04/09/2018 16:02 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Sáng 3/9 nhiều người Hàn Quốc thức dậy với tin mừng khôn xiết khi nhóm nhạc K-pop BTS lần thứ 2 chiếm quán quân bảng xếp hạng Billboard 200 với album mới Love Yourself: Answer.
Đáng nói, BTS 2 lần chiếm quán quân trong bảng xếp hạng Billboard trong cùng một năm. Hồi tháng 5, BTS đã đạt kỳ tích này với album Love Yourself: Tear. Như vậy, BTS đã trở thành nhóm nhạc K-pop đầu tiên chiến thắng trên bảng xếp hạng âm nhạc chính của Mỹ.
BTS hiện không chỉ là một hiện tượng K-pop mà đã trở thành một "người chơi" quan trọng trong nền âm nhạc toàn cầu. Nhóm nhạc K-pop này đã viết lại lịch sử pop với 2 lần chiếm quán quân bảng xếp hạng Billboard 200, thành tích mà hiện mới chỉ có ban nhạc Anh One Direction đã đạt được cách đây vài năm.
Kỳ tích của BTS còn đáng kinh ngạc nữa khi các ca khúc của BTS chủ yếu được trình diễn bằng tiếng Hàn Quốc.
Nhiều người Hàn, không chỉ riêng fan, hy vọng sự nghiệp âm nhạc thành công của 7 chàng trai trẻ trong nhóm BTS có thể kéo dài ở mức có thể, trước khi mỗi thành viên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Đây cũng là nhiệm vụ bắt buộc của các nghệ sĩ giải trí và ngôi sao thể thao của Hàn Quốc. Thanh niên Hàn Quốc phải thực hiện nghĩa vụ trước năm 30 tuổi và nhiệm vụ này làm gián đoạn sự nghiệp của họ, kể cả khi đang trong thời hoàng kim.
Hồi tháng 7, tại một cuộc họp Quốc hội, ông Ha Tae Kyung thuộc Đảng Tương lai Bareun của Hàn Quốc đã nêu vấn đề về sự công bằng trong luật thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc hiện nay. Cụ thể, các ngôi sao thể thao và nghệ sĩ nhạc cổ điển được miễn nghĩa vụ nếu như họ đáp ứng được những tiêu chí nhất định, trong khi các nghệ sĩ pop lại không được miễn.
Ông Ha Tae Kyung cho rằng, luật hiện nay về việc miễn nghĩa vụ, được soạn thảo lần đầu tiên hồi năm 1973, không phản ứng đúng xã hội Hàn Quốc ngày nay.
Theo luật hiện hành, được cập nhật hồi tháng 1/2015, một vận động viên điền kinh giành được huy chương vàng, bạc hoặc đồng tại Thế vận hội và huy chương vàng tại Á vận hội sẽ được miễn nghĩa vụ.
Các nghệ sĩ tham gia các cuộc thi nhạc cổ điển hoặc khiêu vũ, trong đó có cuộc thi Piano Franz Liszt Quốc tế, cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Carl Nielsen, cuộc thi Ballet Quốc tế Helsinki và cuộc thi Khiêu vũ Quốc tế Seoul cũng được miễn nếu như đoạt giải.
Tính đến tháng 5 đã có 449 người được miễn nghĩa vụ quân sự vì có những đóng góp trong việc nâng cao hình ảnh quốc gia trên toàn cầu và làm phong phú các lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Nhưng đáng chú ý là nền nhạc pop đương đại và nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, như điện ảnh lại không có tên trong danh sách được miễn nghĩa vụ.
"Công chúng nói chung, bao gồm cả người trẻ, đang tự hỏi chiến thắng trên bảng xếp hạng Billboard khác gì so với chiến thắng tại các cuộc thi quốc tế khác? Chiến thắng trên bảng xếp hạng Billboard có khả năng tại nên giá trị lớn hơn nhưng trong danh sách miễn nghĩa vụ lại không đề cập đến văn hóa đại chúng.
Chẳng hạn, Psy đã lập kỷ lục là với video nhạc được truy cập nhiều nhất trên YouTube (với Gangnam Style). Đây là kỳ tích cực kỳ khó đạt được. Hiện Gangnam Style vẫn là ca khúc ăn khách bậc nhất và tạo ảnh hưởng lớn tới công chúng khắp thế giới.
Đương nhiên, tôi không đánh giá thấp các cuộc thi âm nhạc cổ điển quốc tế, song đây là những lĩnh vực rất đặc biêt. Nhiều lĩnh vực khác truyền cảm hứng cho công chúng hơn lại không có tên trong danh sách được miễn nghĩa vụ" – ông Ha Tae Kyung nói.
Ông Ha Tae Kyung đã kết thúc bài phát biểu của mình bằng việc nhấn mạnh cần thiết hiện đại hóa danh sách nhằm phản ánh tốt hơn thực tế trong xã hội đang thay đổi nhanh chóng.
Bài phát biểu của ông Ha Tae Kyung đã gây nên những bàn cãi sôi nổi trong công chúng.
"Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông Ha Tae Kyung. Đây là một trong những vấn đề nảy sinh từ nhiều bộ luật đã lỗi thời hiện không đồng bộ với cuộc sống ngày nay" – bà Lee Seung Hee, người làm việc tại một công ty lớn ở Seoul, nêu quan điểm. "Song vấn đề là làm thế nào để thiết lập các tiêu chí và tiêu chuẩn cho việc miễn nghĩa vụ quân sự mà bất cứ ai cũng có thể đồng tình".
Bà Lee Seung Hee nói thêm: "Nếu nâng cao hình ảnh quốc gia của Hàn Quốc là lý do chính để miễn nghĩa vụ quân sự thì lại là điều quá chủ quan. Nếu ta chấp nhận các nghệ sĩ chiến thắng tại bảng xếp hạng Billboard được miễn nghĩa vụ quân sự vậy thì ở các bảng xếp hạng âm nhạc khác thì như thế nào, chẳng hạn bảng xếp hạng của Anh hoặc Nhật Bản? Và còn các cuộc thi nhảy hip-hop thì sao? Các nghệ sĩ truyện tranh mạng hay các nhà sáng tạo YouTube nổi tiếng cũng thế nào?".
Công chúng cũng có những phản ứng khác nhau về việc các ngôi sao thể thao được miễn nghĩa vụ quân sự. Theo một cuộc thăm dò mới đây do công ty nghiên cứu Realmeter có trụ sở ở Seoul tiến hành, 47,6% trong số 500 người được hỏi đồng ý miễn nghĩa vụ quân sự cho các ngôi sao thể thao, trong khi có 43,9% không đồng ý và cho rằng đó là sự "ưu ái quá mức".
"Tôi nghĩ chúng ta không nên có luật miễn nghĩa vụ quân sự, bởi như vậy nhiều người sẽ nghĩ rằng việc miễn nghĩa vụ coi như một phần thưởng còn những ai phải tham gia phục vụ trong quân ngũ lại bị coi là hẩm hiu" - Lee Sung Kyu, một nhân viên văn phòng ngoài 30 tuổi, nói.
Choi Hwa-Soo (39 tuổi), một người kinh doanh quần áo ở Quảng Đông (Trung Quốc) trong 5 năm, cũng đồng tình: "Ai cũng nên tham gia nghĩa vụ quân sự. Quân đội không phải là nơi quy tụ những người bất tài, những người không có khả năng góp phần nâng cao danh tiếng của đất nước.
BTS không phát triển sự nghiệp ca hát vì đất nước mình. Tương tự, tôi đã gắng hết sức mình để kinh doanh quần áo thành công ở Trung Quốc cho chính bản thân, chứ không phải cho đất nước mình".
Hôm 3/9, cơ quan nhân lực quân đội cho biết họ sẽ xem xét bộ luật miễn nghĩa vụ quân sự hiện hành nhằm đảm bảo sự công bằng và minh bạc đồng thời giải quyết tình trạng thiếu hụt lính nghĩa vụ trong bối cảnh tỷ lệ sinh đẻ ở Hàn Quốc hiện đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử từ trước tới nay.
Tuấn Vĩ
Theo Yonhap
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất