Ông trùm điện ảnh Run Run Shaw qua đời: Những thăng trầm của TVB

09/01/2014 16:00 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) -  Không chỉ nắm giữ thị phần tại Hong Kong, phim của TVB từng làm mưa làm gió ở Trung Quốc và cả các quốc gia Đông Nam Á với hơn 300 triệu người xem.

Từ khi ra đời vào năm 1930, Shaw Brother Studios thu hút làn sóng diễn viên tài năng và tạo nên thời kỳ đỉnh cao. Trong cuộc thu hút nhân tài, Run Run Shaw chỉ không nắm bắt được tài năng của Lý Tiểu Long. Mặc dù từng xuất hiện trên TVB trong năm 1969 nhưng Lý Tiểu Long sau đó chấp thuận ký hợp đồng với hãng Golden Harvest, được sáng lập bởi Raymond Chow, từng có thời gian làm việc cùng Shaw.

Lý cũng muốn đầu quân cho Shaw nhưng yêu cầu kiểm soát các cảnh quay cũng như hợp đồng dài với 10.000 USD/phim của anh không được chấp thuận. Golden Harvest khôn ngoan hơn đã gật đầu trước đề nghị của Lý Tiểu Long. Theo hậu duệ của Lý Tiểu Long, hãng phim của Shaw dần tỉnh ngộ và cố gắng lôi kéo anh nhưng Golden Harvest đã khôn ngoan hơn khi để Lý tới Thái Lan làm phim thay vì đưa anh trở lại Hong Kong.

Thành công của Chow cũng là thất bại của Shaw. Lý Tiểu Long sau đó trở thành ngôi sao võ thuật ăn khách nhất. Bộ phim đầu tiên của Lý Tiểu Long với Golden Harvest, Fists of Fury (năm 1971) đại náo tất cả các rạp chiếu và phá vỡ mọi kỷ lục của phim võ thuật Hong Kong. Từ đây, nhiều nam diễn viên tên tuổi và đạo diễn đã rời bỏ Shaw Brothers Studios để tới với Golden Harvest. Thế độc quyền của Shaw Brothers Studios trong làng điện ảnh của Hong Kong bị phá vỡ từ đó.


Run Run Shaw tạo nên đế chế điện ảnh và truyền hình ở Hong Kong


Hoàng kim của TVB

Nhưng Shaw không ngồi im nhìn đối thủ lấn lướt mình. Với tầm nhìn chuyến lược, ông chuyển sang đầu tư nhiều cho truyền hình. Tháng 11 năm 1967, ông đã đồng sáng lập kênh TVB và 2 năm sau khi Fists of Fury ra đời, Shaw nắm quyền kiểm soát đài truyền hình này. Dưới sự lãnh đạo của Shaw, TVB bước vào thời kỳ thành công nở rộ, phát sóng 12 tiếng/ngày với nhiều bộ phim ở các thể loại, thu hút khán giả Trung Quốc đại lục và cả các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Hàng triệu khán giả Việt hẳn còn nhớ cảm giác xao xuyến, hồi hộp khi chờ đợi những tập phim của TVB. Điểm mạnh của TVB là dàn diễn viên có ngoại hình xinh đẹp. Shaw phát huy lợi thế này bằng cách tổ chức các cuộc thi người đẹp, hoa hậu để tuyển chọn cho các vai diễn. Thậm chí, vẻ đẹp của các nữ diễn viên trong phim của TVB được coi là tiêu chuẩn của vẻ đẹp châu Á với cặp mắt bồ câu, đôi môi mọng và khuôn mặt bầu bĩnh. Cho đến bây giờ, người hâm mộ vẫn còn in nguyên cảm xúc khi nhắc lại tên tuổi lớp diễn viên của TVB, từ nàng Phùng Trình Trình kinh điển của Bến Thượng Hải – Triệu Nhã Chi, hay nàng Vương Ngữ Yên trong Thiên long bát bộ - Trần Ngọc Liên tới nữ hiệp Hoàng Dung - Ông Mỹ Linh...

Khán giả nam say đắm được vẻ đẹp phúc hậu của các vai nữ chính còn phái nữ thì mê đắm vẻ điển trai, lãng tử của các nam nhân trong phim cổ trang hay võ hiệp của TVB. Năm 1983, TVB lăng xê một nhóm 5 nam diễn viên Miêu Kiều Vỹ, Huỳnh Nhật Hoa, Lưu Đức Hoa, Thang Trấn Nghiệp, Lương Triều Vỹ bằng chiến dịch “Ngũ hổ tướng”. Thành công đến ngoài cả mong đợi. Chính họ đã tạo nên thời hoàng kim của những bộ phim nhiều tập mang thương hiệu TVB. Huỳnh Nhật Hoa làm nên chuyện với những vai diễn trong Anh hùng xạ điêu, Thiên long bát bộ 96 và Độc cô cầu bại... Ngoại hình điển trai, hiền hậu của Huỳnh Nhật Hoa làm điên đảo biết bao nhiêu khán giả nữ của Hong Kong, thậm chí ngay cả Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh đều thú nhận, năm xưa khi xem phim, họ rất yêu thích Huỳnh Nhật Hoa. Thang Trấn Nghiệp nổi tiếng qua các vai diễn trong Thiên long bát bộ hay Thương thành lãng tử, Miêu Kiều Vỹ nổi bật trong Anh hùng xạ điêu với vai Dương Khang. Trong khi đó, Lưu Đức Hoa nổi đình nổi đám với vai Dương Quá trong Thần điêu đại hiệp.

Đế chế truyền hình của Shaw sau này còn nhào nặn thêm nhiều tài tử nổi tiếng như Châu Nhuận Phát, Vương Gia Vệ, Châu Tinh Trì...

Điểm mạnh nữa của TVB thời hoàng kim là những đạo diễn tài năng cùng biên kịch chắc tay với vốn sống phong phú. Những năm 1980, nội dung phim tập trung vào dòng cổ trang với đa số là phim võ hiệp nhưng không hề tạo ra sự nhàm chán. Các nhân vật, tình tiết phim đều tạo nên sức hấp dẫn đối với người xem. Thời kỳ đó, TVB đã sản xuất ra rất nhiều phim được xếp vào hàng kinh điển như Đại thời đại, Thần điêu đại hiệp, Nghĩa bất dung tình, Thử thách nghiệt ngã, Thâm cung nội chiến, Bằng chứng thép...

Xuống dốc


Shaw trong lễ kỷ niệm ngày thành lập TVB


Công lao và tài năng của Run Run Shaw không ai có thể phủ nhận nhưng với vai trò điều hành TVB, ông vẫn gặp phải những sai lầm. Những người ủng hộ ông đổ lỗi cho quy luật tất yếu của thời đại nhưng những bình luận khách quan hơn xoay vào vấn đề chậm đổi mới.

Là một đế chế làm phim thành công nhưng TVB lại không phải là nơi biết nắm giữ nhân tài. Lịch làm việc hà khắc cùng với mức lương bèo bọt khiến các diễn viên lần lượt ra đi tìm cho mình những cơ hội mới. Khi xưa, một diễn viên TVB phải mất cả thời gian dài mới có được một vai chính. Ngay cả Lương Triều Vỹ, Châu Nhuận Phát đều khởi đầu từ những vai phụ ít ai biết đến. Nay, để lấp cho chỗ trống của các bậc tiền bối, lớp diễn viên trẻ được đẩy lên thay thế nhưng lại chưa xứng tầm, khiến phim mất dần đi sức hút.

Cuộc chia tay với Lưu Đức Hoa thể hiện rõ nhất sai lầm trong chính sách giữ nhân tài của TVB. Thời điểm đang thăng hoa với nghiệp âm nhạc và vai Dương Quá trong Thần điêu đại hiệp, Lưu Đức Hoa dứt áo rời bỏ TVB. Lý do xuất phát từ những mâu thuẫn trong việc ký tiếp hợp đồng sau khi cam kết cũ đã hết thời hạn giữa hai bên. Lưu Đức Hoa bị đầy ải ngồi dự bị như một hình thức trừng phạt cho sự cứng đầu của anh. Với khát khao trở thành một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, Lưu Đức Hoa đã quyết định rời bỏ nơi đã giúp anh thành danh.

Cùng với sự đổ bộ của dòng phim thần tượng Đài Loan và phim Hàn Quốc, vị thế của TVB bắt đầu lung lay. Hơn nữa, từ đại lục với xu hướng bạo chi cho các ngôi sao, luôn xuất hiện những lời mời chào đầy hấp dẫn đối với diễn viên tài năng xứ Cảng Thơm. Thời đại của truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh lẫn internet cũng một phần đẩy TVB xuống dốc.

Những năm 1990, Run Run Shaw nỗ lực để giữ cho đế chế truyền thông của mình còn nguyên vẹn. Dẫu thế, ông không chống lại được sự cạnh tranh của thị trường và quyết định bán 22% cổ phần trong TVB News Corporation  cho tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch. Run Run Shaw vẫn có ý định duy trì quyền kiểm soát kinh doanh trong đế chế TVB bằng cách chiếm giữ 1/3 cổ phần của TVB, 22% còn lại thuộc về Murdoch và 24% thuộc về Robert Kuok, một trong những doanh nhân giàu nhất Hồng Kông thời bấy giờ. Nhưng cán cân quyền lực thay đổi khi Murdoch bán cổ phần của mình cho Kuok không lâu sau đó. Năm 1996, một vụ chuyển giao thù nghịch nhất của truyền hình Hong Kong đã diễn ra, Kuok buộc Shaw bán toàn bộ cổ phần của mình trong TVE, công ty con chuyên về xuất bản, âm nhạc và kinh doanh bất động sản – nơi sinh lời nhiều nhất cho TVB.

Khi tuổi đã cao, Shaw vẫn làm việc đầy nhiệt huyết cho sự phát triển của TVB. Năm 2011, ông mới tuyên bố nghỉ hưu trước khi qua đời hôm 7/1 năm nay. Dẫu trải qua những thăng trầm nhưng với tài năng của Shaw, TVB vẫn là kênh truyền hình Hong Kong phổ biến nhất trong 45 năm qua. Sức sáng tạo của ông cũng để lại nhiều di sản cho hậu bối. Logo của hãng phim nổi tiếng Warner Bros lấy cảm hứng từ Shaw Brothers Studio và đạo diễn tài danh Quentin Tarantino nhiều lần thừa nhận nhiều bộ phim của ông lấy cảm hứng từ điện ảnh Hong Kong thời hoàng kim.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm