18/09/2019 08:00 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Nửa cuối những năm 1980 là một thời kỳ nhiều biến động của điện ảnh Việt Nam, thường được gọi là giai đoạn đầu của Điện ảnh đổi mới. Một loạt các tác giả xuất sắc và những bộ phim tiêu biểu đã ra mắt và gây được ấn tượng mạnh với công chúng yêu điện ảnh nước nhà trong vài năm ngắn ngủi. Đặc biệt năm 1988 là một năm đỉnh cao nở rộ các tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau và đều là những bộ phim không thể nào quên của điện ảnh Việt.
Thư viện Ơ kìa Hà Nội vừa tổ chức Tuần phim “1988 - Năm ấy phim gì?” gồm những bộ phim vang bóng một thời như Chuyện tử tế (đạo diễn: Trần Văn Thủy, sản xuất năm 1985, công chiếu năm 1987), Thị trấn yên tĩnh (đạo diễn: Lê Đức Tiến, 1986), Cô gái trên sông (đạo diễn: Đặng Nhật Minh, 1987), Tướng về hưu (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, 1988), Gánh xiếc rong (đạo diễn: Việt Linh, 1988), Truyện cổ tích cho tuổi 17 (đạo diễn: Xuân Sơn, 1988).
Cùng với đó, các khán giả cũng được gặp gỡ và trò chuyện với các diễn viên, đạo diễn, biên kịch của những bộ phim này. Những bộ phim chiếu trong tuần phim 1988 khác nhau về đề tài, nhưng đều là những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu, gây ấn tượng mạnh cho người xem về kịch bản, diễn xuất, đặc biệt là Truyện cổ tích cho tuổi 17.
“Đạo diễn không cho tôi khóc”
Trong buổi chiếu phim Truyện cổ tích cho tuổi 17, khán giả được trò chuyện và giao lưu với đạo diễn Xuân Sơn, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và diễn viên Thanh Tú.
Sau 34 năm mới xem lại bộ phim mình làm, đạo diễn Xuân Sơn bảo ông vẫn cảm thấy xúc động, ngậm ngùi. Đạo diễn lần đầu tiên gửi lời cảm ơn chính thức tới biên kịch của tác phẩm: “Cảm ơn Trịnh Thanh Nhã đã cho tôi một kỷ niệm nguyên sơ và tôi cũng đã trả lại nguyên vẹn những cảm xúc của chị. Tại sao lại gọi Truyện cổ tích cho tuổi 17 là phim thơ, bởi nó là một bi kịch trữ tình - bi kịch của những người phụ nữ thời chiến, họ cứ mải miết chờ đợi người đàn ông của mình”.
Diễn viên Thanh Tú đảm nhiệm vai cô giáo Thu - được đạo diễn Xuân Sơn gọi là một trong những bà mẹ đẹp nhất Việt Nam trong thời chiến - cũng xúc động khi có nhiều khán giả tới để xem lại bộ phim đen trắng phát hành từ những năm 1980. Có nhiều điều đáng nhớ khi tham gia bộ phim, nhưng với diễn viên gạo cội Thanh Tú: "Ấn tượng nhất với tôi là có những cảnh phim chỉ cần bấm máy là có thể rơi nước mắt, nhưng đạo diễn lại không cho tôi khóc”.
“Chồng chết, đứa con trai duy nhất cũng hy sinh. Khi đồng đội của con mang kỷ vật về đặt lên tay mà mẹ cũng không được khóc. Đứng trước di ảnh con, khi mọi người đến viếng con mình, người mẹ đó cũng không được khóc. Người xưa thường nói, nước mắt chảy vào trong là vậy, là khi diễn viên không khóc mà khán giả khóc, nỗi đau vì thế càng tăng thêm nhiều… Hôm nay, sau hơn 30 năm, chính tôi đã khóc khi xem tôi diễn” - diễn viên Thanh Tú chia sẻ thêm.
“Trần tình” về việc không để những diễn viên khóc trong phim, đạo diễn Xuân Sơn cho hay: “Tôi từng xem những bộ phim mà người ta (tức diễn viên) khóc, nước mắt nước mũi nhiều đến sợ hãi. Khi tôi học bên Liên Xô và nhận thấy ở những nền điện ảnh thế giới có một điểm đáng chú ý, có những bộ phim diễn viên không khóc, đạo diễn không khóc, nhưng người xem khóc. Với phim này, tôi chủ trương là không để nhân vật khóc, bởi tôi thấy những bà mẹ, những người vợ của dân tộc này đã khóc cạn cả nước mắt rồi”.
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì nhận định: “Đôi mắt của diễn viên Thanh Tú đã đủ nước mắt rồi, nên có lẽ chị không cần phải khóc, khán giả cũng đã quá xúc động”.
“Đó là câu chuyện thật của tôi”
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho hay mình dồn nhiều tâm sức cho Truyện cổ tích cho tuổi 17 - bởi đây là kịch bản đầu tiên được sản xuất và cũng là kịch bản tốt nghiệp. “Đương nhiên, tôi kể câu chuyện của tôi và tác phẩm được các thầy khen lắm, được điểm 10 trong kỳ tốt nghiệp năm đó. Thế nhưng, trước khi kịch bản được đưa vào sản xuất, tôi đã phải sửa đi sửa lại tới 5-6 lần. Khi đó tôi cáu và gần như không thể chịu nổi, nhưng quá trình đó đã giúp tôi có được nhiều bài học quý giá” - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tâm sự.
Tác giả kịch bản Truyện cổ tích cho tuổi 17 cũng thừa nhận: “Đó là câu chuyện thật của tôi. Suốt một năm, tôi không nói gì khi nhận giấy báo tử của người lính - người tôi yêu, tới mức tôi phải trị liệu tâm lý. Dịp tốt nghiệp là cơ hội tôi kể câu chuyện của mình giữ kín suốt thời gian dài, để rồi sau đó tôi mới nhận ra rằng, mình cần phải đặt mình trong một thế hệ, một cộng đồng nào đó, chứ không chỉ nói câu chuyện cá nhân. Câu chuyện tôi đã trải qua với nhiều cảm xúc, khó khăn, cũng là bài học lớn, mãi mãi đi theo tôi trong công việc”.
Việc biên kịch đặt mình vào thế hệ để hiểu và phản ánh suy nghĩ chung trong tác phẩm và đạo diễn hiểu được tâm tư đó, đã tạo nên thành công cho bộ phim mà như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận định: “Sau 34 năm, bộ phim không bị lỗi mốt, lạc hậu, người xem hiện giờ vẫn có thể khóc - cười cùng nhân vật của Truyện cổ tích cho tuổi 17.
Vài nét về phim “Truyện cổ tích cho tuổi 17” Truyện cổ tích cho tuổi 17 là tác phẩm đầu tay của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, đạo diễn Xuân Sơn, ra mắt lần đầu năm 1988. Phim thuộc thể loại tâm lý dành cho lứa tuổi mới lớn, về nỗi nhớ thương người thân nơi chiến trường. Những mộng mơ và băn khoăn vô định đầu đời, đã tạo nên không gian cho một câu chuyện cổ tích với cô bé An (diễn viên Lê Vi). Truyện cổ tích cho tuổi 17 như một làn gió mát thổi vào điện ảnh Việt Nam, một bộ phim về đề tài chiến tranh mà không hề có khói súng. Phim đoạt giải Bông sen vàng - Liên hoan phim VN lần thứ VIII (1988) cùng 4 giải vàng dành cho: kịch bản phim, đạo diễn phim, quay phim và họa sĩ thiết kế. |
(Còn nữa…)
Bảo Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất