09/02/2019 11:00 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Ngô Hồng Quang vừa trải qua một năm 2018 hết sức bận rộn và gặt hái nhiều thành công với lịch biểu diễn dày đặc khắp châu Âu, châu Á, Mỹ và có tới 6 lần về Việt Nam. Những tiết mục biểu diễn của anh đều mang những yếu tố của âm nhạc dân gian, cổ truyền Việt Nam như một khát vọng muốn đem âm nhạc Việt Nam đến với đông đảo khán giả ngoài biên giới hình chữ S…
Âm nhạc mà Quang mang tới các nước luôn đậm chất Việt. Show diễn mang tên Hanoi Duo là tổng hòa của nhiều thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc dân tộc của đồng bào Mông.
Show diễn quan họ với ngũ tấu dây là giới thiệu quan họ và kết nối với âm nhạc phương Tây qua ngũ tấu đàn dây. Ngoài ra, còn có show trình diễn những tác phẩm mới của Ngô Hồng Quang sáng tác dựa trên âm hưởng Việt Nam như then, ca trù, xẩm... những show này Quang thường solo hoặc kết hợp với nghệ sĩ quốc tế như Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Senegal.
Rất yêu Việt Nam
Gặp Quang một buổi tối trời Hà Nội lạnh nhưng ấm áp bởi không khí Giáng sinh và đón chào năm mới, tôi hỏi Quang có bí quyết nào để đi nhiều thế mà vẫn ngập tràn năng lượng? Thì ra, bí quyết của Quang không gì xa xôi, được trở về Việt Nam, được nói tiếng Việt, ăn cơm Việt, được đi đó đi đây gặp người này người kia… mỗi lần như vậy trong người lại như được tiếp thêm năng lượng.
Mà năm vừa qua Quang có tới 6 lần trở về, nhiều nhất kể từ khi Quang sinh sống, học tập và làm việc tại châu Âu. Nhìn lại công việc sau một năm, chính Quang cũng thấy vui và không ngờ lại làm được nhiều đến vậy. Hàng tháng đi trình diễn từ 3 đến 4 nước, tham gia trình diễn hàng chục show diễn riêng hoặc chung với các nghệ sĩ nước ngoài, cộng với hai album đã phát hành và một album với 11 tác phẩm đã xong tất cả, dự kiến phát hành năm 2019.
Quang bảo, Quang rất yêu Việt Nam, yêu đến mãnh liệt và yêu theo cách riêng. Tình yêu ấy có được kể từ khi Quang sinh sống ở nước ngoài. Theo Quang, ở nước ngoài nhìn về Việt Nam mới nhận thấy mọi thứ đều tuyệt vời. Góc nhìn của Quang vào âm nhạc Việt Nam giống như một người nước ngoài nhìn vào, thường là sẽ rất tò mò.
“Mình cũng có cái sự tò mò đấy, mặc dù mình đã biết và đã học rồi. Mình dùng sự tò mò đấy để đi sâu hơn, tìm hiểu về cốt lõi và nguồn gốc của âm nhạc Việt Nam. Từ đó mình đưa ra hai vấn đề, thứ nhất là nhận xét và nhìn nhận về âm nhạc Việt Nam, thứ hai là phải làm gì với nó để có thể đưa ra với công chúng thế giới?”, Quang chia sẻ.
Tự tạo lối đi riêng
Âm nhạc của Ngô Hồng Quang luôn ngập tràn âm sắc Việt Nam. Để có chất liệu để sáng tạo Quang đã phải dày công nghiên cứu, trao đổi với các nhà chuyên môn, tranh thủ những chuyến trở về gặp các nghệ nhân…
Nhưng cách khai thác của Quang rất khác. Chẳng hạn như album Nam nhi là những làn điệu dân ca quan họ lời cổ thể hiện theo lối acoustic mang hơi hướng đương đại. Bênh cạnh đó, Quang cũng thường xuyên khai thác các nhạc cụ thế giới để sáng tạo. Chẳng hạn album chưa phát hành là một sản phẩm solo của Quang: Vừa hát và chơi các nhạc cụ dân tộc kết hợp với nhạc cụ santur đặc trưng của Iran và bộ gõ truyền thống của Senegal (châu Phi).
Hỏi Quang khi kết hợp giữa âm nhạc nước mình với nhạc cụ các nước khác liệu có hòa hợp? Quang khẳng định: “Về âm sắc rất khác nhưng cuối cùng thì âm nhạc là thứ ngôn ngữ chung của thế giới nên mọi người kết nối được ngay. Vấn đề ở chỗ chọn âm sắc gì của thế giới cho hợp nhạc cụ gì của mình”.
Quang lấy ví dụ khi hòa âm phối khí bài Ru con Nam bộ cho đàn bầu với santur. Santur giống đàn tam thập lục nhưng bé hơn, không tương đồng nhưng biến thành tương đồng. Âm nhạc của mình có những nốt non một chút, thì Quang nói với nghệ sĩ santur chỉnh lại cho cao độ của đàn xuống hơi non một chút…
Hỏi thêm Quang về bộ gõ châu Phi, ngoài tiết tấu có khai thác màu sắc âm nhạc vào không? “Phải khai thác thì nó mới có sự kết nối với nhau”, Quang giải thích. Có bài Quang sáng tác theo nhịp lẻ 5/8 hay 7/8 thay vì chỉ nhịp chẵn 2/4, 4/4 để cho các nhạc cụ gõ châu Phi chơi.
Vậy thì trước khi chọn và sáng tạo, Quang phải nghiên cứu kỹ tính năng mỗi nhạc cụ? “Phải nghiên cứu cách chơi, nhịp điệu và làm sao để nó hòa hợp được với âm nhạc Việt Nam. Nhưng âm nhạc Việt Nam ở đây không phải những bài cũ nữa mà là những bài mới do Quang sáng tác, chất Việt Nam rất là mạnh, bất kỳ nốt nhạc nào vang lên cũng là Việt Nam”, Quang khẳng định.
Trở về ư?
Trong câu chuyện, hơn một lần Quang nhắc tới việc trở về một cách say sưa. Và ngày đó không xa, chỉ khoảng 2 - 3 năm nữa. Quang bảo đã đi khá lâu rồi, đã đến khoảng 50 nước, cũng đã tích cóp được những kinh nghiệm và giờ muốn trở về sử dụng kiến thức, tư duy thu thập được ở nước ngoài chia sẻ thêm với mọi người.
Và nữa, Quang muốn góp phần thay đổi nhìn nhận của giới trẻ trong nước về âm nhạc truyền thống của nước nhà. “Đó là công việc rất cần thiết hiện nay”, Quang khẳng định.
Ý định trở về cũng có phần thực dụng bởi theo Quang, Việt Nam là quê hương thì không còn cảm giác buồn tủi, cô đơn, thậm chí cô độc như ở châu Âu nữa.
Ừ thì đành rằng, đó là những điều rất tốt đẹp nhưng tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ như trong lời nói trước khi chia tay Quang: Nghệ sĩ quốc tế người Việt chúng ta rất ít, cũng không phải dễ dàng để có được. Nhiều năm trước đây, ở trong nước vẫn dõi theo những hoạt động của cố GS Trần Văn Khê, cố nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, NSND Đặng Thái Sơn, GS Nguyễn Thuyết Phong, GS Trần Quang Hải... Họ chính là sự nối dài và lan tỏa văn hóa Việt Nam với thế giới. Nhưng thực sự, mỗi thế hệ xuất hiện một đôi người cũng là may mắn. Quang lại là người trẻ và đang trong giai đoạn thăng hoa của sự nghiệp. Nên vì thế, đừng vội trở về nhé, Ngô Hồng Quang!
Vài nét về Ngô Hồng Quang Ngô Hồng Quang, quê quán Hải Dương, hiện nay anh được xem là một nghệ sĩ quốc tế. Năm 1994 theo học đàn nhị tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2006 sau khi tốt nghiệp được giữ lại làm giảng viên tại đây. Năm 2010 anh du học lần 1 tại Nhạc viện Amstedam (Hà Lan). Năm 2014 du học lần 2 tại Nhạc viện Hoàng gia Den Haag (Hà Lan). Năm 2016 tốt nghiệp Thạc sĩ sáng tác tại đây. Lần đầu tiên Ngô Hồng Quang đi diễn quốc tế năm 2007, chính thức trở thành một nghệ sĩ quốc tế từ năm 2010. Cho đến nay, Quang đã đi trên 40 nước để trình diễn âm nhạc. Trong đó có: Mỹ, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Tiệp Khắc, Azerbaijan, Romania, Thụy Sĩ... |
Nguyễn Quang Long (Nhà lý luận âm nhạc)
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất