'Giải mã' Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ (kỳ 2): Trí năng và tâm năng

24/05/2020 07:28 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tôi có một đứa cháu gái học lớp 7, khi hỏi cháu về các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, cháu bảo: “Có tác phẩm đọc thấy vui. Có tác phẩm đọc thấy thương”. Tôi hỏi: “Vậy những tác phẩm nào cháu thấy vui và những tác phẩm nào cháu thấy thương?”. Cháu bảo: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ngồi khóc trên cây thấy thương. Còn Chúc một ngày tốt lành, Bảy bước tới mùa Hè thấy vui”. Tôi lại hỏi tiếp: “Thế cháu thích tác phẩm thấy vui hay thấy thương?”. Cháu bảo: “Tác phẩm thấy thương thích hơn, nhớ lâu hơn”.

'Giải mã' Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ (kỳ 1): Trẻ thơ chính là trẻ thơ

'Giải mã' Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ (kỳ 1): Trẻ thơ chính là trẻ thơ

LTS: Nói Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn thiếu nhi e chừng cái danh xưng ấy trở nên chật chội với nhà văn này. Ông là người viết nhiều, và viết hay. Ông viết cho thiếu nhi, và không chỉ thiếu nhi. Thực ra, ông viết cho tất thảy người lớn - những ngườiđã từng có một thuở thiếu nhi, và đang còn giữ được con người trẻ thơ trong tâm hồn. Ông viết cho tất cả.

Đúng vậy, cái vui thì dễ tán ra, bay đi; còn cái thương, cái buồn thì dễ tụ vào, đọng lại. Lời nói của độc giả nhỏ tuổi này khiến tôi yên tâm hơn về những điều tôi bàn luận dưới đây.

Bắt đầu từ con đường của trí năng

Nếu tác phẩm chỉ tạo ra được nỗi ngạc nhiên cho dù thích thú đến mấy có lẽ cũng mới chỉ là kết quả của trí năng, tức là của sự thông minh. Phải thừa nhận rằng nhà văn của chúng ta quá đỗi tài ba trong việc tạo dựng tình huống và các công việc bếp núc thể loại khác. Điều này có thể khiến người đọc khâm phục, nhưng tự nó khó tạo ra nỗi xúc động.

Trong khi đó, sức hấp dẫn của văn chương có lớn hay không, có thôn tính được bạn đọc mọi thời hay không, suy cho cùng là ở chỗ: Tác phẩm có khả năng đánh động được tâm can người đọc hay không?

Nguyễn Nhật Ánh, một số tác phẩm đã thực sự tạo được nỗi xúc động sâu xa cho những ai một lần đọc nó.

Tôi cho rằng, con đường đi của Nguyễn Nhật Ánh về cơ bản bắt đầu từ con đường của trí năng, dần chuyển sang con đường của tâm năng.

Trí năng sinh ra những tình huống lạ, chuyện lạ. Tâm năng sẽ sinh ra những phận người. Cả 2 đều có những khả năng chinh phục bạn đọc khác nhau. Dĩ nhiên, không thể có sự rạch ròi giữa 2 phẩm chất này. Đã là một nghệ sĩ chân chính, 2 phẩm chất này đều tham gia vào quá trình sáng tạo.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: Lam Điền

Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn sáng tác khác nhau, lại trong từng trường hợp khác nhau, phẩm chất nào trội hơn hoặc đan xen. Từ những Bồ câu không đưa thư (1993), rồi đến bộ Kính vạn hoa, hầu hết là những cái viết thuộc trí năng: Thế giới tuổi học trò mới lớn, thông minh, lém lỉnh, nghịch ngợm, nhiều chuyện lạ, dễ thương, nhiều khiếm khuyết, dễ được tha thứ…

Sang đến Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (2008), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010), Lá nằm trong lá (2011), Ngồi khóc trên cây (2013) đều được xử lý nghiêng về tâm năng, hướng đến đến sự hài hòa giữa 2 phẩm tính trí năng và tâm năng. Các nhân vật trong những tác phẩm này đều mang những nỗi xúc động thiên thần, nghĩa là rất đỗi tự nhiên, mang bản tính thiện, lòng tốt đầu nguồn trong trẻo, thành thực, phi vụ lợi. Đến lượt, chúng phả vào người đọc những nỗi mủi lòng, những niềm thương xót, tiếc nuối, nhói đau.

“Quyền uy” của tâm năng

Khi nhân vật “tôi” trở về làng thăm Rùa (Ngồi khóc trên cây), thì bé Rùa đã chết. Nó chết vì nhảy xuống dòng nước xiết cứu mấy đứa nhỏ đang sắp bị dòng nước cuốn phăng. Nhân vật “tôi” lòng như đã chết khi trở lại cánh rừng, nơi Rùa vẫn đi về, vẫn giấu bầy thú khỏi bị người lớn săn bắn. Cả tác phẩm như trút vào phần cuốibao nhiêu mất mát, xót thương.

Trong truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tác giả đã dựng một “scene” vô cùng xúc động mang tên “Thịt gà”. Do lòng ghen tuông mù quáng của một đứa trẻ mới lớn, mà thằng em bị trận đòn oan chí mạng, trong khi đó thằng em ngoan quá, yêu thương và tôn thờ thằng anh quá, nó chẳng biết chống đỡ gì…

Chú thích ảnh
Bìa sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh

Các truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Lá nằm trong lá đều được tác giả cài cắm một số cảnh ở đó các nhân vật trải qua những cơn bão của sự xúc động mạnh mẽ, theo đó chúng cũng gây nên những chấn động lớn trong lòng người đọc.

Tôi cho rằng, ở trong những tác phẩm vừa rồi, tác giả đã có dụng công lớn vào nhân vật: Chúng hiện lên như những quyền uy của tâm năng, của tấm lòng. Nhờ vậy, các tác phẩm bám chắc trong lòng bạn đọc. Tâm năng thuộc về trái tim. Nó vang động và thanh lọc tâm hồn bạn đọc một cách kỳ diệu nhất.

Trong hai tác phẩm Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Chúc một ngày tốt lành, tác giả đã lựa chọn một lối viết giả tưởng hầu như khác với những gì trước đó. Tuy tinh thần trí năng có phần đậm hơn tâm năng, nhưng tác giả đã biết gia giảm để cho cái tâm năng xuất hiện, tạo nên bè trầm, độ lắng cho tác phẩm.

Cái câu chuyện thất tình của chú Mèo Gấu với cô Áo Hoa cũng đủ khiến bạn đọc phải mủi lòng. Ở truyện mới đây, Bảy bước tới mùa Hè cũng vậy, trên nền của tinh thần trí năng xuyên suốt, tác giả đã khéo léo kết thúc tác phẩm bằng một pha chia tay với nhiều bâng khuâng giữa hai nhân vật Khoa và cô bé Trang. Nếu không có trường đoạn này, chắc chắn tác phẩm sẽ trở nên hơi nhẹ.

Như vậy, có thể nói rằng, con đường đi của Nguyễn Nhật Ánh là từ trí năng hướng dần về tâm năng, và ở những đỉnh cao có sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa trí năng và tâm năng. Để đạt tới độ hài hòa giữa 2 phẩm tính này nhiều khi thuộc về bí ẩn của sự sáng tạo.

Kỳ 3 & hết (TT&VH, 29/5): Nguyễn Nhật Ánh - người kể chuyện tin cậy

PGS - TS Văn Giá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm