15/08/2019 20:27 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - 50 năm trôi qua, đại nhạc hội Woodstock huyền thoại vẫn được coi là cột mốc lớn nhất trong lịch sử nhạc rock. Tuy nhiên, không phải người yêu nhạc nào cũng “sùng bái” sự kiện này. Như lời kể, đại nhạc hội ấy không hoàn toàn hào nhoáng như những gì được biết, trong cả năm 1969 và những lần tiếp sau.
Tổ chức đại nhạc hội Woodstock là ý tưởng của Michael Lang và Artie Kornfeld, 2 chuyên gia rất có kinh nghiệm trong việc tổ chức các liên hoan lớn. Năm 1969, họ đã vận động một cuộc “marathon” âm nhạc với sự tham gia của 32 ban nhạc và nghệ sĩ nổi tiếng.
Sự kiện được khởi động và lúc 5 giờ chiều ngày 15/8/1969 tại New York . Theo kế hoạch, Woodstock lẽ ra chỉ diễn trong 3 ngày (kết thúc vào 17/8). Thực chất nó kéo dài sang tận ngày 18/8. Thời điểm đó, Woodstock được quảng bá là “3 ngày của hòa bình và âm nhạc”. Nhưng, những sự cố của nó sau này đã được phơi bày:
1. Bob Dylan phản đối điểm tổ chức
Đại nhạc hội ngoài trời này ban đầu được lên kế hoạch tổ chức tại gần nơi ở của huyền thoại Bob Dylan thuộc thị trấn Woodstock ở New York. Nhưng Dylan cùng nhiều cư dân khác đã phản đối ý tưởng này. Thay vào đó, chương trình hòa nhạc đã được tổ chức từ ngày 15/8 đến ngày 18/8 ở Bethel, New York, trong khuôn viên một trang trại nuôi bò sữa.
Sau đó, Dylan giải thích rằng ông không muốn một rừng người mang phong cách hippie đổ tới nơi mình đang sống.
2. Quá đông khán giả và thiếu đồ ăn
Các nhà tổ chức của đại nhạc hội Woodstock dự kiến thu hút khoảng 50.000 khán giả. Cuối cùng, 400.000 người đã tới Woodstock. Ca sĩ Nancy Nevins của ban nhạc Sweetwater nhìn đám đông từ một chiếc trực thăng và nói với hãng tin AP: “ Đó không phải đám đông mà là một tấm thảm”.
Thay vì bỏ tiền mua vé vào cửa, mọi người đạp rào lao vào trong đại nhạc hội. Kết quả: Đồ ăn không thể có đủ như dự kiến.
3. Những bãi rác khủng khiếp
Khi đại nhạc hội kết thúc, khán giả rời khỏi Bethel và để lại một sa mạc bùn, rác và phân người. Debra Conway, sống nơi diễn ra đại nhạc hội, mô tả ấn tượng của mình với hãng AP: “Thật sự lầy lội, hôi thối và ẩm ướt. Sự kiện này không phải là một huyền thoại như nhiều người nghĩ.
Tại sự kiện, khán giả sử dụng tràn lan các loại ma túy như cần sa, heroin và LSD (thuốc gây ảo giác). Jimi Hendrix và Janis Joplin, hai ngôi sao trên sân khấu Woodstock, đã qua đời chưa đầy một năm sau đó. Cụ thể, Hendrix đã qua đời sau khi đã uống nhiều rượu kèm thuốc ngủ. Còn Joplin chết vì sốc heroin.
4. Một thất bại về tài chính
Woodstock là chương trình hòa nhạc cho thế hệ hippie - những người chống chiến tranh và “khó chịu” với lối sống trưởng giả. Họ bất mãn với những định ước xã hội đương thời, với tầng lớp trung lưu đang bị chi phối bởi vật chất và tư tưởng đàn áp.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Âm nhạc Áo, đại nhạc hội Woodstock đã tốn kém 2 triệu USD, cộng thêm 600.000 USD cho các chi phí pháp lý và các khoản thanh toán khác. May mắn, các nhà tổ chức đã kiếm thêm được 1,5 triệu USD từ bản quyền cho bộ phim tài liệu về Woodstock nên không phá sản.
5. Woodstock II 1994: Ngập trong bùn
25 năm sau khi tổ chức đại nhạc hội Woodstock đầu tiên, nhà tổ chức Michael Lang đã thu hút được 350.000 du khách tới thị trấn Saugerties ở bang New York trong lần tổ chức thứ hai. Từ ngày 12/8 đến ngày 14/8/1994, khu vực này không chỉ được rào chắn mà còn có đội ngũ nhân viên an ninh bảo vệ. Khán giả tới đây bị cấm sử dụng ma túy.
“Chúng ta đã đợi 25 năm để xem chương trình này” - Bob Dylan đã nói như vậy khi ông đứng trên sân khấu. Nhưng Woodstock 1994 cũng phải chịu cảnh mưa và bùn lầy lội như đại nhạc hội hồi năm 1969. Cuối cùng, sự kiện năm 1994 đã đi vào lịch sử là “Mudstock” - một lễ hội bùn.
6. Woodstock III 1999: Tái diễn thảm họa
Năm 1999, 30 năm sau Woodstock đầu tiên, Michael Lang lại tổ chức cuộc chơi thứ ba. 250.000 khán giả tới đại nhạc hội của “hòa bình, tình yêu và hạnh phúc” được tổ chức ở New York, nhưng cuối cùng sự kiện này đã trở thành một thảm họa.
Thay vì tổ chức trên một cánh đồng cỏ, Woodstock 1999 lại diễn ra trên đường nhựa với cái nóng đến mức khó thở và đồ ăn giá cao. Sau cuộc mở màn khá êm ái, nhiều lộn xộn đã xảy ra và một số khán giả bị thương nặng. Người ta chứng kiến cảnh nhiều người đàn ông cưỡng hiếp một người phụ nữ ngay gần sân khấu.
Những kẻ quá khích còn làm hỏng nhiều ô tô, khán đài, hàng rào và nhà vệ sinh, cướp phá các xe bán hàng và đốt lửa trên các bãi rác. Cảnh sát đã phải vào cuộc để ngăn chặn bạo loạn.
Di tích văn hóa Woodstock Kể từ năm 2017, địa điểm diễn ra đại nhạc hội Woodstock lần đầu tiên, trên đồng cỏ Bethel đã trở thành di tích văn hóa chính thức của Mỹ. Từ những năm 1990, Bảo tàng Woodstock nằm trong sự điều hành của một tổ chức phi lợi nhuận. Trong khi đó, các nhà khảo cổ đang cố gắng xác định vị trí chính xác của sân khấu và đã tìm thấy nhiều mảnh thủy tinh, nút chai đồ uống trong quá trình khai quật. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất