Nhạc sĩ Phương Uyên: Tôi đã muốn ra đi

05/04/2015 14:45 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Khi The Voice đang rục rịch khai cuộc, bên cạnh thông tin Mỹ Tâm vào ghế huấn luyện viên thì còn một thông tin khác gây chú ý không kém: Nhạc sĩ Phương Uyên sẽ không còn là giám đốc âm nhạc của cuộc thi này. Tìm Phương Uyên không khó nhưng để chị chấp nhận nói về mình, về những gì đã qua và nhiều việc đang diễn ra thì cần nhiều công thuyết phục.

Giữa cơ ngơi mới, căn biệt thự màu trắng decor đơn giản để thực hiện chức năng của một trung tâm đào tạo ca sĩ, nữ nhạc sĩ từng là linh hồn của ban nhạc 3 Con Mèo đình đám năm nào khiêm nhường và trầm lặng nhìn lên bức tường vẽ chân dung ông hoàng nhạc pop Michael Jackson. “Mỗi khi thất bại hay muốn gục ngã, tôi lại xem ông ấy biểu diễn, ông ấy là người đã truyền cảm hứng cho tôi”.

* Người ta nói chị phải rời khỏi vị trí Giám đốc âm nhạc The Voice do áp lực của Mỹ Tâm, do những xích mích với Cát Tiên Sa. Còn chị, chị nói gì về lý do chị không còn làm việc ở công ty này, nơi đã ứng trước cả năm tiền lương để chị có thể thêm vào mua một căn hộ?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ Mỹ Tâm làm áp lực vì tính Tâm rất đàn ông, vả lại chúng tôi vẫn là bạn tốt lâu năm, có chăng là những người cố tạo ra thông tin đó mà thôi. Phần Công ty Cát Tiên Sa, thật sự họ chưa bao giờ muốn tôi rời hẳn, lý do chính tôi rời khỏi đó là vì đã từ lâu tôi dạy nhạc, đào tạo ca sĩ nhưng đến thời điểm này, lần đầu tiên tôi muốn mở hẳn một ngôi trường để làm công việc này. Tôi không thể vừa mở trường đào tạo ca sĩ vừa làm giám đốc âm nhạc cho các cuộc thi dành cho họ, như vậy sẽ thiếu khách quan và rất khó xử. Giữa hai công việc tôi buộc phải chọn một. Tôi đã chọn công việc có thể mang lại cho tôi sự chủ động hoàn toàn mà không bị phụ thuộc vào bất cứ ai.

* Nói như vậy là với công việc giám đốc âm nhạc, chị đã không thực sự được làm “giám đốc”?

- Những mùa The Voice đầu tiên, tôi đã được làm mọi thứ mình muốn, đó là để ca sĩ thỏa sức hát những dòng nhạc mà họ thích chứ không bó buộc họ lại một dòng nhạc, một kiểu hát “khoe giọng” như thường thấy ở các cuộc thi khác. Bạn có biết không, Đinh Hương (ca sĩ Đinh Hương - á quân The Voice mùa đầu tiên) hát hay và cá tính như vậy nhưng cô ấy từng nói với tôi “Em đi thi hát rất nhiều cuộc nhưng toàn bị rớt từ vòng gửi xe”. Sở dĩ tôi nhận lời làm việc ở The Voice nói riêng và ở Cát Tiên Sa nói chung vì họ chấp nhận điều kiện tôi được tuyển sinh theo cách của tôi chứ không như cách mà mọi người thường làm.

* Khách quan mà nói thì The Voice mùa đầu tiên đã thể hiện được điều chị vừa nói, các thí sinh thỏa sức thể hiện mình ở những dòng nhạc họ thích với những cách hát văn minh, hiện đại rất gần với âm nhạc đại chúng thế giới. Nhưng scandal cũng đã nổ ra ngay trong mùa này và gây chấn động showbiz Việt lúc đó. Ở thời điểm này, khi chị đã rời khỏi The Voice, rời khỏi Cát Tiên Sa, chị có thể nói lại chuyện khi đó không?

- Mọi thứ đã qua rồi tôi không muốn nhắc lại nữa. Bây giờ tôi luôn dạy học trò của mình sống phải có tâm. Làm nghề gì cũng phải có tâm bạn ạ. Bởi có những nghề nếu người làm không có tâm thì có thể muốn giết ai, người đó sẽ chết. Tôi không trách ai vì nghề nghiệp của họ có đặc thù riêng, không người này thì người kia, không báo này thì báo khác cũng sẽ làm việc đó. Lúc ấy, tôi đã nghĩ đến cái chết. Tôi nghĩ rằng nếu mình ra đi thì mọi người sẽ hối hận vì họ đã dồn tôi đến chân tường. Bạn bè, người thân xung quanh đã giúp tôi bình tâm lại. Họ nói rằng nếu tôi chết, chỉ vài người hối hận thôi nhưng gia đình, người thân của tôi sẽ đau khổ suốt đời. Tôi đã cố gắng vượt qua với tâm niệm mình đã không làm gì hổ thẹn với lương tâm của mình.

* Còn Thiều Bảo Trang, cô ấy đã phải dừng lại giữa chừng cuộc thi trong khi khả năng của cô ấy cũng không thua kém những người còn ở lại. Và bây giờ, sau vài năm gắn bó với nhà sản xuất là chị, sự nghiệp của Trang cũng không sáng lên mấy. Chị nói gì về điều này?

- Rất thiệt thòi cho Trang. Cô ấy là một tài năng nhưng mọi sự cố gắng của cô mọi người đều không chịu nhìn nhận và luôn cho là nhờ có tôi. Vì vậy, chúng tôi đã nhìn nhận thẳng thắn vấn đề và đi đến quyết định tìm người khác sản xuất, quản lý cho Trang. Để cô ấy tách hẳn ra khỏi sự ảnh hưởng của tôi. Như thế sẽ tốt hơn cho cô ấy.

* Liên quan đến điều này, chị nhận định thế nào về cách xây dựng hình ảnh cho ca sĩ ở thời bây giờ?

- Việc này đã khác trước rất nhiều. Nhân duyên giữa ca sĩ và nhà sản xuất thời bây giờ thành hay bại chưa chắc đã do đường hướng mà vì nhiều lý do lắm. Thời buổi này ca sĩ không còn bán được đĩa như trước đây, người ta nghe nhạc online hết nên có cảm giác mình như ảo. Tuy nhiên để chứng minh mình còn tồn tại thật chứ không phải ảo, cứ 2-3 năm ca sĩ phải cho ra một album. Vậy mà album vừa ra thì truyền thông nhảy vào khai thác cạn kiệt tới mức có cảm giác như đọc báo rồi khán giả có khi chẳng cần phải nghe đĩa nữa!

* Vậy thì ngôi trường này của chị sẽ làm gì cho các ca sĩ trẻ đến đây theo học?

- Trước hết trường tôi chỉ nhận học sinh có tài năng, cảm thụ được âm nhạc. Không thể đào tạo một người không có giọng hát thành một ca sĩ, điều đó là rất vô lý. Bây giờ khi giới thiệu về ca sĩ người ta còn giới thiệu là cô/anh ấy có thể hát live được. Thật buồn cười vì đã là ca sĩ thì hiển nhiên phải hát được chứ. Chúng tôi dạy họ nhiều thứ liên quan đến lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, những thứ có tính ứng dụng cao. Học sinh sẽ không chỉ học cách xử lý bài hát mà phải tìm ra cá tính tiềm ẩn trong họ. Nhiều người không biết mình có gì, muốn gì và nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi và chỉ ra cho họ cái họ có. Còn để trở thành ngôi sao thì điều đó không phụ thuộc bản thân ca sĩ hay nhà sản xuất đâu.

* Chị từng mở quán cà phê và kinh doanh không bao lâu thì đóng cửa. Chị có lo bản tính nghệ sĩ sẽ khó mà làm tốt những bài toán kinh tế khi chị mở trường?

- Tôi mở quán rồi đóng cửa thật ra cũng không phải vì thua lỗ mà vì thấy mình chưa phù hợp với công việc này, thấy nó làm mình phiền. Chẳng hạn có những người khách họ gọi tôi đến và bảo Phương Uyên mà cạn ly thì hôm nay tôi sẵn sàng mua vài chục két bia… Đại loại như vậy. Còn bài toán kinh tế khi mở trường tôi cũng lo, tiền thuê căn biệt thự này cũng vài chục triệu một tháng và tôi phải tính toán chi li, đắp đổi qua lại để lo đủ số tiền đó. Nhưng cũng may là ngay khi bắt đầu mở trường, học trò đã tìm đến khá nhiều. Bên cạnh đó, tôi có những người bạn, những đứa em giúp tôi làm công việc tính toán, chẳng hạn như Đinh Hương, cô ấy học đại học ngoại thương mà.

* Chị đã từng từ chối xuất hiện trong Dấu ấn nhưng ngày 4/4 tới đây chị sẽ là nhân vật chính của chương trình này? Điều gì đã khiến chị chấp nhận lời mời, chị có hồi hộp không khi mà đã lâu chị không còn biểu diễn?

- Trước đây tôi từ chối bởi vì một lý do tế nhị, tôi đang làm việc cho một công ty khác nên không tiện xuất hiện trên chương trình này. Tuy nhiên còn một lý do khác quan trọng hơn là tôi chưa bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã làm, tôi chưa thấy mình làm được gì, không nghĩ là mình đã thành công như mọi người nói. Thú thật là nghe mọi người nói mình thành công, tôi lại thấy hoang mang.

Còn hồi hộp, cứ lên sân khấu là tôi không biết mình là ai nữa. Âm nhạc làm cho mình điên loạn lên một cách rất bản năng.

* Hai em của chị có cùng chị nhắc khán giả nhớ lại thời kỳ hoàng kim của 3 Con Mèo không?

- Họ sẽ từ Mỹ về nhưng chỉ tham gia với tư cách… khán giả. (Cười). Thời hoàng kim của 3 Con Mèo có lẽ ra đi theo thời hoàng kim của sự ngưỡng mộ âm nhạc trong lòng công chúng. Tôi còn nhớ những năm 1989 - 1990 đi biểu diễn ở Hà Nội, Hải Phòng… khán giả họ đi xem vì đói nhạc chứ không như khán giả bây giờ đi xem ca nhạc còn để xem những điều khác ngoài âm nhạc. Họ yêu mến và quý trọng nghệ sĩ lắm. Tôi nhớ có lần biểu diễn ở Hà Nội, 3 chị em tôi cùng ba mẹ đi trên phố, có người níu áo chúng tôi lại rồi khen “sao gia đình anh chị có những đứa con tài năng như vậy”. Ở thời đó, ai có tài là được đánh giá rất đúng dù không kiếm được nhiều tiền như bây giờ.

* Chị đang tiếc?

- Tôi nghĩ rằng nghệ sĩ bây giờ không thể kiếm được cảm giác đó đâu. Hai em của tôi ra đi vì thấy chán chứ không phải niềm đam mê trong họ đã tắt. Hai em tôi đã mạnh dạn từ bỏ. Còn tôi thì chưa. Tôi vẫn say mê, vẫn tìm thấy động lực. Làm các cuộc thi, làm công việc huấn luyện các ca sĩ trẻ, chính họ làm cho tôi như sống lại.

* Cảm ơn chị.

Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm