Năm 2012: Nữ giới giải cứu ngành xuất bản

01/01/2013 06:17 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - E.L. James, J.K. Rowling, Hilary Mantel... là những cái tên đã thay đổi thế giới sách trong năm qua. Một bộ tiểu thuyết khiêu dâm của James khiến toàn cầu nóng rực, chiến thắng kép đầy ấn tượng của Mantel tại giải Booker và cuộc cách mạng của sách tự xuất bản.

Trên đây là tổng kết của tờ Guardian sau một năm nhiều biến động của ngành xuất bản văn học (và cận văn học). Dưới đây là những nhân vật tiêu biểu, họ đều là phụ nữ.

E.L. James

4 năm trước, một phụ nữ làm nghề quản lý của một kênh truyền hình (nghề cũ của James) được bộ tiểu thuyết Chạng vạng của Stephenie Meyer truyền cảm hứng và bắt tay vào viết một fanfiction (tiểu thuyết do người hâm mộ viết) mang tên Fifty Shades of Grey (50 hình ảnh của Grey).

Có đến hàng nghìn tác phẩm ra đời kiểu như thế trên internet, nhưng vào tháng 5/2011, sau vài thay đổi về tên nhân vật và tình tiết, một nhà xuất bản nhỏ của Australia có tên là Writer's Coffee Shop, đã xuất bản tác phẩm của James dưới dạng sách điện tử. Sau đó, nhà xuất bản khổng lồ Random House của Mỹ đã “đánh hơi” thấy lợi nhuận và ký hợp đồng ra sách giấy với James.

Cuốn sách nhảy ngay lên top sách bán chạy của New York Times và cũng là ấn phẩm bán chạy nhất trong lịch sử xuất bản Anh, vượt qua Harry Potter. Đồng thời, cũng như Harry PotterMật mã Da Vinci, Fifty Shades of Grey đã tạo ra sự chia rẽ về quan điểm trong giới xuất bản về giá trị văn chương của các đầu sách best-seller. Nhưng, không thể phủ nhận Fifty Shades of Grey là biểu tượng cho chiến thắng của sách điện tử và cách thức tự xuất bản.

6 phụ nữ thay đổi ngành xuất bản thế giới trong năm 2012. Ảnh: Guardian

Hilary Mantel

Giải thưởng Man Booker càng trở nên danh giá khi trong năm 2012, giải không những tôn vinh một nhà văn mà là xác nhận tầm vóc của nhà văn đó, chính là Hilary Mantel, người phụ nữ đầu tiên 2 lần giành giải Man Booker. Tác phẩm đoạt giải là tiểu thuyết Bring Up the Bodies.

Tác phẩm của Mantel có thể không bán chạy và không có nhiều người đọc, nhưng nữ nhà văn Anh vẫn đáng nể ở chỗ trong vài thập kỷ qua vẫn kiên định theo đuổi con đường văn chương của riêng mình: tiểu thuyết lịch sử.

Năm 2004, khi quảng bá cho những tác giả văn học Anh xuất sắc nhất hiện nay, Hội đồng Anh đã nhắc đến Mantel kèm theo nhận định: “Bà xứng đáng có được cộng đồng độc giả đông đảo hơn”. Bây giờ, với hai giải Booker, bà đang được tìm đọc nhiều hơn.

“Đây là một tác giả viết đủ hay để thuyết phục chúng ta rằng các giải thưởng văn học xem ra cũng có ích”, Guardian nhận xét về Mantel.

J.K. Rowling

Tác giả Harry Potter đã thu hút được một lượng khán giả trung thành khổng lồ trên khắp thế giới. Những cô bé cậu bé đó hiện đã là người lớn và dường như thay đổi của Rowling trong văn chương phù hợp với điều đó. Phản ứng của họ đối với tiểu thuyết người lớn The Casual Vacancy (Khoảng trống vô định) của nữ nhà văn đến bây giờ vẫn chưa rõ ràng, dù đã có 300.000 độc giả bỏ tiền ra mua.

Phản ứng từ các nhà phê bình sách cũng rất phức tạp, người khen kẻ chê. Nhưng ngay cả khi cuốn sách có bán chạy đến hàng triệu bản hay không thì dấu ấn của Rowling trong ngành xuất bản năm 2012 vẫn không thể phủ nhận.

Kate Mosse

Không kể đến các tác phẩm văn học, dấu ấn của nhà văn Kate Mosse trong đời sống văn học Anh là giải thưởng văn chương nữ Orange do bà sáng lập. Trong năm qua, giải Orange đã mất đi tên gọi của mình khi nhà tài trợ - Tập đoàn Orange - quyết định ngừng tài trợ, chấm dứt mối quan hệ hợp tác kéo dài 17 năm.

Theo Mosse, Orange chấm dứt tài trợ cho giải thưởng để kết hợp với hãng T-Mobile đầu tư sản xuất phim. “Một cuộc ly dị vui vẻ”, bà nói. Giải thưởng của bà, vốn đã xây dựng được danh tiếng trong làng văn, tất nhiên rất cần tiền. Số tiền thưởng dành cho người chiến thắng giải Orange các năm là 30.000 bảng. Năm 2013, có lẽ số tiền này sẽ phải huy động từ các cá nhân hảo tâm. Đến năm 2014, Mosse hy vọng Tập đoàn Orange sẽ tài trợ trở lại.

Nhiều người chỉ trích giải thưởng này phân biệt giới tính, nhưng với Mosse, một giải như vậy vẫn cần có để châm ngòi cho những cuộc tranh luận về văn chương nữ, những gì nữ giới sáng tạo và thu nhận.

Julia Donaldson

Những cống hiến của Donaldson trong lĩnh vực văn học thiếu nhi và văn hóa đọc dành cho thiếu nhi đã giúp bà được Hoàng gia Anh trao tặng Huân chương MBE.

Nổi tiếng với hàng trăm tác phẩm viết cho trẻ em, nhất là The Gruffalo, nữ nhà văn đã dành cả năm 2012 để đi đến hơn 40 thư viện ở Vương quốc Anh và Mỹ để tặng và đọc sách cho trẻ em. Để thu hút trẻ em đến với văn chương, Donaldson còn tổ chức diễn kịch theo các tác phẩm của bà. Ở mỗi nơi bà đến, Donaldson đều trả lời phỏng vấn báo chí địa phương để nhấn mạnh tầm quan trọng của các thư viện.

Amanda Hocking

2012 là năm mà hoạt động tự xuất bản phát triển mạnh mẽ, khi ngành xuất bản tự giam mình vào cái cũi chính thống. Có một phụ nữ “chịu trách nhiệm” cho điều này, chính là nhà văn Mỹ 28 tuổi Amanda Hocking.

Năm 2010, Hocking khi đó hoàn toàn tay trắng đã quyết định rằng cô sẽ khuấy động ngành xuất bản bằng cách đăng tải các tiểu thuyết lãng mạn của mình, vốn nhiều lần bị từ chối in, lên Amazon.

Cô định giá các cuốn sách rất rẻ, chỉ vào khoảng từ 0,99 USD (hơn 20.000 đồng) đến 2,99 USD (hơn 60.000 đồng). Đến tháng 1/2012, Hocking đã bán được 1,5 triệu bản sách điện tử, thu về 2,5 triệu USD. Hiện, cây bút trẻ đã ký hợp đồng trị giá 2 triệu USD với nhà xuất bản St Martin’s và có hàng loạt tác giả khác muốn học theo cách làm của cô.

Với thành công của Hocking và E.L. James, sách tự xuất bản đã khẳng định chỗ đứng không thể bác bỏ trong ngành xuất bản. Người ta có thể thích hoặc không, nhưng hình như đã đến thời của chúng.

Huyền Mi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm