Chuyện những người dịch và lồng tiếng phim nước ngoài

22/07/2015 12:13 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Dịch giả Nguyễn Lệ Chi vừa tham dự Hội thảo quốc tế về dịch thuật phim truyện, phim truyền hình và lồng tiếng trong phim. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 18 (13-21/6/2015).

Hội thảo có sự tham dự với đại diện của các dịch giả, nhà sản xuất phim, hãng phim của hơn 30 nước tham dự, như: Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc, Indonesia, Pháp, Đức... Nội dung hội thảo xoay quanh những kinh nghiệm, khó khăn trong vấn đề dịch thuật phim truyện và phim truyền hình ở từng nước. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi là người Việt duy nhất tham dự hội thảo này.

* Vấn đề được quan tâm tại hội nghị về dịch phim này là gì, thưa chị?

- Hội thảo quan tâm nhất tới vấn đề làm sao dịch phim ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn chuyển tải hết được thần thái ý tứ của văn bản gốc. Đặc biệt khi làm phụ đề phim hoặc lồng tiếng phim thì lại có những yêu cầu riêng về mặt kỹ thuật đối với người dịch phim. Nhìn chung vấn đề dịch thuật phim rất được coi trọng ở nhiều nước và người ta cảm nhận được cái hay của bộ phim còn qua cả lời thoại được dịch, câu lồng tiếng được đọc, chứ không chỉ đơn thuần là dịch hiểu đủ ý.


Không chỉ dịch phim, những dịch giả như Nguyễn Lệ Chi còn góp phần đưa phim Việt Nam như Đời cát ra nước ngoài

Một câu thoại khi lồng tiếng phim phải tuân thủ đúng nguyên tắc số âm cần có. Ví dụ nguyên gốc 1 dòng thoại 5 từ, phải dịch sao ra tiếng mẹ đẻ đúng 5 từ, không thừa không thiếu nhưng phải đảm bảo đủ ý và thể hiện xuất sắc nhất, phù hợp nhất tâm tư tình cảm, tính cách nhân vật cần có. Câu chữ cũng phải được lựa chọn để khi đọc lên khớp được khẩu hình trên màn ảnh… Khi bắn chữ phụ đề, phải chú ý, dịch sao cho không quá bao nhiêu từ quy định trong 1 dòng. Nếu không người xem sẽ không theo kịp, mải chú ý theo dõi từ mà quên thưởng thức bộ phim. Nhưng cũng không được lược tối giản từ khiến mất đi ý nghĩa vốn có của lời thoại đó.

* Vai trò của dịch giả phim như thế nào để một bộ phim được lan tỏa?

- Nếu dịch giả thực hiện được nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu trên, sẽ có vai trò như một chiếc cầu nối, thổi hồn vào bộ phim để đưa chúng dễ dàng đến với người xem hơn. Một câu thoại được dịch đắt giá sẽ khiến người xem thấy lắng đọng mãi và ngược lại, sẽ khiến người xem phải phá lên cười vì những câu dịch ngô nghê, không hết ý.


Dịch giả Nguyễn Lệ Chi phát biểu tại Hội thảo quốc tế về dịch thuật phim truyện, phim truyền hình và lồng tiếng trong phim tại Thượng Hải 2015.

* Chị đánh giá thế nào về lực lượng dịch giả phim hiện nay tại nước ta. Xem ra nghề dịch phim khá thầm lặng so với dịch sách?

- So với các dịch giả dịch sách, các dịch giả dịch phim càng ít ỏi và không mấy được chú ý quan tâm, mặc dù số lượng người tham gia dịch phim cũng rất nhiều. Cứ nhìn số lượng phim truyền hình phát sóng hàng tuần và số phim nước ngoài công chiếu ở rạp hàng tuần là đủ rõ. Họ gần như được coi là các ong thợ cần cù, làm việc liên tục nhưng mãi không bao giờ mơ có ngày được hưởng mật ngọt. Thậm chí khái niệm dịch giả dịch phim có lẽ từ trước tới giờ báo chí và xã hội cũng không mấy ai chú ý hoặc chú trọng giới thiệu. Lớp dịch giả dịch phim có thể nói đang làm việc rất thầm lặng, siêng năng, nhưng chưa có được một vị trí xã hội xứng đáng, chưa bao giờ được xưng danh và tôn vinh. Đó là một sự thua thiệt rất rõ.

* Thù lao dịch một tập hay bộ phim có đủ để dịch giả phim yên tâm hành nghề hay không?

- Hiện tại thù lao dịch phim khá thấp, chưa kể tiền luôn đến sau khá lâu sau khi phim được phát sóng hoặc công chiếu. Vì vậy những người tham gia dịch phim phần lớn là làm thêm, họ vốn đã có công ăn việc làm ổn định, nhận dịch thêm vì yêu thích phim ảnh, không muốn quên nghề, chứ khó có thể sống được bằng nghề.

Nguyễn Lệ Chi có hơn 17 năm kinh nghiệm dịch thuật phim, như: Không thể thiếu một em, Bố mẹ tôi, Thời gian hạnh phúc (Trương Nghệ Mưu), Xích Bích (Ngô Vũ Sâm), Hoắc Nguyên Giáp … và hàng trăm tập phim truyền hình của Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) như: Lã Bất Vi, Nữ cảnh sát, Chị Phù Dung, Khách sạn năm sao, Bạn tốt, Hạnh phúc nhất định thắng…

Chị còn tham gia nhiều hoạt động hậu trường phim ảnh như: môi giới mua bán bản quyền phim Việt ra nước ngoài (đã bán phim truyện Đời Cát cho kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV6, đây cũng là phim Việt Nam đầu tiên được truyền hình Trung Quốc mua phát sóng), tham gia tuyển chọn phim Việt Nam đi dự Liên hoan phim Quốc tế Gwangju tại Hàn Quốc…

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm