Giải mã nguyên nhân giá USD vẫn tăng bất chấp cuộc khủng hoảng COVID-19

07/04/2020 19:50 GMT+7 | Bạn cần biết

(lienminhbng.org) - Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ở Mỹ có thể khiến hàng triệu người mất việc làm và kìm hãm sự phát triển kinh tế ở “Xứ Cờ hoa”, nhưng dịch bệnh này chưa làm mất đi giá trị của đồng bạc xanh. 

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế

Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước từ các cơ quan chức năng.

Theo US dollar Index (bảng chỉ số đo lường giá trị của USD so với tiền tệ khác), đồng USD hiện đã tăng giá 6% kể từ mức giá trị thấp nhất ghi nhận hồi đầu tháng 3 vừa qua. 

Giới chuyên gia cho rằng sự tăng giá của đồng USD chủ yếu là do vị trí đặc quyền của đồng tiền này, là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Điều đó có nghĩa trong thời kỳ khủng hoảng, các nhà đầu tư vẫn muốn đặt tiền của họ vào nơi an toàn, kể cả khi nền kinh tế Mỹ cũng gặp khó khăn.

Ông Kit Juckes, người đứng đầu về chiến lược ngoại hối toàn cầu của Ngân hàng Societe Generale (Pháp) nhấn mạnh: “Không giống các loại tiền tệ khác, chúng ta cũng có thể thấy rằng dù Mỹ in rất nhiều USD nhưng không làm suy yếu giá trị đồng tiền này" và “nhiều người muốn USD trong mọi thời điểm”.

Theo ông Juckes, đó là lý do mà cho dù Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong những tuần gần đây đã bơm hàng nghìn tỉ USD vào hệ thống tài chính song vẫn không làm suy yếu giá trị của đồng USD.

Chú thích ảnh
Hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa làm mất giá trị của USD, trong khi nhiều đồng tiền khác của thế giới lao đao

Một lý do khác khiến USD trở nên hấp dẫn là nhu cầu cấp bách về tiền mặt của các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng do dịch COVID-19 làm giảm doanh thu của họ.

Ngoài ra, USD cũng là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thị trường ngoại hối thế giới. Hồi tháng 3 vừa qua, FED tuyên bố sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi ngoại tệ với một số ngân hàng trung ương khác để họ có thể tăng dự trữ USD. Nhu cầu đối với USD đặc biệt cao ở các thị trường mới nổi vốn đang gánh những khoản nợ phải thanh toán bằng USD. So với đồng euro, giá đồng USD đã tăng 3,5% kể từ ngày 1/1.

Theo ông Juckes, việc giá dầu giảm gần đây cũng đã giúp USD tăng giá so với nội tệ của những nước có nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ như Nga, Canada và Na Uy. 

Bên cạnh đó, đồng USD còn tăng giá nhờ sức khỏe nền kinh tế. Dù vậy, đồng tiền mạnh cũng khiến hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt hơn so với các đối thủ.  Để đối phó tình trạng doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với Trung Quốc, ông Trump không ngừng kêu gọi FED cắt giảm lãi suất. Tháng trước, ngân hàng này đã cắt giảm lãi suất về mức 0.

Giới chuyên gia dự báo những biến động bất thường do đại dịch COVID-19 có thể sẽ làm xáo trộn hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đe dọa vị thế của USD.

Bà Kathy Lien, chuyên gia thuộc công ty tài chính Mỹ BK Asset Management cho rằng ưu thế của USD sẽ là có vấn đề “trong vài tuần tới”, do hiện tại Mỹ chỉ mới bắt đầu chứng kiến tác động kinh tế do đại dịch COVID-19.
  

Liên quan tình hình xã hội Mỹ khi dịch COVID-19 bùng phát, báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng trước đã tăng lên tới 4,4%. Báo cáo này đã đưa ra con số báo động, có khoảng 10 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong nửa cuối tháng 3 vừa qua.

Thanh Phương - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm