03/08/2020 19:27 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Nằm trong dự án “Như trăng trong đêm” chuỗi sự kiện xoay quanh điện ảnh Việt Nam quá khứ, hiện tại và tương lai, một sự kiện có chủ đề Nụ hôn trong điện ảnh Việt Nam diễn ra gần đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm học viên Khóa Giám tuyển phim của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng điện ảnh (TPD).
1. Nhóm giám tuyển gồm các bạn trẻ Lý Thu Hà, Đỗ Thu Hiền, Vũ Thị Mai Phương và Ngô Xuân Quỳnh. Cả 4 người đều là những cô gái đôi mươi, yêu điện ảnh và lãng mạn. Với mong muốn tìm hiểu lịch sử điện ảnh của đất nước qua cái nhìn đầy lãng mạn, nhóm giám tuyển đã lần tìm và ghi lại sự xuất hiện của những nụ hôn trên màn ảnh.
Ở sự kiện này, các bạn đã trình chiếu 2 tác phẩm Mối tình đầu (1977) và Khi nắng thu về (2006), cùng một video diễn dịch các ký tự của bảng chữ cái bằng sắc thái những cảnh hôn.
Qua video chiếu liên tục và các tư liệu trong sự kiện, khán giả đi qua rất nhiều sắc thái của những nụ hôn trong điện ảnh. Từ nụ hôn đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh Việt vào năm 1984 trong bộ phim Ván bài lật ngửa tập 4 - Cơn hồng thủy và bản tango số 3” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, chuyển thể từ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm (tác giả Trần Bạch Đằng).
Không mang ý vị tình yêu đôi lứa, cái hôn được thực hiện nhằm diễn tả “thói ăn chơi sa đọa theo lối phương Tây” của nhân vật nam - một sĩ quan chế độ cũ Sài Gòn. Cho đến những nụ hôn mơn trớn và say đắm hơn như trong phim Yêu không phải trò đùa của đạo diễn Trần Cảnh Đôn vào thập niên 1990, một trong số ít những cảnh hôn được đặc tả vào đôi môi, kết hợp kỹ thuật dựng chồng mờ để thể hiện những mơn trớn và đắm say.
Và có cả sự xuất hiện táo bạo của những nụ hôn đồng giới. Trong Hotboy nổi loạn (Vũ Ngọc Đãng, 2010), nụ hôn là sự gián tiếp thể hiện xu hướng tính dục. Không chỉ vậy, đó còn là sự thừa nhận tình cảm và hợp thức hóa mối quan hệ con người với tư cách cá nhân. Đặt trong hoàn cảnh công khai, đó là nhu cầu, sự đòi hỏi được chấp nhận bởi xã hội, như trong phim Những nụ hôn rực rỡ (Nguyễn Quang Dũng, 2010); khi bị tình cờ bắt gặp, đó là cách cài cắm mâu thuẫn, bước đệm cho cao trào sau này trong phim (Yêu, Việt Max, 2015).
2. Ngoài ra, 2 bộ phim được trình chiếu trong sự kiện cũng mở ra những hình ảnh thú vị về các nụ hôn trong tình sử điện ảnh Việt Nam. Bộ phim đầu tiên được chiếu là Khi nắng Thu về (Bùi Trung Hải, Hãng Phim truyện Việt Nam, 2006, 98 phút).
Bộ phim là lát cắt về cuộc sống người trẻ thời hiện đại. Trung là một tân cử nhân mang nhiều hoài bão, nhưng liên tiếp gặp thử thách trong cuộc sống. Giữa những khó khăn, một tình yêu, một tương lai mới nảy nở, hy vọng tìm đến với anh trong ngày nắng Thu về.
Dưới lăng kính của đạo diễn, nhà quay phim kỳ cựu Bùi Trung Hải, nụ hôn trong phim thể hiện nhiều khía cạnh, vừa góp phần khắc họa cá tính nhân vật, vừa là dấu mốc cho nhiều thời điểm quan trọng. Khi yêu, khi chia tay nhưng vẫn còn vương vấn, khi muốn níu kéo, khi chia lìa, khi có khởi đầu mới, khi gặp thử thách…
Bộ phim thứ hai được chiếu là Mối tình đầu (Nguyễn Hải Ninh, Hãng phim truyện Việt Nam, 1977, 90 phút). Trong bối cảnh thành phố Sài Gòn trước năm 1975, khi cuộc chiến sắp chấm dứt với các băn khoăn về sự lựa chọn lẽ sống của những người trẻ tuổi, phim kể lại mối tình đầu của chàng sinh viên Ba Duy (Thế Anh) và Diễm Hương (Như Quỳnh). Mối quan hệ đổ vỡ khi Diễm Hương buộc phải lấy một người cố vấn Mỹ để cứu cha. Cuộc đời Ba Duy từ đó rẽ sang một hướng khác.
Ra mắt không lâu sau khi hòa bình lập lại, Mối tình đầu đánh dấu sự chuyển hướng trong phong cách của đạo diễn Hải Ninh: Từ những bản anh hùng ca chiến tranh, đến các tác phẩm tập trung vào số phận cá nhân giữa những chuyển biến lịch sử. Nụ hôn trong Mối tình đầu đã không chỉ còn là nụ hôn e ấp của một tình yêu trong sáng được quay với tốc độ 94 hình/giây mà còn là nụ hôn ve vãn của những ham muốn trong tối được quay trong một cảnh dài.
Như vậy, những nụ hôn - những kết nối bằng đôi môi xuất hiện qua chiều dài lịch sử điện ảnh Việt Nam, không chỉ thể hiện các biên độ lẫn ẩn ý trong mối quan hệ tình cảm mà còn chứa đựng những biến chuyển về văn hóa, xã hội ở mỗi thời kỳ.
Muôn sắc thái nụ hôn Trong chiều dài của điện ảnh Việt Nam, cảnh quay về nụ hôn xuất hiện khá muộn (1984). Sự xuất hiện ban đầu không mang hương vị của tình yêu đôi lứa mà nhằm diễn tả “thói ăn chơi sa đọa theo lối phương Tây” (bộ phim Ván bài lật ngửa - tập 4: Cơn hồng thủy và bản tango số 3”, đạo diễn Lê Hoàng Hoa). Sau này, khi xã hội cùng với các quan niệm thay đổi, nụ hôn trong điện ảnh cũng thay đổi, không còn là biểu hiện của “sự sa đọa” phải giấu diếm nữa. Nụ hôn trên màn ảnh xuất hiện công khai hơn, và hiện diện như một khẳng định cho các sắc thái của tình yêu. Khi tình cảm giữa 2 nhân vật mới chớm nở và chưa định hình, nụ hôn là lời thổ lộ ban đầu, vừa rõ ràng vừa tế nhị (Cô gái trên sông, Để Mai tính, Yêu, 100 ngày bên em). Nếu khán giả đã thấy rõ lời thổ lộ sẽ có kết quả, nụ hôn sẽ gần hơn với sự xác nhận tất yếu, có lúc mang tính "thủ tục" (Cô dâu đại chiến; Sài Gòn, anh yêu em), có lúc mang sắc thái riêng biệt hơn: Bình dị, ấm áp trong Nơi bình yên chim hót; ngọt ngào, mộng mơ trong Yêu đi, đừng sợ; cổ tích tráng lệ trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể; yên bình, đắm say trong 100 ngày bên em. Khi 2 nhân vật yêu nhau, nụ hôn như một cử chỉ của yêu thương, đồng thời có thể là hiện diện cho sự ổn định, vững vàng, quen thuộc của mối quan hệ. Một lời hứa, kỷ vật, biểu hiện niềm tin (Bao giờ có yêu nhau, Mùa gió chướng), làm hòa, tha thứ, quay lại (Em chưa 18; Sài Gòn, anh yêu em). Là yếu tố khiến lời cầu hôn vẹn toàn (Bao giờ có yêu nhau, Bạn gái tôi là sếp). Đối với cộng đồng LGBT+, nụ hôn trên màn ảnh là sự gián tiếp thừa nhận xu hướng tính dục. Đặt trong các tình huống mang tính công khai đó là nhu cầu, sự đòi hỏi được chấp nhận từ xã hội (Những nụ hôn rực rỡ); khi bị tình cờ bắt gặp, đó là cách gài gắm mâu thuẫn, bước đệm cho cao trào trong phim (Yêu). |
Hải Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất