Trăm năm tình yêu cho ngàn năm Hà Nội

29/08/2014 07:44 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

(lienminhbng.org) - Lần tổ chức thứ 7 của giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội có một sự trùng hợp thú vị, khi hai "nhân vật" quan trọng trong lễ trao giải đều có tròn 100 năm gắn bó với Hà Nội: nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán và bộ ảnh cổ của Leon Busy. Và nói như GS sử học Phan Huy Lê, bề dày văn hóa 1000 năm của Hà Nội khiến vùng  đất này luôn là cơ duyên cho những tình yêu vượt khỏi mọi cột mốc thời gian như thế.

1. 9h45 sáng 28/8, khi khán phòng đã chật cứng trước sự có mặt của đại biểu và báo giới, Lễ trao giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2014 chính thức bắt đầu. Một phút tưởng niệm được dành cho sự ra đi của nhà văn Tô Hoài (vừa mất tháng 7/2014) - người từng nhận Giải thưởng Lớn năm 2010 và KTS Đoàn Đức (mất tháng 5/2014) – thành viên BGK. Tiếp đó, trong lời khai mạc, bà Trương Lê Kim Hoa, Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa, đã bày tỏ sự vui mừng khi thấy hai chủ nhân Giải thưởng Lớn đang có mặt trong khán là GS Phan Huy Lê (năm 2011) và nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (2013) vẫn có đủ sức khỏe để đồng hành cùng tình yêu Hà Nội.

"Có thể thấy mỗi kỳ giải thưởng là một ngày hội lớn của những tình yêu Hà Nội không phân biệt tuổi tác, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp… Ở vị trí nào, họ cũng có thể đóng góp cho Hà Nội bằng những việc làm thiết thực của mình và xứng đáng được tôn vinh" – Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa cho biết - "Nhìn lại qua các kỳ giải thưởng, ta sẽ thấy một cuộc chạy tiếp sức để tình yêu Hà Nội mãi trường tồn cùng với thời gian".

Hưởng ứng lời khẳng định trên, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã gửi lời chúc mừng tới giải thưởng của báo Thể thao & Văn hóa – một sự kiện đã trở thành "ngày hội của những người yêu Hà Nội". Theo lời bà, giải thưởng đã "biểu thị tình yêu Thủ đô của các tầng lớp nhân dân: từ các văn nghệ sĩ, trí thức trăn trở với những sáng tác, nghiên cứu về chủ đề Hà Nội, đến những người dân bình thường, đang sống và làm việc trên mảnh đất này, cho đến cả những người nước ngoài đã và đang gắn bó với Thủ đô của chúng ta…".


Các đề cử nhận hoa, chứng nhận từ BTC và đại diện gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái

2. Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán đến dự lễ trao giải trên chiếc xe lăn. Ông trở thành tác giả cao tuổi nhất từng được tôn vinh trong 7 lần tổ chức giải thưởng. Tuổi 100 tròn, không có gì khó hiểu khi rất nhiều cháu, chắt của học giả này cùng đi theo ông, cụ mình để chứng kiến ngày “cuốn từ điển sống” về văn hóa Hà Nội được vinh danh. Đây là lần đầu tiên, 4 thế hệ người Hà Nội cùng xuất hiện ở Lễ trao giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, một hạnh phúc trọn vẹn của “người muôn năm cũ” Vũ Tuân Sán.

Sức yếu, học giả có bút danh Tảo Trang vẫn gắng gượng bước lên nhận giải với những bước chân run run. Rồi, cũng vẫn chất giọng của tuổi 100, nhà nghiên cứu này gửi lời cám ơn tới Hội đồng giám khảo, tới TT&VH và tuyên bố tríchmột triệu đồng từ giải thưởng để chuyển tặng các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa và một triệu đồng ủng hộ trẻ em nghèo Hà Nội. Trong tiếng vỗ tay của khán giả, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng bước lên nói lời chúc mừng học giả Vũ Tuân Sán. Hơn ai hết, ông thấu hiểu sự xúc động của người đàn anh khi nhận được Giải thưởng Lớn cho cả một đời cống hiến vì Hà Nội.

"Sau hàng loạt xáo trộn của lịch sử, Hà Nội của chúng ta cần rất nhiều tấm lòng, rất nhiều yêu thương để bù đắp lại cho mình. Có những người vẫn lặng thầm đóng góp cho Hà Nội, và tưởng như tự bằng lòng với thứ tình yêu đơn phương ấy" - Nhiếp ảnh gia ở tuổi 80 hóm hỉnh nói – "Để rồi, với giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái, cũng tới lúc những tình yêu đơn phương được đền đáp. Bởi thế, tôi mong những ai muốn yêu, muốn đóng góp cho Hà Nội thì đừng đo đếm mà hãy sớm làm theo cảm xúc của mình".

Rồi, bước xuống phía dưới, nhiếp ảnh Quang Phùng hồn nhiên chia sẻ: 20 triệu đồng tiền giải thưởng đã được ông sử dụng để thực hiện trọn vẹn một bộ ảnh 500 tấm về phố cổ Hà Nội trong năm qua. Ông bảo, đó là một cách tri ân thiết thực nhất với giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái, người bạn đã quá cố của mình.

3. Lần lượt, các hạng mục giải Việc làm, giải Tác phẩm, giải Ý tưởng được trao tặng cho các chủ nhân của Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2014. Và, giữa những tràng vỗ tay, báo giới và các đại biểu lại một lần nữa bị bất ngờ - khi qua người đại diện, GS người Pháp Emmanuel Poisson (giải Việc làm) xin được chuyển toàn bộ số tiền của giải thưởng cho các học sinh khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).

Emmanuel Poisson, đã có nhiều năm làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Ông có thể sử dụng thông thạo tiếng Việt, chữ Nôm, và từng bảo vệ luận án tại Đại học Paris VII về hệ thống hành chính VN trong thế kỷ XIX. Từ Paris, lá thư gửi BTC của Poisson có đoạn viết: "Với tôi, Hà Nội lúc nào cũng đẹp- cho dù nó có nhiều xe đạp, nhẹ nhàng như mơ trong lần tôi đến đầu tiên hay đông đúc xe Mercedes, quần quật cả ngày lẫn đêm như bây giờ".

Như thế, 100 năm sau khi tay máy người Pháp Leon Busy thực hiện những bức ảnh về Hà Nội, một người Pháp khác là Poisson – cùng với nhà dân tộc học Đinh Trọng Hiếu – đã làm tất cả những gì có thể để đưa những bức ảnh ấy đến với những người đang sống tại mảnh đất này. Như lời tâm sự của ông, 14 tháng biên soạn và bình chú của 2 học giả ấy cũng chỉ nhằm mục đích "đem lại cho công chúng một cái nhìn phân tích và phê bình, chứ không phải một sự mô tả đơn điệu và cứng nhắc" về Hà Nội.

"Tôi thích những bức tranh của Bùi Xuân Phái về Hà Nội. Sau này, có dịp tìm hiểu hơn về lịch sử Việt Nam đương đại, tôi cảm kích hơn về số phận của ông và những nghệ sĩ cùng thời" –  Poisson chia sẻ về giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái - "Giải thưởng mang tên ông thật sự là một khích lệ cho tôi và những cộng sự của mình. Tôi nghĩ việc thành lập giải thưởng này thật ý nghĩa. Nó củng cố thêm tình yêu nghệ thuật, tình yêu Hà Nội. Nó không quên quá khứ, nhưng hướng về tương lai."

4. "Đây là lần thứ hai mà hai tác giả nước ngoài cùng được tôn vinh bởi tình cảm dành cho Hà Nội. Và tôi cũng rất thú vị bởi sự xuất hiện của những gương mặt trẻ như nhóm Hà Nội Fly hay nhóm tình nguyện nhặt rác Hồ Gươm" – GS sử học Phan Huy Lê, thành viên Hội đồng giám khảo, nhận xét. "Và cuối cùng, việc vinh danh nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán ở độ tuổi 100 là một sự lựa chọn mà tất cả các thành viên của Hội đồng giám khảo đều đồng lòng và hết sức vui mừng"

100 năm là ngắn trong lịch sử tồn tại của Hà Nội nhưng là quá dài cho cả một đời người.Và với những cột mốc 100 năm trong lễ trao giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 7, hơn bao giờ hết, người ta càng cảm nhận rõ: Giải thưởng này đã thoát khỏi thời gian hiện tại để kết nối những tình yêu Hà Nội trong quá khứ và cả ở thì tương lai- khi mà những tấm lòng vì Hà Nội chắc chắn sẽ còn được tôn vinh trong tại những lần tổ chức tiếp theo.

Nhóm PV VHVN (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm