25/01/2022 18:52 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Đĩa than Quê (với phần âm nhạc do Đức Trí phối khí) được Vũ Thắng Lợi dành nhiều tâm huyết thực hiện với tin tưởng rằng sản phẩm ít nhưng chất lượng thì sẽ được khán giả yêu mến và trân trọng. Đây cũng được coi là món quà Tết ý nghĩa mà ca sĩ gốc xứ Nghệ muốn dành tặng khán giả chào đón một mùa Xuân mới.
Nam ca sĩ chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về “đứa con tinh thần” mới của mình.
* Vì sao anh lại chọn chủ đề "Quê" cho sản phẩm mới lần này, và vì sao lại là nhạc sĩ Đức Trí?
- Thời gian qua, khi dịch Covid-19 hoành hành, chứng kiến những cuộc “di dân” trở về quê của hàng ngàn người lao động thành phố, tim tôi như thắt lại. Tôi hiểu và đồng cảm với họ, vì tôi cũng xuất thân từ một chàng traiquê nghèo để vươn lên.
Nhìn những hình ảnh vợ chồng, con cái vượt hàng ngàn cây số trong muôn vàn vất vả, khó khăn để về quê, tôi thực sự xúc động. Những hình ảnh ấy minh chứng một điều: Quê mãi mãi là mảnh đất bình yên, an toàn nhất của mỗi chúng ta và luôn bao dung, chào đón, che chở cho chúng ta. Và đó là lý do mà tôi chọn chủ đề Quê cho đĩa than này.
Có thể nhiều người thấy lạ khi thấy tên Vũ Thắng Lợi và Đức Trí đặt cạnh nhau trong một sản phẩm. Tôi thì đã có dịp làm việc với anh Đức Trí qua một số dự án và biết được, ngoài nhạc trẻ, anh rất đam mê và hiểu sâu sắc về nhạc dân tộc. Quê là tâm huyết của tôi và anh Đức Trí, hiện thực hóa mong muốn của tôi: Làm một sản phẩm có sự khác biệt nhất từ trước tới nay.
* Đĩa than hiện vẫn được cho là thú chơi tốn kém và kén người nghe. Vì sao anh chọn nó, thay vì phát hành online để tiếp cận số đông?
- Thị trường đĩa than hiện nay đã nở rộ. Có lẽ Vũ Thắng Lợi là ca sĩ nhạc đỏ tiên phong làm đĩa than, khá liều lĩnh nhưng tôi có sự tự tin khi hợp tác với anh Đức Trí và đơn vị sản xuất lần này bởi sản phẩm được làm chỉn chu, đạt chuẩn ở các khâu.
Quê được hòa âm theo cách tối giản nhất để tôn giọng hát của tôi chứ không phô trương, trưng trổ, khán giả có cảm giác như đang ngồi cạnh nghe ca sĩ hát. Toàn bộ quá trình thu âm được tiến hành live cùng với ban nhạc. Tất cả mọi người phải cùng tập trung và thực hiện từ đầu tới cuối, nếu có lỗi thì sẽ thu lại. Đó là cách làm rất hay của anh Đức Trí và người nghệ sĩ cũng phải cực kỳ bản lĩnh thì mới làm được để cho ra những cảm xúc chân thực nhất.
Tôi vẫn nói đùa đĩa than giống như một di sản để đời, bởi khi cầm đĩa than lúc nào người ta cũng có sự nâng niu, trân trọng nhất định. Cái gì ít thì tôi tin là nó sẽ tinh hơn nhiều, sản phẩm ít mà giá trị thì sẽ được nâng niu.
* Anh gửi gắm điều gì trong sản phẩm mới này?
- Trên thế giới xu thế nghe đĩa than cũng đang dần quay trở lại. Ở Việt Nam, các dòng nhạc khác đã có một vài đĩa than. Dù kén người nghe, nhưng tôi nghĩ phải có những sản phẩm, những luồng gió mới cho đĩa than, không chỉ để tôn vinh các giá trị văn hóa mà còn thể hiện được tâm huyết của các nhạc sĩ viết nên bài hát.
Qua đó tôi cũng muốn nâng tầm và thể hiện sự trân trọng cho dòng nhạc của mình, khẳng định vị thế và giá trị cốt lõi của nhạc cách mạng. Tôi tin những sản phẩm mình đang làm hiện giờ cũng là để cho tương lai. Và tin chắc rằng sau này nghe lại mình cũng không thấy hổ thẹn.
* Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động biểu diễn trầm lắng. Vũ Thắng Lợi vẫn ra mắt sản phẩm đều đặn, sau “Khát vọng” lại đến “Quê”. Đó là do anh không bị ảnh hưởng nhiều về kinh tế hay anh có cách nào đó để vượt qua?
- Tôi không dư giả, giống như những ca sĩ thính phòng khác. Tôi cũng gặp những khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng tôi nghĩ sản phẩm là bộ mặt, là tiếng nói của mình, nên dù khó khăn tôi vẫn phải làm chỉn chu các sản phẩm dù lớn hay nhỏ. Mọi thứ còn lại để khán giả đánh giá.
Tất nhiên, cuộc chơi nào cũng tốn kém. Vì muốn thể hiện sự trân trọng, nâng niu dòng nhạc mình theo đuổi, tôi không ngại ngần đầu tư cho sản phẩm. Tôi vẫn hài hước nói với bạn bè: “Đầu tư hết tiền vào sản phẩm rồi, Tết này tôi chỉ ăn ngô khoai và nghe đĩa thôi”.
* Bà xã anh thì sao, chị có ý kiến gì khi anh tham gia cuộc chơi “mạo hiểm” này?
- Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc của tôi. Chúng tôi khá tâm đầu ý hợp, bà xã luôn tin tưởng, ủng hộ, quan trọng tôi làm sản phẩm tốt nhất là được.
* Trong âm nhạc, anh là người chỉn chu, cầu toàn, chịu chơi. Còn ở cuộc sống đời thường, Vũ Thắng Lợi là người như thế nào, có khó tính, nguyên tắc?
- Tôi cũng không khó tính, nguyên tắc lắm đâu, nghệ sĩ mà. Mọi người bảo mình sống như nào thì hát như thế đó, tôi sống đơn giản, gần gũi.
* Dự định và mong ước của anh trong năm mới là gì?
- Nếu dịch lắng xuống thì có thể tôi sẽ làm liveshow đang ấp ủ. Gần hơn sẽ là đĩa than mới về Hà Nội, do tôi hợp tác cùng nhạc sĩ Hồng Kiên. Dịp này, cùng với đĩa than Quê, tôi cũng tái bản Tình ca in đĩa than. Đĩa này tôi hợp tác với anh Hồng Kiên, thu từ năm 2013 nhưng tôi tự tin vì được giới chuyên môn đánh giá cao về sự chỉn chu, phối khí, âm thanh… Giọng hát có thể non nớt nhưng anh Hồng Kiên bảo có sự hồn nhiên.
Tôi thấy mình cực kỳ may mắn khi có những người anh rất tâm huyết, phải nói thật là nếu vì tiền thì tôi không thể có được những sản phẩm như thế này.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Ca sĩ Phạm Phương Thảo: “Quê” đọng lại trong tôi hai từ “cảm xúc” “Nghe Vũ Thắng Lợi hát, tôi thấy có chút ghen tỵ và nể phục khi em là người tiên phong làm đĩa than ở dòng nhạc này. Vũ Thắng Lợi có giọng hát đẹp, văn minh nhưng vẫn rất… quê. Kỹ thuật thanh nhạc đưa vào hát dân gian phải nhuần nhuyễn, nhuần nhuyễn đến mức người nghe cảm nhận được sự ngọt ngào, cảm xúc, rất mới, rất thú vị mà vẫn rất tình. Với tư cách là khán giả, hai từ đọng lại trong tôi khi nghe Quê, đó là cảm xúc”. Nhạc sĩ Đức Trí: “Lúc trẻ tôi chỉ quan tâm tới âm nhạc…” “Trong đĩa, chúng tôi chủ đích chọn nhiều ca khúc ở vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, bởi rất lâu rồi mới có giọng hát phát âm vừa phải, hay và cách hát đặc biệt như Vũ Thắng Lợi. Sau đó, cuộc đi dần xa hơn, ra Bắc, vào Nam và kết lại là Về với quê. Tôi đặt ca khúc mới của mình ở cuối đĩa là với ý nghĩa trở về. Lúc trẻ tôi chỉ quan tâm tới âm nhạc, không gì khác, nghĩa là phải làm sao phối ca khúc cho thật kinh khủng, khiếp vía, càng làm phức tạp càng hay. Sau 30 tuổi, tôi dành thời gian đi sâu vào nhiều hơn về văn hóa, tư duy. Chúng tôi chọn cách thu là tập trước, có rất nhiều bản thu thử nhưng lại đặt vào trong đĩa thật, bởi có những bản Lợi cố hát tròn vành rõ chữ nhưng lại mất đi hồn vía. Có nhiều bài hát giữa chừng Lợi phải ngừng lại, nước mắt giàn giụa, ngay cả bài Về với quê cũng vậy”. |
Tiểu Phong (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất