28/10/2021 07:55 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Ngày 27/10, Công ty Cổ phần thương mại và Dịch vụ Truyền thông BIHACO (BH Media) đã tổ chức buổi họp báo về "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số" nhưng trọng tâm là chia sẻ thông tin về việc nhạc sĩ Giáng Son mới đây cho rằng bị YouTube "đánh gậy bản quyền".
Cụ thể, nhạc sĩ Giáng Son mới lập kênh Youtube (Giáng Sol Offical) để đưa các tác phẩm của mình lên đây chia sẻ với mọi người. Bài Giấc mơ trưa mà chị đăng trên Youtube lấy từ album Giáng Son năm 2007 với bản phối, bản audio hoàn toàn thuộc về nhạc sĩ.
BH Media không “đánh gậy bản quyền” tác phẩm của nhạc sĩ Giáng Son?
Tối 14/10, chỉ sau ít ngày đăng tải tác phẩm Giấc mơ trưa trên trang YouTube của mình, nhạc sĩ Giáng Son bất ngờ nhận thông báo bài hát của mình vi phạm bản quyền từ BH Media vì bị phát hiện trùng khớp một đoạn âm thanh với sản phẩm Giấc mơ trưa do nghệ sĩ Dương Thùy Anh (đàn nhị) thực hiện (do Hồ Gươm Audio Video phát hành). Ngay sau đó, nữ nhạc sĩ đã liên hệ với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - nơi chị đã ủy quyền khai quản lý các tác phẩm để trao đổi và tìm hướng giải quyết.
Tại buổi họp báo, phía BH Media thông tin đến báo chí: “Thư thông báo xác nhận bản quyền (tự động) của Youtube gửi cho nhạc sĩ Giáng Son không làm ảnh hưởng đến quyền tải video lên Youtube của Giáng Son. Đó không phải "gậy bản quyền" (cảnh báo dành cho người vi phạm bản quyền) như chị Giáng Son nghĩ.
Trong thư thông báo xác nhận bản quyền có tóm tắt trạng thái bản quyền, ghi rõ: "Không ảnh hưởng" đến kênh của Giáng Son. Ngoài ra còn hướng dẫn Giáng Son "chọn một hành động". Giáng Son chỉ cần phản hồi là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ phản hồi chị”.
Thể thao và Văn hóa đặt câu hỏi: Trên Youtube xuất hiện hai tác phẩm có sự trùng khớp một đoạn âm thanh. Được biết bản audio bài Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son do ca sĩ Khánh Linh thể hiện được thu âm trước bản phối lại của nghệ sĩ Dương Thùy Anh, nhưng vì nhạc sĩ Giáng Son đăng tải tác phẩm của mình lên Youtube sau so với bản của Dương Thùy Anh nên “dính gậy bản quyền”. Vậy, nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hải Bình, Tổng giám đốc BH Media cho biết: “Khi chúng tôi xem lại hai tác phẩm đó thì thấy khác nhau nhiều, nhưng do hệ thống AI của YouTube quét và thấy sự trùng khớp. Dù vậy, có một hạn chế là phía chị Giáng Son chỉ đăng tải bài hát trên kênh YouTube bình thường chứ không phải trên kênh đã tham gia một network về âm nhạc hay BH Media để chúng tôi có thể bật tham chiếu bằng cách dùng bản ghi của chị Giáng Son quét hết thị trường, xác định bài nào mới là bài gốc, từ đó loại trừ những bản ghi sau”.
Sau khi phát hiện ra sự cố này, BH Media cho biết đã lập tức “nhả” xác nhận bản quyền đó ra và liên hệ với nhạc sĩ Giáng Son để giải thích cho chị hiểu nhưng nhạc sĩ Giáng Son không hợp tác, đồng thời cho biết đã ủy quyền cho VCPMC để giải quyết vụ việc này. Nhưng đến nay, theo ông Nguyễn Hải Bình, BH Media vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến gì từ VCPMC.
“Việc quét bản quyền của chúng tôi thực hiện cũng đã được sự đồng ý của VCPMC. Nếu quét bản quyền mà phát sinh doanh thu về quyền tác giả thì YouTube cũng sẽ trả tiền cho VCPMC để VCPMC đối soát doanh thu cho nhạc sĩ Giáng Son” - ông Bình nói.
“Chúng tôi mua sản phẩm của chủ sở hữu hợp pháp”
Được biết, nhạc sĩ Giáng Son chỉ cho phép Hồ Gươm Audio Video phát hành chứ không được bán quyền khai thác online cho bất kỳ đơn vị nào khác. Nghĩa là, Hồ Gươm Audio Video chỉ được phép phát hành bản ghi vật lý, không có quyền phát hành bản ghi số (bản ghi có thể khai thác trên các nền tảng online). Trên thực tế, BH Media đang khai thác bản ghi này trên nền tảng số (YouTube), còn việc BH Media mua những quyền khai thác gì từ Hồ Gươm Audio Video thì BH Media chưa công bố rõ nên gây ra những ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Hải Bình chỉ cho hay: “Ở đây cần phải phân biệt bản ghi và bản quyền tác giả. Hồ Gươm Audio Video sản xuất bản ghi này thì họ là chủ sở hữu. Còn những người liên quan như ca sĩ, nhạc sĩ… tùy thuộc vào hợp đồng giữa hãng sản xuất với các nghệ sĩ thì sẽ đối soát doanh thu với nhau. Khi làm việc, chúng tôi cũng xác nhận những sản phẩm này là thuộc quyền sở hữu của bên cung cấp bản ghi (Hồ Gươm Audio Video)….
Còn về phần tác giả, chúng tôi đã làm việc với YouTube và YouTube cũng có hợp đồng khung với VCPMC. Ở Việt Nam, một tác phẩm đã được công bố - mà ở đây là bài Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son - thì có thể khai thác trên các môi trường khác với điều kiện là phải trả nhuận bút cho nhạc sĩ Giáng Son thông qua VCPMC”.
Khi được hỏi, với tư cách là một đơn vị kinh doanh, BH Media sẽ có những hỗ trợ gì cho các nghệ sĩ trong vấn đề này để không lặp lại những vụ việc như Giấc mơ trưa, đại diện BH Media cho biết: “Các nghệ sĩ cần phải làm quen với những thị trường mới như trên nền tảng số hoặc bất kỳ nền tảng nào khác… Chúng tôi không kinh doanh quyền tác giả. Chúng tôi mua sản phẩm của chủ sở hữu hợp pháp và chúng tôi biết chúng tôi kinh doanh sản phẩm gì. Còn BH Media sẽ có nghĩa vụ công bố các vấn đề liên quan chỉ khi có yêu cầu phải công bố”.
“Khi chúng tôi làm việc thì luôn luôn có các hợp đồng, giấy phép liên quan đến các sản phẩm. Nếu các bản ghi có những vướng mắc về bản quyền giữa các ca sĩ, nghệ sĩ với nhà sản xuất thì họ phải tự làm việc với nhau. Đương nhiên, BH Media sẽ hỗ trợ tối đa trong việc làm việc lại với nhà sản xuất liên quan đến sản phẩm đó chứ BH Media không trốn tránh trách nhiệm hoặc có các hành vi vi phạm bản quyền ở đây” - đại diện truyền thông của BH Media, bà Lâm Oanh, cho hay.
Cần phải thỏa thuận lại phương thức khai thác bản ghi “Một ca khúc (đặc biệt là các ca khúc nổi tiếng) ngoài bản ghi đầu tiên có thể có nhiều bản ghi cover xuất hiện sau. Theo quy định của pháp luật, tất cả các bản ghi này sẽ hợp pháp nếu khi thực hiện bản ghi, chủ sở hữu bản ghi được sự đồng ý của tác giả và/hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng khai thác online, sẽ mở ra cơ hội cho các bản ghi được tiếp cận gần hơn với công chúng. Về nguyên tắc, khi chấp thuận cho các ca sĩ thực hiện bản ghi với các ca khúc thuộc quyền sở hữu của mình, chủ sở hữu ca khúc đồng thời phải xác định rõ chủ sở hữu bản ghi sẽ được phát hành ca khúc ở đâu, trên nền tảng nào, trong vùng lãnh thổ nào, trong thời hạn bao lâu để hạn chế thấp nhất các xung đột xảy ra. Tuy nhiên, ở Việt Nam các chủ sở hữu ca khúc - mà phần lớn chính là các tác giả ca khúc - chưa hình thành thói quen này nên xảy ra xung đột. Cũng có thể xảy ra trường hợp, tại thời điểm chủ sở hữu ca khúc đồng ý cho đơn vị ghi âm phát hành bản ghi thì khoa học công nghệ chưa phát triển, chỉ xác định được duy nhất một hình thức phát hành là phát hành bản ghi vật lý. Cho nên, tại thời điểm này, khi mà có thể phát hành online, để khai thác hợp pháp, các chủ sở hữu bản ghi nên thỏa thuận và xác nhận lại với chủ sở hữu các ca khúc để hạn chế thấp nhất những vụ việc như của nhạc sĩ Giáng Son” – Luật sư Tám Trần (IPCom Vietnam). |
Ngân Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất