21/04/2019 07:58 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Rất nhiều nghệ sĩ lớn từng ghi âm Both Sides, Now (tạm dịch: Giờ đây, từ cả hai phía), từ Frank Sinatra tới Judy Collins. Bản thân Joni Mitchell hai lần hát nó trong hai album, đều được đặt tên dựa theo lời rất đẹp của ca khúc.
1. Mitchell đã viết Both Sides, Now vào tháng 3/1967 trong một khoảnh khắc thức tỉnh: “Tôi đang đọc Henderson, Ông hoàng mưa trên máy bay và ở đoạn đầu cuốn sách, Henderson ông hoàng mưa cũng ở trên máy bay. Ông đang trên đường tới châu Phi và ông nhìn xuống rồi thấy những đám mây. Tôi đặt sách xuống, nhìn ra ngoài cửa sổ, cũng thấy mây và lập tức bắt đầu viết ca khúc” - bà kể.
Thật ngạc nhiên là vào thời điểm đó, Mitchell mới 24 tuổi, còn rất trẻ, nhưng ca khúc mang lại cảm giác như một sự hồi tưởng sâu.
Ca khúc được viết ở giọng Fa thăng trưởng, cũng vốn là nơi các nghệ sĩ thể hiện cảm xúc phấn khích, siêu việt. Rất hợp lý với tâm trạng của một người trẻ khi bỗng nhận ra chân trời mới, được soi rọi, khám phá những cung bậc khác của cuộc sống và cả nhận thức về nỗi đau.
Rất tiếc, bà không phải là người ra đĩa ca khúc này đầu tiên. Đó là Judy Collins, trong album Wildflowers phát hành vẫn năm 1967, một phiên bản ngân nga pha chút kịch tính nhẹ. Cuối năm sau, cùng phiên bản này được ra đĩa đơn, đứng No.8 trong BXH Đĩa đơn pop của Mỹ và No.6 ở Canada. Thêm một năm nữa, nó giành giải Grammy cho Màn trình diễn folk hay nhất. Bản ghi cũng đứng No.3 trong khảo sát Dễ nghe của Billboard và là một trong những ca khúc nổi bật của Collins.
Mitchell không thích bản thu này, dù nó mang lại thành công cho chính sự nghiệp của bà.Tới lượt bà thể hiện, ca khúc đã mang một sắc thái khác hẳn trong chất giọng khàn chất chứa nỗi niềm.
Trong album năm 1969 Clouds (tạm dịch: Những đám mây), bà thu lại ca khúc với một tông điệu trầm tĩnh hơn nhưng cũng bừng nở cảm xúc hơn.Trên cả, hơn 30 năm sau, khi 57 tuổi - trạc tuổi nhân vật Henderson, bà một lần nữa hát lại nó cùng với một dàn nhạc đầy đủ. Sâu thẳm, xa vắng, có phần bí ẩn triết lý, đây rõ ràng là phiên bản, trên vô vàn bản thu khác, đẹp và đúng nhất của Both Sides, Now.
2. Hình ảnh đám mây từ hai phía xuất hiện hai lần trong cuốn tiểu thuyết Henderson, Ông hoàng mưa của tác giả đoạt giải Nobel Văn học năm 1976 Saul Bellow.
Lần đầu, như Mitchell chia sẻ, là ở đoạn đầu truyện lúc Henderson đi máy bay tới châu Phi. Ông viết: “Và tôi mơ tưởng với được xuống những đám mây, nhớ rằng hồi bé tôi đã mơ tưởng với được lên chúng, và một khi đã mơ mộng với đến những đám mây từ cả hai phía - điều mà không có thế hệ con người nào khác từng làm - người ta nên có khả năng chấp nhận cái chết của mình một cách rất dễ dàng”.
Lần thứ hai, gần cuối truyện, đó là sau khi Henderson đã trải qua những tháng ngày đau khổ nhưng lạ kỳ ở châu Phi và tiến bộ về mặt nhận thức. Ông viết cho vợ là Lily rằng: “Chúng ta là thế hệ thứ nhất được thấy những đám mây từ cả hai phía. Quả thực là một đặc ân! Trước hết, người ta ở dưới đất mơ tưởng ngược lên trời. Giờ đây, họ có thể từ trên trời mơ xuống, từ dưới đất mơ lên. Việc này chắc chắn làm thay đổi một điều gì đó, ở một nơi nào đó”.
Một cuốn sách với những triết lý lớn, bắt đầu từ một người đàn ông tuy đã luống tuổi nhưng luôn bức bí hiện sinh, luôn “tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn” mà không biết mình muốn gì rồi lao đi như xe mất lái tới chính con người này, ở một phiên bản “từ hai phía”, đau khổ nhưng thấu hiểu hơn.
Mitchell thừa nhận đây như thiền, “một ý tưởng quá lớn đến nỗi dường như tôi mới chỉ cào xước bề mặt của nó”. Bà gọi nó là một “sự rúng động”. Bà nhận ra rằng đã ngẩng đầu nhìn mây đủ lâu rồi và những ưu tư tuổi thơ đã đến lúc gạt sang một bên. “Có gì đó lao sầm xuống trái đất, leng keng với một chút e ngại và sợ hãi. Ngay sau đó, mọi thứ bắt đầu thay đổi”.
Tuy vậy, dù mới 24 tuổi, nhưng khi đó bà không hề non nớt. Bà từng thập tử nhất sinh khi bị bại liệt hồi nhỏ và trước đó hai năm, phải mang con sơ sinh vào nhà nuôi dưỡng do lỡ thành mẹ đơn thân khi mang bầu với một bạn học. Sau đó, bà lại kết hôn với đối tác âm nhạc mới, Chuck Mitchell, rồi lại tan rã vào ngay trước thời điểm viết Both Sides, Now.
Thế nên, lời ca mới có những suy tư đến thế, rằng đám mây có thể là những lâu đài kem ảo tưởng, nhưng cũng lại chính là thứ che lấp mặt trời, giáng xuống mưa và tuyết; thực chất ta chẳng hiểu gì về nó. Và rằng, “Giờ đây, tôi nhìn tình yêu từ cả hai phía/ Cho và nhận và bằng cách nào đó/ Tôi nhủ lòng rằng đó chỉ là ảo tưởng về tình yêu” và “Ừ, có cái mất đi nhưng có cái cái thu về, trong đời sống mỗi ngày”.
Một nhận thức đau đớn, nhưng như Nietzsche, không gì giúp tiến nhanh hơn là những đau khổ. Và trên đời, mọi thứ đều có nhiều mặt cần được nhìn để thấy được bản chất, dù tứa máu trong tim.
Nhạc sĩ “vĩ đại” với nhiều danh hiệu cao quý Joni Mitchell tên đầy đủ là Roberta Joan “Joni” Mitchell, sinh ngày 7/11/1943 tại Fort Macleod (Alberta, Canada), có mẹ là giáo viên còn cha là Trung úy của Không quân Hoàng gia. Tài năng và đam mê, tới nay, bà đã ra 19 album phòng thu, 2 album sống, 9 album tổng hợp và 33 đĩa đơn; đoạt nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý, trong đó có 9 giải Grammy và được ghi tên vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll năm 1997. Với chất nhạc từ dân gian, pop, rock và jazz, các ca khúc của Mitchell thường phản ánh quan niệm về xã hội và môi trường với cảm xúc lãng mạn, hỗn loạn, vỡ mộng và hân hoan. Rolling Stone gọi bà là “một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất” còn AllMusic ca ngợi: “Khi những xao động qua đi hết, Joni Mitchell sẽ vẫn đứng vững với tư cách nữ nghệ sĩ thu âm quan trọng và có ảnh hưởng nhất cuối thế kỷ 20”. Và Both Sides, Now là ca khúc lừng danh nhất của nữ nghệ sĩ xuất chúng này. |
Thư Vĩ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất