19/01/2021 19:59 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Năm 2020, nền K-pop phải chứng kiến sự ra đi trong bi kịch của một số ngôi sao K-pop nổi tiếng do chứng trầm cảm nặng. Và chắc chắn, bước sang năm 2021, đây sẽ là vấn đề còn dai dẳng tồn tại trong một ngành công nghiệp giải trí đầy sức ép.
Gần nhất, thành viên Aron của Nu’est phải tạm nghỉ hoạt động sau khi trải qua các triệu chứng trầm cảm vào ngày 2/1, ngay sau khi nhóm biểu diễn tại buổi hòa nhạc New Year’s Eve của công ty quản lý Big Hit Entertainment.
Vấn đề không chỉ riêng của K-pop
2 ngày sau, có thông tin tiết lộ rằng nhóm nhạc nam SuperM hợp tác với công ty bảo hiểm Prudential để xúc tiến chiến dịch toàn châu Á mang tên We Do Well Together. Mục đích của dự án này là “khuyến khích mọi người ở khắp châu Á sống khỏe mạnh và vui vẻ khi làm việc” thông qua một loạt các sự kiện.
Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Stephanie Choi nói với tờ Post rằng “corona blues” (cảm giác trầm cảm do Covid-19) đã “khơi mào” cuộc đối thoại ngày càng tăng trong xã hội Hàn Quốc về các vấn đề sức khỏe tâm thần.
“Tôi nghĩ đã đến lúc để một tập đoàn lớn như SuperM nói về vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần với người hâm mộ trên toàn thế giới. Và dự án của họ phải liên quan đến các nghệ sĩ K-pop” - Stephanie Choi nói.
Stephanie Choi tin rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần ở những người trẻ tuổi không phải là chuyện của riêng nền K-pop mà là vấn đề của cả xã hội Hàn Quốc. Thực tế, các công ty giải trí, những người nổi tiếng và fan hâm mộ xứ kim chi ngày càng lên tiếng nhiều hơn về sự cần thiết của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, cũng như giảm kỳ thị đối với chứng trầm cảm trong những năm gần đây.
“Các công ty chắc chắn đã hiểu được rằng họ phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của nghệ sĩ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng các vụ này là một vấn đề của riêng K-pop ở Hàn Quốc” - Stephanie Choi nhận định. “Chúng ta phải chú ý cả tới những sức ép từ vấn đề quấy rối trên mạng, truyền bá nội dung khiêu dâm và lạm dụng hẹn hò mà nhiều phụ nữ Hàn Quốc cũng phải đối mặt hàng ngày”.
Các ngôi sao lên tiếng
Vài năm trở lại đây, các ngôi sao K-pop đang ngày càng quan tâm tới các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Điển hình, Jae Park của ban nhạc K-pop-rock Day6 đã quyên góp 100.000 USD thông qua sự hợp tác với The Jed Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc hỗ trợ thanh niên Mỹ thoát khỏi chứng trầm cảm.Tương tự, đó là sự hợp tác của SuperM và BTS với UNICEF cho chiến dịch chống bạo lực mang tên Love Myself hồi năm 2017
Theo Stephanie Choi: “Chúng ta mong muốn công bằng xã hội và hòa bình, trong đó các vấn đề sức khỏe tâm thần là một vấn đề quan trọng. Có rất nhiều trường hợp các nghệ sĩ đã giúp công chúng nâng cao nhận thức về xã hội”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Esquire hồi năm 2020, Suga của BTS, thần tượng của hàng triệu người hâm mộ, đã nói về vấn đề này. Như lời anh, vấn đề sức khỏe tinh thần cần được quan tâm như các vấn đề về sức khỏe thể chất.
“Tình trạng tâm lý của mọi người thay đổi từng ngày. Có những lúc bạn ở trong tình trạng tốt nhưng có những lúc lại không được như vậy. Tôi nghĩ, các bạn có thể tự biết được sức khỏe thể chất của mình như thế nào. Điều đó cũng đúng với sức khỏe về tinh thần” - Suga nói. “Nhiều người vẫn giả vờ ổn, nói rằng họ không “yếu”. Họ cho rằng nếu nói về chứng trầm cảm của mình, người khác sẽ coi thường sự yếu đuối của họ. Tôi nghĩ làm như vậy không đúng. Xã hội cần hiểu biết, và chúng ta không nên nói rằng một người nào đó là yếu ớt, khi tình trạng thể chất và tinh thần của họ không tốt”.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần của thần tượng
Như phân tích của Stepannie Choi, nền K-pop đã nhận ra những yếu tố gây căng thẳng cho các ngôi sao nhưng sự thay đổi đang diễn ra chậm chạp. Những thông báo công khai về việc ngôi sao thần tượng nào đó buộc phải nghỉ ngơi một thời gian do mắc trầm cảm là một bước đi đúng hướng cho thế giới K-pop.
“K-pop là một ngành kinh doanh đầy rủi ro. Thị trường đã bão hòa với hàng trăm nhóm nhạc thần tượng. Và nhóm nhạc nào cũng phải đối mặt với sức ép từ một hợp đồng kéo dài 7 năm. Họ là nghệ sĩ nhưng cũng là những người lao động đầy xúc cảm” - Stepannie Choi nói. “Kiếm tiền không có gì sai, chúng ta đều làm để kiếm sống. Nhưng đồng thời, các công ty cần thoải mái và thẳng thắn hơn để nói với người hâm mộ rằng một số ngôi sao đang cảm thấy không ổn và họ phải được nghỉ ngơi”.
Ca sĩ kiêm rapper Aron (Aaron Kwak) là một trong số những ngôi sao K-pop nổi tiếng đã phải tạm dừng sự nghiệp để tập trung điều trị chứng trầm cảm của mình trong vài năm qua. Những người khác, chẳng hạn như Mina của nhóm nhạc nữ Twice và nghệ sĩ solo Kang Daniel, cũng đã công khai về việc cần phải nghỉ ngơi.
Stepannie Choi nói: “Người hâm mộ mong muốn được thường xuyên kết nối với thần tượng của mình, tích cực can thiệp vào các quyết định của công ty và bày tỏ ý kiến về những nhận xét, hành vi, thói quen, lối sống và thậm chí cả những mối quan hệ riêng tư của thần tượng”.
“Một thời gian gián đoạn chính thức không chỉ có nghĩa là các thần tượng có thể vắng mặt trong các sự kiện. Nó cần phải mang cả thông điệp khác: Họ không cần phải duy trì sự liên lạc thường xuyên với người hâm mộ và tạm thời giải phóng bản thân khỏi những lao động cảm xúc hàng ngày. Có nghĩa, không chỉ công ty mà cả người hâm mộ đều phải thừa nhận cường độ lao động của các ngôi sao là quá nặng và sẵn sàng chờ đợi cho đến khi thần tượng của họ trở lại” - Stepannie Choi khẳng định.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất