Strange Fruit (Trái lạ) có lẽ là thành công trớ trêu bậc nhất lịch sử, từ nội dung của nó -vốn là hình ảnh cây trái vụ mùa tưởng rằng mang lại sung túc lạilà bi kịch cho loài người - tới thân thế đặc biệt của tác giả và số phận buồn thảm của nghệ sĩ thể hiện. Nhưng nỗi trớ trêu lớn nhất có lẽ là ở chỗ: Câu chuyện tưởng như chỉ còn là bóng ma xấu xí của quá khứ lại đang hiện hữu trong chính thế giới tưởng là văn minh ngày nay.

'Strange Fruit' của Billie Holiday: Mùa vụ đắng cay đơm trái khắp lịch sử nhân loại

(lienminhbng.org) - Strange Fruit (Trái lạ) có lẽ là thành công trớ trêu bậc nhất lịch sử, từ nội dung của nó -vốn là hình ảnh cây trái vụ mùa tưởng rằng mang lại sung túc lạilà bi kịch cho loài người - tới thân thế đặc biệt của tác giả và số phận buồn thảm của nghệ sĩ thể hiện. Nhưng nỗi trớ trêu lớn nhất có lẽ là ở chỗ: Câu chuyện tưởng như chỉ còn là bóng ma xấu xí của quá khứ lại đang hiện hữu trong chính thế giới tưởng là văn minh ngày nay.

Strange Fruit ra đời vào cuối thập niên 1930. Tới nay, một đời người đã trôi qua nhưng lịch sử chẳng sang trang. Sự bất nhẫn ngỡ phi thực tế vẫn đang ngang nhiên diễn ra trên đường phố Mỹ, ngay năm 2020.

“Máu dưới gốc và máu trên những chiếc lá”

Người đàn ông đứng sau Strange Fruit là Abel Meeropol của New York City. Thời trẻ, ông học tại Dewitt Clinton, một trường trung học công lập ở Bronx với nhiều người nổi tiếng đáng kinh ngạc. James Baldwin tới từ đây. Countee Cullen, Richard Rodgers, Burt Lancaster, Stan Lee, Neil Simon, Richard Avedon và Ralph Lauren cũng vậy.

Meeropol tốt nghiệp Dewitt Clinton năm 1921 rồi tiếp tục dạy tiếng Anh ở đây trong 17 năm. Ông cũng là nhà thơ, một nhà hoạt động xã hội.

Vào cuối thập niên 1930, theo Pellison, Meeropol vô cùng hoang mang về nạn phân biệt chủng tộc tràn lan tại Mỹ khi nhìn thấy ảnh chụp một vụ “tư hình” - một sự trừng phạt ngoài vòng pháp luật bởi một nhóm không chính thức. Ảnh được nói tới là bức Lawrence Beitler chụp vụ tư hình hai thanh niên da đen Thomas Shipp và Abram Smith ở Indiana năm 1930. Những bức hình như vậy rất phổ biến ở miền Nam nước Mỹ. Có trường hợp, đó là một người mẹ và đứa con bị treo lơ lửng giữa cầu. Trong nhiều trường hợp - bao gồm bức ảnh của Beitler - vây quanh nạn nhân là đông đảo người da trắng, đủ mọi thế hệ từ già tới trẻ, vui vẻ vẫy tay trước ống kính.

Chú thích ảnh
Abel Meeropol bên hai con trai nuôi

Bức ảnh đã ám Meeropol trong một thời gian dài. Căm ghét tư hình, căm ghét thói bất công, căm ghét những kẻ gây ra nó, ông đã viết nên bài thơ Strange Fruit. Mặc dù ca từ không trực tiếp nói tới tư hình nhưng ẩn dụ một cách rõ ràng đầy đau đớn:

“Những cây phương Nam sinh trái lạ/ Máu dưới gốc và máu trên những chiếc lá/ Thi thể người da đen đung đưa trong gió Nam/ Trái lạ treo trên những cây dương.

Cảnh đồng quê miền Nam tráng lệ/ Đôi mắt lồi và miệng vặn vẹo/ Hương mộc lan ngào ngạt và tươi mát/ Rồi đột nhiên mùi thịt cháy bốc lên!

Đây là trái cây cho lũ quạ mổ/ Cho mưa rơi cho gió trút/ Cho mặt trời làm thối rữa, cho cái cây gục đổ/ Đây một mùa vụ kỳ lạ và đắng cay”.

Là một nhạc sĩ nghiệp dư nên Meeropol cũng phổ nhạc cho bài thơ. Vào thời điểm đó, đây là hành động liều lĩnh bởi, theo luật bất thành văn, những điều trong Strange Fruit vốn không được phép nói ra. Bất ngờ, Meeropol cũng chẳng phải người da đen mà là một người Do Thái da trắng. Năm 1940, Meeropol thậm chí bị gọi ra thẩm vẩn trước ủy ban điều tra về Chủ nghĩa Cộng sản ở các trường công. Họ muốn biết có phải Đảng Cộng sản Mỹ đã trả tiền để ông viết ca khúc này không. Đã có thời như vậy đấy. Phải có một động cơ lạ khi lên án một tội ác như vậy?

Nhưng bất chấp những đối nghịch, ca khúc lập tức trở nên phổ biến ở New York, được ca sĩ da đen Laura Duncan hát tại Quảng trường Madison. Tuy nhiên, khoảnh khắc lịch sử chỉ bừng lên vào tháng 4/1939 khi Meeropol ghé tới hộp đêm Café Society.

"Strange Fruit" qua giọng hát Billie Holiday:

Hát cho thân phận người da đen

Café Society được lịch sử miêu tả như một “cột mốc”, nơi người chủ là Barney Josephson nỗ lực một cách dũng cảm để tạo ra môi trường mà người da trắng và da đen có thể cùng hòa mình với nhau. Đây cũng là nơi nữ ca sĩ trẻ - “thiên tài jazz” Billie Holiday thường biểu diễn.

Josephson đã giới thiệu 2 người với nhau và Meeropol đã hát Strange Fruit cho Holiday nghe. Vài ngày sau, Meeropol trở lại để nghe Holiday biểu diễn tác phẩm của mình.

Trước khi Holiday hát Strange Fruit, các bồi bàn đã yêu cầu khán giả giữ im lặng. Trong phần giới thiệu dài về ca khúc, ánh đèn mờ dần và mọi người bỗng lặng đi. Khi Holiday bắt đầu hát, chỉ có một đốm sáng nhỏ chiếu vào mặt cô. Khi nốt nhạc cuối cùng im bặt, tất cả đèn sáng trở lại, khi mọi người bừng tỉnh thì Holiday đã đi mất.

Chú thích ảnh
Billie Holiday - “mẹ đẻ” jazz - đã hát “Strange Fruit”bằng tất cả nỗi đau của người da đen

“Cô ấy đã diễn giải ca khúc theo cách đầy sửng sốt, kịch tính vô cùng và gây ấn tượng sâu sắc, khiến khán giả choáng váng. Đây chính xác là cách tôi muốn ca khúc được hát và là lý do tại sao tôi viết nó. Phong cách của Billie Holiday ngập đắng cay và phẩm chất đúng như tôi hy vọng. Khán giả đã tung hô vang dội” - Meeropol nhớ lại.

Làm sao một cô gái 24 tuổi lại có thể hát với sự từng trải như thế? Và quan trọng hơn, dám hát như thế?

Dù Meeropol là tác giả của Strange Fruit, chưa chắc ông đã thấu hiểu ca khúc đó bằng Billie Holiday - một cô gái mun đen đã bị cả cuộc đời bạc đãi. Cha sớm rời bỏ gia đình, Billie sống những ngày thơ vất vưởng cùng người mẹ trẻ luôn đầu tắt mặt tối với những công việc mạt hạng.

“Tôi chưa từng có cơ hội chơi búp bê như những đứa trẻ khác. Tôi bắt đầu phải làm việc từ năm sáu tuổi” như sau này cô nhớ lại. Năm 10 tuổi, cô bị hàng xóm hãm hiếp bất thành. Năm 13 tuổi, cô cùng mẹ chuyển tới New York. Ở đây, mẹ cô làm gái mại dâm và chỉ vài ngày sau khi tới thành phố hoa lệ, Holiday cũng thành nạn nhân của nạn buôn bán tình dục với giá 5 USD mỗi lần đi khách. Những nỗi đau tuổi thơ này đã bám đuổi cô cho tới khi nhắm mắt lìa đời.

Thế nhưng, ngay cả khi đã gây dựng được danh tiếng, cô vẫn là nạn nhân của phân biệt chủng tộc. Cô phải lên sân khấu bằng cửa hậu, phải rời đi trước khi khán giả da trắng ùa lên sân khấu, không được ngồi khi ở trên sân khấu… chỉ vì cô là người da đen. Thậm chí, cô từng bị một khán giả gọi là “mọi đen” và ra lệnh cho cô hát như một nô lệ.

Trước khi lên hát Strange Fruit, Holiday đã rất lo lắng vì sợ bị trả thù. Nhưng cuối cùng, hình ảnh người cha phải chết vì định kiến chủng tộc đã giúp cô đứng vững. “Tôi phải tiếp tục hát nó, không chỉ bởi vì mọi người yêu cầu mà bởi vì 20 năm sau khi Pop chết, những thứ giết ông vẫn xảy ra ở miền Nam” - cô viết trong hồi ký.

Holiday không hát chỉ bằng chất giọng trời ban, cô đã hát bằng cả cuộc đời cay đắng bởi: “Nếu tôi cứ hát như người khác thì tôi hát để làm gì”.

Sau khi bị Columbia từ chối vì nội dung nhạy cảm, Holiday ghi âm Strange Fruit ở hãng đĩa Commodore. Không đài nào dám phát bản thu nhưng Strange Fruit vẫn được săn lùng ở các tiệm đĩa. Doanh số của Strange Fruit tương đương với 20 hit hàng đầu thập niên 1930. Năm 1990, tạp chí Time vinh danh Strange Fruit là “ca khúc của thế kỷ”. Thư viện Quốc hội (Mỹ) đã đưa nó vào Danh mục Thu âm Quốc gia.

Nghệ sĩ nào chẳng mong có tác phẩm bất hủ với thời gian nhưng có lẽ, bản thân Holiday đã mong Strange Fruit sẽ chỉ còn là di tích của thời mông muội. Thế mà tới giờ, đáng buồn thay, người ta vẫn tìm nghe lại Strange Fruit để xoa dịu nỗi đau đương đại.

Abel Meeropol và những người con nuôi

Khi viết thơ và nhạc Strange Fruit, Meeropol đã lấy bút danh là Lewis Allan. Đó là tên các con của Meeropol, 2 đứa trẻ chết non. Vợ chồng ông sau đó đã nhận nuôi 2 đứa trẻ có bố mẹ bị xử tử vì tội gián điệp. Đây chính là kết nối người ta thấy giữa Abel Meeropol với người đàn ông đã viết Strange Fruit: Nhận nuôi những đứa trẻ bị ngay cả họ hàng ruồng bỏ vì sợ bị liên lụy.

Về sau, con nuôi vẫn nhớ mãi về ông như một người vô cùng dịu dàng, từ những hành động nhỏ nhất, như về cái cây phong già trong vườn nhà họ. Rất nhiều cây con mọc lên quanh cây phong già và khi con nuôi định xén hết, Meeropol đã hốt hoảng kêu lên: “Không, con không thể giết những cây con”. Sau đó, ông đào chúng lên, đặt vào lon cà phê và xếp chúng dọc nhà. Có hàng trăm cây như vậy! Ông đơn giản là không thể giết chúng.

Abel Meeropol qua đời năm 1986. Các con nuôi ông sau đó đều thành giáo sư đại học. Họ cũng rất tích cực hoạt động xã hội và đã lập quỹ cho trẻ em. Và sau rất nhiều năm, chính họ cũng không thể giết những cây non trong vườn.

Thư Vĩ (Tổng hợp)