17/12/2020 08:30 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Năm 2020 chứng kiến một hiện tượng hiếm có trong nền âm nhạc Hàn Quốc – khi cả 2 thể loại nhạc “trot” và K-pop đều gặt hái được những thành tích vô song, bất chấp niềm tin lâu nay rằng chúng luôn phải cạnh tranh với nhau về độ nổi tiếng.
Cụ thể, nếu K-pop đang là dòng nhạc nổi bật nhất thì nhạc “trot” (thể loại nhạc pop Hàn Quốc lâu đời nhất) cũng vừa tạo ra một cơn “địa chấn” vào đêm trước Trung thu 2020 tại xứ Kim chi
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật đã làm thay đổi nền âm nhạc Hàn Quốc trong năm nay:
1. TV Chosun thành công nhờ nhạc “trot”
Thành công của Mr. Trot trên TV Chosun đã cứu vãn danh tiếng của kênh truyền hình cáp này - vốn từ lâu đã là kẻ lép vế trong cuộc đua lượng người xem.
Năm ngoài, kênh truyền hình này bắt đầu ra mắt chương trình thử nghiệm mang tên Miss Trot và tiếp nối vào năm nay với phần tiếp theo là Mr.Trot. Gần 36% người xem truyền hình Hàn Quốc đã theo dõi những tập cuối cùng, tạo ra kỷ lục trong lịch sử của truyền hình cáp tại đây. Trong đêm chung kết của chương trình, đã có 7,7 triệu phiếu bầu dựa trên tin nhắn trên toàn Hàn nhằm chọn ra người chiến thắng.
Ngay cả sau đêm chung kết mùa giải, “trot” đã tiếp tục được phục hưng, bằng chứng là các ca sĩ nhạc “trot” đứng đầu bảng xếp hạng và xuất hiện trong nhiều quảng cáo và trên các mạng lớn khác.
2. BTS được đề cử giải Grammy
BTS tiếp tục làm nên lịch sử K-pop vào năm 2020, lần này với Dynamite - đĩa đơn kỹ thuật số mới của mình.
Sau khi phát hành, ca khúc hoàn toàn bằng tiếng Anh này đã ngự trị ở 2 vị trí hàng đầu của bảng xếp hạng Billboard trong 7 tuần liên tiếp. Ca khúc cũng phá kỷ lục lượt xem cao nhất trên YouTube trong 24 giờ đầu tiên, với 101,1 triệu và cuối cùng đã giành được đề cử Grammy cho màn trình diễn của Bộ đôi/ Nhóm nhạc pop xuất sắc nhất.
Với việc dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và được đề cử giải Grammy, BTS là những nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên đạt được cả hai thành tích kể trên.
3. “Cơn sốt” Na Hoon A
Ca sĩ Na Hoon A một lần nữa chứng minh rằng tuổi tác chỉ là một con số. Trong lần đầu tiên tái xuất màn ảnh nhỏ sau 15 năm, ca sĩ nhạc trot kỳ cựu này đã tạo nên cơn sốt trong lòng những người Hàn Quốc đang mệt mỏi vì đại dịch.
Cụ thể, màn hòa nhạc vào dịp lễ Trung thu (Chuseok) của anh trên đài KBS 2 đã đạt được lượng người xem đáng kinh ngạc: 29% trên toàn quốc - kỷ lục đối với các chương trình phát sóng ngày hôm đó.
Màn hòa nhạc của Na Hoon A, với sự đồng hành của gần 1.000 người hâm mộ tại Seoul, Nhật Bản, Đan Mạch, Australia và thậm chí cả Zimbabwe, không chỉ khiến dàn sao trung niên lâu năm mà còn nhiều khán giả trẻ tuổi mê mẩn với sự hiện diện trên sân khấu cũng như trang phục và đạo cụ lộng lẫy của anh.
4. K-pop lên mạng
Dịch Covid – 19 khiến một loạt các sự kiện K-pop trực tiếp bao gồm các buổi hòa nhạc, lễ hội và gặp mặt lần lượt bị hủy bỏ trong suốt năm. Bởi vậy, các tên tuổi lớn trong K-pop đã tích cực chọn giải pháp “lên mạng”.
Từ Bang Bang Con của BTS với hơn 750.000 khán giả đến loạt Beyond LIVE của SM với SuperM, Super Junior và NCT, các buổi hòa nhạc phát trực tuyến đã trở thành một mối lợi cho người hâm mộ K-pop trên toàn thế giới. Một bước ngoặt khác là sự kiện ký tặng “fan ảo” của Blackpink và thu hút hơn 46 triệu người.
Ngay cả những chương trình trao giải tại Hàn Quốc cũng đã chuyển đổi sang nền tảng trực tuyến, điển hình là lễ trao giải Âm nhạc Mnet (MAMA).
5. Hanbok của Blackpink “gây bão”
Trong màn trình diễn bản “hit” mùa Hè How You Like That của Blackpink trên chương trình The Tonight Show Starring Jimmy Fallon của NBC, điều khiến người hâm mộ toàn cầu mê mẩn ngoài âm nhạc gây nghiện chính là trang phục sân khấu của họ: Trang phục truyền thống hanbok đã được cách tân. Cụ thể, Jeogori (quần áo may mặc trên) và chima (váy) của các thành viên tạo thành trang phục truyền thống của Hàn Quốc thường mặc trong những dịp đặc biệt đã được tái hiện lại với màu sắc và trang phục hiện đại.
Tuy nhiên, điều này làm dấy lên tranh cãi tại xứ Kim chi khi một số người cho rằng trang phục của họ làm sai lệch truyền thống đích thực. Những người khác cũng khẳng định rằng việc để lộ những đường cắt và độ dài ngắn khiến bộ hanbok quá gợi cảm.
6. “Bùng nổ” phim tài liệu về thần tượng K-pop
Những bộ phim tài liệu theo chân một số thần tượng K-pop ở hậu trường đã khiến người hâm mộ quốc tế “mê mẩn” khi họ muốn biết được những suy nghĩ và cảm xúc của các ngôi sao thông qua những câu chuyện nhân văn.
Điển hình, chỉ một ngày sau khi phát hành vào tháng 10, BLACKPINK: Light Up the Sky đã xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng phim hàng đầu Netflix.
Trong khi đó, bộ phim tài liệu gồm 9 phần trên YouTube, TWICE: Seize the Light, cũng đạt được thành công khi ngay tập đầu tiên đã đạt hơn 5,3 triệu lượt xem.
7. Nhóm nhạc nữ aespa
Vào tháng 11, aespa trở thành nhóm nhạc nữ mới đầu tiên ra mắt tại SM Entertainment kể từ khi Red Velvet bùng nổ hoạt động 6 năm trước. Ngay cả trước khi ra mắt đĩa đơn Black Mamba, nhóm nhạc K-pop tân binh này đã gây chú ý với chủ đề độc đáo: Sự tương tác giữa thế giới ảo và cuộc sống thực.
8. Thử thách “Any Song” trên TikTok
Rapper Zico đã khởi đầu năm mới với ca khúc hip-hop sôi động Any Song và phổ biến trào lưu thử thách TikTok ở Hàn Quốc.
Sau khi phát hành vào tháng 1, với dòng chảy liền mạch và giai điệu nhẹ nhàng, ca khúc này đã đảm bảo vị trí trên nhiều bảng xếp hạng âm nhạc K-pop địa phương và các dịch vụ phát trực tuyến trong nhiều tuần. Song phải nói rằng ca khúc này nổi danh một phần nhờ vào các video thử thách nhảy TikTok lan truyền đi kèm bài hát, có sự tham gia của các nghệ sĩ K-pop nổi tiếng Chungha, Lee Hyo Ri và Hwasa (Mamamoo) cùng nhiều người khác, và đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn người hâm mộ K-pop làm theo.
Any Song đã trở thành một trong những ca khúc có ảnh hưởng nhất trong nửa đầu năm nay và thiết lập xu hướng quảng bá các bản nhạc mới thông qua các thử thách TikTok tại Hàn Quốc.
9. Rain nổi tiếng trở lại nhờ ca khúc từng bị đánh giá cũ kỹ
Năm 2020 là thời điểm kỳ lạ đối với siêu sao Bi Rain. Anh được coi là ngôi sao K-pop nam solo nổi tiếng nhất vào đầu những năm 2000, thậm chí trước cả khi K-pop nổi tiếng trên toàn cầu hiện nay Nhưng từ năm 2014, sự nghiệp của Rain bắt đầu lẹt đẹt với việc nghệ sĩ dường như không theo kịp các xu hướng âm nhạc mới.
Khi Rain phát hành ca khúc Gang vào năm 2017, nhạc phẩm bị các nhà phê bình và công chúng đánh giá là có màn trình diễn cực kỳ kém cỏi, cũ kỹ và lạc hậu.
Dù vậy, sau 3 năm, MV của bài hát lại có 19 triệu lượt xem trên YouTube.
Sự nổi tiếng trở lại của ca khúc và của Rain chủ yếu là do các “meme” và bản nhại bắt đầu xuất hiện trên mạng từ cuối năm 2018. Cư dân mạng đặt tên cho hiện tượng này là 1 Gang a day. Điều này cũng mang lại sự quan tâm mới cho những cư dân mạng khác, những người không quen thuộc với ca khúc gốc và muốn tự mình kiểm tra xem “bài hát có sức lôi cuốn như thế nào”.
10. Yang Joon Il đạt danh hiệu ngôi sao muộn màng
Một ngôi sao khác bất ngờ trở lại nổi tiếng nhờ một cơn sốt video lan truyền là Yang Joon Il. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ gốc Hàn này từng có một số bài mini “hit” vào đầu thập niên 1990 nhưng sau đó biến mất vì hoạt động không hiệu quả.
Sau 30 năm, khi các video biểu diễn cũ những năm 1990 của anh được lan truyền trên YouTube trở nên lan truyền, Yang Joon Il đã trở thành ngôi sao một cách muộn màng.
Hồi mùa Hè, Yang Joon Il phát hành ca khúc mới Rocking Roll Again, bài hát đầu tiên của anh sau 19 năm. Chưa kể, anh đã xuất bản cuốn hồi ký - Yang Joon-Il MAYBE: Our Code Words - và được những người hâm mộ háo hức đón nhận.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất