sejima và Ryue Nishizawa, bộ đôi kiến trúc sư (KTS) Nhật Bản nổi tiếng vì vận dụng những chất liệu xây dựng thông thường để tạo nên các công trình chứa đựng những không gian huyền ảo, đã đoạt giải Pritzker 2010 - được coi là Oscar của làng kiến trúc - kèm theo số tiền thưởng 100.000 USD. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 17/5 tại New York (Mỹ).

Sejima (54 tuổi) và Nishizawa (44 tuổi, KTS trẻ nhất đoạt giải Pritzker) đã chinh phục các nhà phê bình và đồng nghiệp bằng những công trình như Bảo tàng Nghệ thuật Toledo ở bang Ohio và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại mới tại New York, Mỹ. Họ là cặp đối tác nam - nữ đầu tiên đoạt giải thưởng này. Riêng Sejima là gương mặt nữ thứ hai được tôn vinh sau khi KTS Zaha Hadid đoạt giải vào năm 2004.


Bộ đôi KTS Ryue Nishizawa và Kazuyo Sejima
Các công trình kiến trúc mà bộ đôi người Nhật tạo nên rất đa dạng, từ các bảo tàng, trường học cho tới cửa hàng của những thương hiệu thời trang như Christian Dior. Các thiết kế của họ trông có vẻ đơn giản nhưng mang tính nguyên tắc cao với đặc điểm nổi bật là sáng sủa và thanh thoát.

Được hoàn tất vào năm 2007, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại mới ở New York là những hình khối không đồng đều được xếp chồng lên nhau. Hai KTS Nhật còn nổi tiếng với công trình gần đây nhất là Trung tâm Giáo dục Rolex, mới hoàn thành ở Lausanne, Thụy Sĩ. Công trình này có hình dáng lượn sóng, loại bỏ những bức tường “băm” nhỏ không gian sử dụng và tạo nên một cấu trúc mà ban giám khảo giải Pritzker nhận định là “cảnh đẹp bên trong cho mọi người”.


Trung tâm Giáo dục Rolex ở Lausanne, Thụy Sĩ
Sejima, từng làm việc tại văn phòng của KTS nổi tiếng Toyo Ito, và Nishizawa sáng lập công ty thiết kế SANAA có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản) vào năm 1995. Bộ đôi này từng được Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia Thụy Điển trao giải Rolf Schock 2005. Sejima đang đảm đương vai trò giám đốc triển lãm Venice Architecture Biennale năm nay và đây là lần đầu tiên cương vị này được giao cho một phụ nữ.


Bảo tàng Nghệ thuật đương đại mới ở New York
Sejima và Nishizawa cho biết họ không đi theo bất cứ phong cách kiến trúc truyền thống nào của Nhật Bản nhưng có chịu ảnh hưởng từ những phương pháp xây dựng mộc mạc, sử dụng các chất liệu bình thường và những ranh giới mỏng giữa không gian bên trong và bên ngoài rất đặc trưng nơi các công trình kiến trúc cổ xưa ở xứ Phù Tang. “Nếu nhìn ngắm các ngôi chùa Nhật Bản làm bằng gỗ, bạn có thể biết kiến trúc đó được tạo nên như thế nào. Các ngôi chùa này có cấu trúc rõ ràng và đơn giản. Tôi nghĩ đây là một trong những yếu tố lớn mà chúng tôi chịu ảnh hưởng. Chúng tôi luôn tìm cách để mở rộng các công trình kiến trúc của mình cho mọi người và vươn tới môi trường xung quanh. Đây là một trong những lý do khiến phong cách kiến trúc của chúng tôi trở nên cởi mở, rõ ràng và sáng sủa. Các công trình của chúng tôi phải thu hút mọi người và cho họ cảm giác được ở trong tòa nhà mà mình thích. Kiến trúc giống như một công viên”- Nishizawa nói. 

Đây là lần thứ tư trong lịch sử 31 năm của giải Pritzker, nó được trao cho KTS ở đất nước mặt trời mọc. Trước đó, giải thưởng danh giá này từng thuộc về các KTS Nhật Bản Kenzo Tange (1987), Fumihiko Maki (1993) và Tadao Ando (1995).

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm