'Poupée de cire, poupée de son' - Búp bê không tình yêu

06/09/2020 20:45 GMT+7 | Giải trí

LTS: Nhạc Việt tại miền Nam thập niên 1960, nửa đầu thập niên 1970 chủ yếu là nhạc bolero, slow… mùi mẫn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một dòng “nhạc trẻ” chủ yếu trình diễn các ca khúc nhạc ngoại. Cuối thập niên 1960, nhạc trẻ Sài Gòn có một sự chuyển biến đáng chú ý đó là “Việt hóa” các ca khúc nhạc ngoại, trong đó những ca khúc nhạc Pháp lời Việt nổi tiếng một thời đã góp phần làm nên diện mạo của nhạc trẻ Sài Gòn.

(lienminhbng.org) - Năm 1965, sau khi Poupée de cire, poupée de son (tựa Việt: Búp bê không tình yêu) có chiến thắng lịch sử tại Eurovision, hãng đĩa Phillips một phen “khốn đốn” khi nhu cầu mua đĩa đơn này quá cao với 16.000 bản được bán ra tại Pháp ngay sau ngày chiến thắng và hơn 500.000 bản chỉ trong 4 tháng sau đó.

Thần tượng nhạc Pháp trở lại

Thần tượng nhạc Pháp trở lại

Ngày 23/11 tới đây, nam danh ca người Pháp Christophe sẽ có buổi diễn duy nhất tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).

Poupée de cire, poupée de son có bề ngoài tưởng chừng như một bài hát vô hại, có thể hát cho cả thiếu nhi nghe, nhưng hóa ra lại ẩn chứa nhiều câu đố phức tạp và cả những mưu mô.

Số phận gai góc

Serge Gainsbourg mà người ta thường nhớ tới ngày nay là một huyền thoại đầy tai tiếng. Một anh chàng xấu trai bên những cô bạn gái xinh đẹp nóng bỏng. Một nhạc sĩ dường như luôn muốn giễu người khác bằng vô vàn trò chơi chữ, nói lái, tiếng lóng, luyến âm, nghịch đảo… đầy bất ngờ, khiến người ta phải đỏ mặt và nhiều khi là tức tím mặt. Có lẽ, trong mắt nhiều người, Gainsbourg giống như đồng hương Ivan Bunin nhìn Vladimir Nabokov: “một con quái vật”, “thằng hề trong rạp xiếc”. Tất cả những chua chát này bắt nguồn từ gốc rễ mà nhân loại chẳng ai muốn.

Gainsbourg (2/4/1928 - 2/3/1991) là con trai một nhạc sĩ cổ điển tị nạn người Do Thái gốc Nga. Lớn lên giữa giai đoạn tăm tối nhất của lịch sử người Do Thái, Gainsbourg bị ám ảnh bởi ngôi sao vàng mà Quốc xã Đức bắt dân tộc ông phải mang trên tay và sau này, ông đã chuyển ký ức đó - bằng cách này hay cách khác - vào nghệ thuật.

Trong thời gian Pháp bị Đức chiếm đóng, gia đình ông phải trốn từ Paris tới Limoges nhờ giấy tờ giả. Sau chiến tranh, ông kiếm sống bằng công việc dạy nhạc và vẽ trong trường dành cho trẻ mồ côi vì nạn diệt chủng Do Thái. Tại đây, Gainsbourg một lần nữa khắc sâu nỗi đau Do Thái qua những câu chuyện đau lòng. Trước tuổi 30, ông là họa sĩ bất thành và chơi dương cầm ở các quán bar kiếm tiền.

Khoảng năm 1958, Gainsbourg được phát hiện bởi ngôi sao Michèle Arnaud. Nữ ca sĩ nhận thấy ánh sáng từ nhạc sĩ trẻ nhút nhát - người tự nhận thấy nhạc mình quá hiện đại và khiêu khích so với nhạc chính thống mà bản thân ái mộ - và đề nghị được hát, thậm chí thu âm, các ca khúc thuở đầu sự nghiệp của Gainsbourg.

Chú thích ảnh
Serge Gainsbourg và France Gall tại Eurovision 1965

Các ca khúc của ông, ngay từ những ngày này, đã lộ hơi hướng kỳ lạ, bệnh hoạn, gợi tình nhưng luôn phảng phất nhiều nỗi niềm về cuộc sống. Sau khi có được chút tin tưởng, ông cũng thỏa sức thử nghiệm nhiều thể loại âm nhạc: Jazz hiện đại, yé-yé pop, funk, rock, reggae và electronica. Sự khác biệt gây chú ý, nhưng công chúng và các nhà phê bình lại tranh thủ chế nhạo cái mũi với đôi tai đập vào mắt người đối diện của ông.

Sau đó, Gainsbourg có dịp cộng tác với một số tên tuổi nhưng thành công đến không nhiều. Có người thậm chí hát chỉ để làm ông vui lòng chứ biết rằng loại nhạc đó không thuận tai công chúng. Khi album phòng thu thứ 5, Gainsbourg Confidentiel (1963), chỉ bán được có 1.500 bản, Gainsbourg liền đưa ra một quyết định bước ngoặt: “Tôi sẽ viết nhạc theo thị hiếu số đông và tự mua cho mình một chiếc Rolls”. Thế nhưng, đến album tiếp theo, ông vẫn bước bên lề xu hướng. Thành công lớn thật sự chỉ đến khi ông sáng tác Poupée de cire, poupée de son - một ca khúc sẽ khiến công chúng mê mẩn trong khi Gainsbourg lại là Gainsbourg hơn bao giờ hết.

Búp bê vỏ bọc

Ở một thế giới khác là France Gall, kém Gainsbourg gần 20 tuổi. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, Gall tóc vàng xinh đẹp, phơi phới, lập tức mê hoặc nhà xuất bản âm nhạc Denis Bourgeois khi đi thử giọng năm 15 tuổi. Gall sau đó đã ký hợp đồng với hãng Philips mà Bourgeois là giám đốc nghệ thuật. Đĩa đơn đầu tiên của cô, ra mắt vào sinh nhật 16, lập tức thành hit, bán hơn 200.000 bản.

Gainsbourg, khi đó cũng ký hợp đồng với hãng, được yêu cầu viết nhạc cho Gall. Màn kết hợp của cặp đôi, trong đĩa đơn thứ 2, lập tức đứng đầu và trụ vững trên các BXH của Pháp năm 1964.

Chú thích ảnh
France Gall trên bìa đĩa đơn “Poupée de cire, poupée de son”

Năm 1965, Gall được chọn làm đại diện cho Luxembourg để dự thi Cuộc thi Tiếng hát Truyền hình châu Âu (Eurovision). Trong 10 bài hát được đề xuất mang đi thi, Gall đã chọn Poupée de cire, poupée de son của Gainsbourg, một lựa chọn liều lĩnh như con dao 2 lưỡi. Khi cặp đôi đến Naples dự chung kết cuộc thi, ca khúc đã bị đám đông la ó phản đối vì lạc quẻ quá mức so với các bài hát thường được nghe tại cuộc thi tới thời điểm đó.

Hình ảnh trung tâm của ca khúc là một con búp bê sáp tóc vàng biết hát, thẳm sâu trong trái tim là những bản nhạc, nhìn đời qua cặp kính hồng, tự hỏi liệu mình tốt hay tệ hơn những con búp bê thời trang? Các ca khúc như là tấm gương để mọi người nhìn vào con búp bê. Qua các ca khúc, con búp bê như tan vỡ ra ngàn mảnh giọng, để ở mọi nơi cùng một lúc. Rồi con búp bê nhìn quanh, thấy người nghe như những con búp bê vải vụn, cười, nhảy theo nhạc, để bản thân bị lôi đi không vì lý do gì. Nhưng khi một mình, con búp bê tự hỏi rằng các tình ca có ích gì khi chính nó chẳng biết gì về các chàng trai nhưng một ngày nào đó, nó sẽ thật sự hát lên bài ca của mình mà không cần hơi ấm của các chàng trai.

Phần trình diễn trực tiếp cũng “còn xa mới đạt tới độ hoàn hảo” so với chính Gall thường ngày. Cô hát phô, yếu. Khi Gall gọi cho người yêu là Claude Francois ngay sau màn biểu diễn, cậu chàng đã hét vào mặt cô: “Em hát sai nốt. Tệ hại khủng khiếp!”.

Vậy điều gì khiến cho một ca khúc bị phản đối, có màn trình diễn kém cỏi lại giành vị trí cao nhất tại Eurovision năm 1965, trở thành ca khúc pop đầu tiên thắng giải và sau này được bình chọn vào Top 14 ca khúc hay nhất Eurovision mọi thời đại?

Màn biểu diễn phô, kém của France Gall tại Eurovision 1965 nhưng đã có chiến thắng lịch sử:

Gainsbourg rất tự hào về sự sáng tạo và đột phá của mình trong sáng tác. Như đặc trưng của Gainsbourg, ca từ Poupée de cire, poupée de son ngập tràn các ẩn ý, chơi chữ, đa nghĩa, tham chiếu… khiến khó mà hiểu được tường tận nếu không rành tiếng Pháp; và thậm chí, cả khi tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ. Vì điều này, ẩn sau một Poupée de cire, poupée de son hồn nhiên vui tươi là cả một câu chuyện khác: Gainsbourg coi Gall như một con rối, một nhân dạng giả để truyền tải âm nhạc của mình. Một con búp bê hoàn hảo bởi vẻ ngoài bắt mắt - trái với hình ảnh bị chế giễu của Gainsbourg - và hơn thế, quá ngây thơ nên không hiểu là mình bị lợi dụng. Gall hát mà không biết con búp bê sáp tóc vàng đó chính là mình. Eurovision - một cuộc thi rất ưa các chiêu trò - rõ ràng đánh giá cao những điều này.

Gall thì ngược lại. Trong giai đoạn này, cô nhiều lần bị Gainsbourg sử dụng như một công cụ, đặc biệt là trong ca khúc Sucettes (1966) với nghĩa đen về kẹo mút nhưng lại ám chỉ tình dục. Những năm sau đó, cùng với sự trưởng thành và hiểu biết, Gall đặc biệt khó chịu với điều này. Cô tự tách mình khỏi Eurovision, từ chối bình luận về nó và không bao giờ biểu diễn Poupée de cire, poupée de son trước công chúng.

Nhưng thời gian đã hòa giải tất cả. Sau khi tách khỏi Gainsbourg, Fall bước đi trên con đường riêng. Cô mê nhạc của Michel Berger rồi sau đó gắn bó với Berger cả đời như một cộng sự và bạn đời. Khi qua đời vào năm 2018, Gall được nhắc tới nhiều nhất không phải là búp bê tóc vàng của Gainsbourg mà với tư cách người dàn dựng vở kịch cực ăn khách Résiste, dựa trên một ca khúc của chồng. Còn Gainsbourg, lịch sử sẽ ca ngợi hay phán xét ông? Không thể có câu trả lời thỏa đáng, cũng như “nghệ thuật vị nghệ thuật”: Chẳng có đúng hoàn toàn cũng chẳng có sai hoàn toàn.

Vài nét về “Búp bê không tình yêu”

Poupée de cire, poupée de son sớm du nhập vào Việt Nam vào cuối thập niên 1960 khi được nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đặt lời Việt với tựa đề Búp bê không tình yêu, như một phần trong trào lưu chuộng nhạc ngoại giai đoạn đó. Ca khúc được ca sĩ Thanh Lan thu âm đầu tiên, phiên bản song ngữ Pháp - Việt.

Là một người dạy ngoại ngữ, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng hiểu rất rõ rằng việc viết lời Việt cho nhạc ngoại là điều không dễ dàng chút nào. Ngoài vốn ngoại ngữ, cần phải có “cái đầu của một nhà văn, đôi tay nhạc sĩ và trái tim người nghệ sĩ”, để ca khúc nghe như người Việt sáng tác mà lại tôn trọng nguyên tác. Với Búp bê không yêu, ông quả thực đã đã diễn giải được gần như trung thành toàn bộ nội dung nghĩa đen của Poupée de cire, poupée de son. Thế nhưng, những trò chơi chữ phức tạp trong tiếng Pháp mà Gainsbourg gài gắm vào rất nhiều trong ca khúc thì rất tiếc, không thể truyền tải được.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm