23/06/2020 20:18 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - 6 thập kỷ sau lần đầu tiên ra mắt, kiệt tác Psycho (Tâm thần hoảng loạn) của bậc thầy phim kinh dị người Anh, Alfred Hitchcock (1899-1980), vẫn tiếp tục gây kinh hoàng cho mọi thế hệ khán giả với những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử điện ảnh.
Lật lại lịch sử, khi Psycho có buổi ra mắt tại New York vào ngày 16/6/1960, nhiều khán giả đã sợ đến tắt thở khi xem phim. Họ hiểu rằng mình đã xem một bộ phim kinh dị có khả năng làm thay đổi lịch sử của thể loại phim này.
Thế chấp nhà để làm phim
Psycho kể về Marion Crain (Janet Leigh), một thư ký văn phòng ở Phoenix. Để có tiền cho người yêu Sam (John Gavin) trả những món nợ gia đình và có thể làm đám cưới, Marion đã trộm món tiền 40.000 USD từ khách hàng. Sau khi “chôm" được số tiền đó, cô vội vã rời khỏi Phoenix. Một cảnh sát để ý theo dõi Marion, khiến cô càng hốt hoảng hơn.
Trrời mưa dữ dội, Marion đã phải lưu lại một nhà nghỉ hoang vắng - nơi chủ nhà nghỉ là Norman Bates (Anthony Perkins) sống với bà mẹ bí ẩn của anh ta. Để rồi, sự mất tích của Marion khiến cô chị Lila Crane (Vera Miles) và Sam phải vào cuộc cùng với thám tử Arbogast (Martin Balsam). Họ không biết điều khủng khiếp gì đã xảy ra với Marion tại căn nhà nghỉ kia, và sau đó là với chính họ…
Nhiều người hâm mộ Hitchcock hẳn vẫn còn nhớ đạo diễn đã “liều” như thế nào để thỏa mãn được mong muốn làm phim của ông. Thời điểm đó, Hitchcock đã thế chấp chính ngôi nhà của mình để lấy tiền làm bộ phim có kinh phí 800.000 USD này. Thực tế, đó là một mức đầu tư thấp, nhưng hãng phim của ông, Paramount, đã từ chối mở két.
Và Paramount đã tính sai khi quyết định không đầu tư cho dự án điện ảnh của Hitchcock, bởi sau đó hàng loạt rạp chiếu đã liên tục cháy vé khi chiếu Psycho. Bộ phim có doanh thu hàng triệu USD chỉ trong một thời gian ngắn, và nó đã trở thành bộ phim thành công nhất về mặt thương mại trong suốt sự nghiệp lâu dài của Hitchcock.
Nhà phê bình điện ảnh huyền thoại Roger Ebert từng nhận xét về sức ảnh hưởng khắp thế giới của bộ phim: “Điều khiến Psycho trở nên bất tử, trong khi rất nhiều bộ phim đã bị lãng quên một nửa khi khán giả rời rạp, là nó kết nối trực tiếp với nỗi sợ hãi của người xem. Những nỗi sợ hãi trong phim không hề xa lạ với chúng ta: Bất cứ ai cũng có thể bốc đồng phạm tội, ai cũng sợ cảnh sát, ai cũng sợ trở thành nạn nhân của một kẻ điên. Và cuối cùng, tất nhiên, ai cũng sợ làm mẹ chúng ta thất vọng”.
Những hiệu ứng đặc biệt
Bộ phim còn được chú ý ở chỗ nhân vật Norman Bates (được dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1959 của Robert Bloch), được cho là lấy cảm hứng từ kẻ giết người hàng loạt ngoài đời thực có tên Ed Gein.
Đó là một kẻ chuyên đào mộ và đánh cắp thi hài ở khắp các khu mộ bang Wicosin, Mỹ. Sau khi bị bắt vì tội lưu trữ xác chết trong nhà, gã thú tội đã giết 2 phụ nữ ở Wisconsin vào năm 1954 và 1957. Và trong khi nhân vật Norman Bates của Psycho mắc chứng rối loạn đa nhân cách thì Ed Gein, được biết đến với tên gọi “đồ tể vùng đồng bằng”, cũng gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần.
Một số lời khen khác dành cho nhịp điệu tiến triển rất nhanh của phim. Thực chất, câu chuyện về cô nhân viên văn phòng có mối quan hệ với một người đàn ông mắc nợ 40.000 USD và vào nhà nghỉ do một thanh niên bị bệnh tâm thần điều hành không phải là một cốt truyện quá đặc biệt. Thế nhưng, yếu tố giật gân gắn với việc nhân vật chính của Psycho bị giết khi thời lượng phim chưa được một nửa.
Thực tế, nhiều khán giả cảm thấy như tắt thở khi xem cảnh bị hại trong phòng tắm với tiếng thét ghê rợn của ngôi sao Janet Leigh. Cảnh này chỉ kéo dài 2 phút trong phim nhưng đạo diễn đã phải vận dụng tới 78 góc camera và 52 “cut” (thao tác cắt đoạn phim). Ngoài ra, người xem còn “dựng tóc gáy” trước những cảnh Norman Bates (Anthony Perkins) cầm dao hay việc phát hiện cơ thể người phụ nữ chết khô mà anh ta giữ trong nhà nghỉ của mình.
Kể từ khi Psycho ra đời, người ta nghĩ chẳng có chuyện gì là không thể xảy ra. Khi Bates nhu mì biến thành một kẻ giết người lạnh lùng, tính toán, tính bạo lực của anh ta không vô cớ mà luôn mang tâm lý sâu sắc.
Những điều này dẫn đến một hiệu ứng bí ẩn khác của bộ phim: Ấn tượng mà nó để lại. Như tác giả Donald Spoto đã viết trong The Art Of Alfred Hitchcock: “Lần đầu tiên xem Psycho ta cảm thấy hồi hộp. Nhưng khi xem lại nhiều lần, ta cảm thấy buồn sâu sắc”.
Spoto viết tiếp: “Trước đó, chưa có bộ phim Mỹ nào mô tả như những gì được thấy trong Psycho. Đó là những chi tiết về cuộc sống tẻ nhạt và lãng phí trong thế giới của những cô gái văn phòng, về những nhà trọ hẻo lánh hay những chàng trai trẻ nhút nhát luôn hy sinh vì mẹ”.
Theo Spoto, Psycho khiến người xem phải suy ngẫm về việc làm thế nào “một sự suy đồi về đạo đức và tâm lý” lại có thể ẩn giấu đằng sau cuộc sống hàng ngày.
Trong một cuộc phỏng vấn sau này, nhà làm phim người Anh cho biết thêm: “Sự hài lòng chính của tôi gắn với việc bộ phim có ảnh hưởng lớn đến khán giả. Tôi không quan tâm đến chủ đề, không quan tâm đến diễn xuất, nhưng tôi quan tâm đến các đoạn phim, việc quay phim, âm thanh và tất cả các yếu tố kỹ thuật khiến khán giả hét lên”.
Nói theo cách riêng của mình, Hitchcock biết rằng khán giả “được thức tỉnh” trong cuộc sống, bởi một bộ phim thuần túy.
Siêu phẩm của 60 năm Psycho đã được đề cử 4 giải Oscar, bao gồm Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Janet Leigh và Đạo diễn xuất sắc nhất cho Alfred Hitchcock. Sau khi Hitchcock qua đời vào năm 1980, Universal Studios bắt đầu sản xuất các phần tiếp theo, bản làm lại, cũng như một loạt phim truyền hình lấy bối cảnh những năm 2010. Năm 1992, Thư viện Quốc hội Mỹ nhận định Psycho “có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ” và đã chọn lưu giữ trong Cơ quan Đăng ký phim Quốc gia. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất