11/12/2015 12:34 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - Dù nhìn ở góc độ nào thì Liên hoan phim (LHP) Việt Nam 2015 cũng đã chạm đến được một vài thành công rất đáng khích lệ. Thế nhưng, từ trong nội tình của nền điện ảnh và lề lối tư duy giải thưởng, vẫn còn đọng lại không ít băn khoăn, nuối tiếc…
1. Nếu nhìn khía cạnh Nhà nước đặt hàng, thì không riêng gì phim ảnh và không riêng gì ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng rất hào phóng, ít khi nào nghĩ đến chuyện thu hồi vốn, chứ đừng nói có lãi. Nhà nước thu thuế của nhân dân thì phải có trách nhiệm trích lại một phần trong đó để tái đầu tư vào xã hội, nhất là với các chương trình tinh hoa, hàn lâm, tuyên truyền…, không có đầu tư, tài trợ thì không thể thực hiện được. Thế nhưng, khi có lãi thì sao?
Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Bông sen vàng) đến nay đã thu về gần 80 tỷ đồng, tiền đầu tư là 20 tỷ, vậy là lãi lớn. Thông thường, nhà phát hành sẽ giữ 50%, còn lại 40 tỷ, trừ vốn đầu tư, phim lãi tương đương một triệu USD.
Hiện nay phim đang được nhà phát hành quốc tế Fortissimo Films đảm nhận, doanh thu sẽ còn tăng. Nếu phim này chỉ mỗi hãng phim nhà nước thực hiện thì ngân sách thu về khá đơn giản, trong khi cổ phần của phim ít nhất là 6 bên, mà nhiều trong số đó thuộc về tư nhân, như Galaxy Media & Entertainment, Saigon Concert, Phương Nam Film, P/S Việt Nam, Truyền hình K+…
Nghe đồn (vì hỏi không nơi nào chịu trả lời) việc chia lợi nhuận đang gặp vấn đề khó khăn giữa Cục Điện ảnh và các đơn vị tư nhân. Đầu tiên là do khác nhau về khái niệm góp vốn, bên Cục Điện ảnh thì cho rằng phim có kinh phí hơn 11 tỷ đồng, trong khi các hãng tư nhân cho rằng kinh phí sản xuất khoảng 18,5 tỷ, cộng với chi phí truyền thông, quảng cáo thì đúng 20 tỷ.
Khác nhau về đồng vốn sẽ khác nhau về chuyện chia lãi; chưa nói doanh thu phim còn chia theo nấc, mỗi nấc có một tỷ lệ riêng, theo hợp đồng đã thỏa thuận. Mà khi làm phim này các bên chỉ muốn có một phim tử tế, hòa vốn đã là phép màu, chứ ít ai nghĩ đến chuyện có lãi. Ngay với Victor Vũ cũng vậy, thành công với phim là ngoài dự đoán, trong khi những phim anh kỳ vọng hơn (nhưThiên mệnh anh hùng chẳng hạn) thì không được như vậy.
Một chuyên viên (muốn giấu tên) của Cục Điện ảnh cho biết theo nguyên tắc thì tiền lãi phải nộp về Bộ Tài chính trước, vì nơi đó trực tiếp chi tiền. Lâu nay, trong cách nhìn của Bộ Tài chính thì các dạng tiền tài trợ này là “một đi không trở lại”, nên đây là một tiền lệ khó xử lý. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ngoài công trạng đã thấy thì còn biến thành một “tội đồ” với những ai nhận đầu tư của Nhà nước, vì từ đây Bộ Tài chính có quyền nghĩ đến việc đầu tư phải hòa vốn, phải có lãi.
Hồi giữa tháng 10/2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trước Quốc hội về tình hình ngân sách chính phủ trong năm 2016 khá căng thẳng. Một trong những nơi nhìn thấy rõ nhất sự căng thẳng này là Bộ Tài chính, bởi con đường để thu hồi vốn thường rất khó khăn, do đây là đầu tư công. Thành ra, kiểu làm phim hiệu quả như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một gợi ý tốt để Bộ Tài chính tăng thêm nguồn thu cho việc tái đầu tư.
2. Điều đáng tiếc nhất của LHP Việt Nam 2015 là sự vắng mặt của một số phim khá đặc biệt, thành ra kém phong phú về tiếng nói, về màu sắc.
Đầu tiên là Cha và con và… (ĐD: Phan Đăng Di), phim từng tham gia tranh giải chính thức tại LHP quốc tế Berlin (Đức) lần thứ 65 hồi tháng 2/2015, hạng mục dự thi chính thức - Official Competition; và tại LHP Hong Kong, hạng mục Nhà làm phim trẻ - Young Cinema Competition.
Kế đến là phim tài liệu trực tiếp - phi kịch bản Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (ĐD: Nguyễn Thị Thắm), phim tài liệu hiếm hoi bán được vé, tạo thành cú hích nhỏ trong khán giả năm 2015. Kế đến là phim Căn phòng của mẹ (ĐD: Síu Phạm), trình chiếu tại LHP quốc tế Hà Nội 2014 (HANIFF 3), đoạt giải Best Unique Vision tại Queen World Film Festival 2014.
Một đáng tiếc khác là Đập cánh giữa không trung (ĐD: Nguyễn Hoàng Điệp) vốn tung hoành và tạo dư luận tốt trên quốc tế (đoạt giải Phim hay nhất tại tuần phê bình phim của LHP quốc tế Venice; đoạt 3 giải thưởng tại LHP Fribourg…) - đã không có giải thưởng tương xứng. Chỉ mỗi giải Nam diễn viên phụ xuất sắc cho Phạm Trần Thanh Duy là một khích lệ quá yếu.
Nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng nhận định: “Cái đích mà các nhà làm phim, các bộ phim ở nước ta cần tuân thủ và nắm bắt ngay từ hôm nay, ngay 5-7 năm tới chỉ nằm ở mấy tiếng: Không được quay lưng lại với cuộc sống và đã gọi là điện ảnh thì phải biết tìm tòi, khám phá trong tất cả các khâu thuộc quy trình làm phim (kịch bản, dàn dựng, quay phim, âm thanh, âm nhạc…). Nếu đồng ý như vậy thì Đập cánh giữa không trung - tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp - cũng đáng khuyên một vòng tròn đỏ tại LHP lần này”.
Ban giám khảo nào thì giải thưởng đó, trên toàn thế giới đều vậy, cho nên từ việc Đập cánh giữa không trung không đoạt giải cao thì những phim vắng mặt như vừa kể có tham gia cũng sẽ rất khó có giải. Thế nhưng, với một LHP đang nới rộng chiều kích tư duy và đang chuyển mình theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ rất cần những tiếng nói đa dạng, độc lập, thể nghiệm để mô hình đó thêm khách quan, hấp dẫn.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất