Giải thưởng Hội Nhà văn 2016: Nhà văn Chu Lai nhận giải sau 5 năm ‘ngoại tình’

14/01/2017 17:51 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) -“ 5 năm “ngoại tình” với sân khấu trong vai trò trưởng Ban sáng tác của Hội Sân khấu, tôi có viết được vài vở kịch. Để rồi, khi trở lại với tiểu thuyết, tôi vẫn hiểu rằng đây mới là lĩnh vực có thể neo giữ mình lại với cuộc đời, ở tuổi 70”- nhà văn Chu Lai chia sẻ.

Trong năm 2016 vừa qua, Mưa đỏ của Chu Lai là tác phẩm duy nhất được Hội nhà văn trao giải ở mảng tiểu thuyết – lĩnh vực vốn được coi là thước đo quan trọng nhất của mỗi nền văn học.  Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 14 của Chu Lai, và được nhà văn hoàn thành đúng ở độ tuổi 70.    Mưa đỏ vẫn tiếp nối mạch sáng tác của Chu Lai: những cuốn tiểu thuyết viết về người lính.

Các tác giả nhận giải thưởng năm 2016 của Hội nhà văn

“Viết về cái gì, những cuốn sách của tôi vẫn luôn thấp thoáng có hình ảnh người lính phía sau” – ông chia sẻ trong lễ trao giải do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức vào sáng nay 14/1. “Bởi, lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc. Dân tộc VN dẫu không muốn, vẫn là dân tộc trận mạc. Và khi chúng ta mới chỉ có những bước tiến chập chững ở những lĩnh vực khác, những cuộc chiến tranh vệ quốc vẫn là  điều được thế giới nhìn nhận để  tạo dựng nên phẩm hạnh và kích thước của dân tộc”.


Nhà văn Chu Lai

Mưa đỏ dày hơn 300 trang, viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. Thực chất, tham gia chiến tranh chống Mỹ, Chu Lai hoạt động tại vùng nội đô ven Sài Gòn và chưa bao giờ đặt chân tới chiến trường Quảng Trị. Nhưng, cuốn tiểu thuyết về Thành cổ Quảng Trị năm 1972 vẫn được ông coi là nghĩa vụ tự thân của một nhà văn khoác áo lính.

“Thành cổ Quảng Trị là địa bàn có vị chí chiến lược trong chiến tranh chống Mỹ. Là nơi mà dù ở bên này hay bên kia, hàng trăm người Việt vẫn ngã xuống trong những ngày giữa năm 1972. Đó là một ẩn số vừa đau buồn, vừa bi tráng mà người cầm bút phải trả lời” – Chu Lai chia sẻ với Thể thao &Văn hóa (TTXVN). “Và dù chưa đặt chân tới đó, tôi vẫn hiểu: cuộc chiến tranh của chúng ta có một mẫu số chung là đau thương và hào sảng, người lính có một mẫu số chung là kiên cường, bất khuất và trăn trở trong mọi nỗi niềm.”

Tiểu thuyết Mưa đỏ

Trong Mưa đỏ, nhân vật chính của nhà văn xuất hiện cả ở 2 chiến tuyến: một bên là Quang, chỉ huy lực lượng Hắc Báo của quân đội Sài Gòn và một bên là Cường, người lính từng là sinh viên nhạc viện năm cuối.

Và không chỉ dừng lại ở trận chiến bên thành cổ, Mưa đỏ còn mở rộng thời gian tới hàng chục năm sau, khi bản giao hưởng viết về tổ quốc, nhân dân và thế hệ trẻ của Cường được tìm thấy và biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhà văn cho biết, để hoàn thành Mưa đỏ, ông đã tới chiến trường Quảng Trị và ngủ lại một đêm trong thành cổ để tìm kiếm những xúc cảm và suy nghĩ của mình.

“ Vào đây, tôi mới hiểu câu thơ  Có tuổi hai mươi thành sóng nước không chỉ đúng với những người lính của chúng ta. Bên cạnh họ, lòng sông Thạch Hãn cũng là nơi an nghỉ của hàng trăm người lính quân đội Sài Gòn trong trận chiến bi tráng ấy” – nhà văn chia sẻ thêm. “ Và, với cái nhìn của tôi, nấm mộ chung dưới lòng sông ấy phải là nơi bắt đầu cho những làn sóng  hòa hợp dân tộc, để chúng ta khép lại những đau buồn đã qua”.

Ngoài Mưa đỏ, cũng trong sáng 14/1, Hội nhà văn Việt Nam đã trao giải cho 6 tác phẩm khác của năm 2016, bao gồm tập truyện ngắn Làn gió chảy qua (Lê Minh Khuê), các tập thơ Tổ Quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến) và Vũ khúc Tày (Y Phương), tập chân dung văn học Giọt nước trong lá sen (Khuất Bình Nguyên), tập chuyên luận phê bình Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại (Trần Huyền Sâm) và bản dịch tiểu thuyết Lâu đài sói (tác giả Hilary Mantel), do dịch giả Nguyễn Chí Hoan chuyển ngữ. Ngoài ra Hội cũng công bố việc kết nập 29 tác giả mới.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm