17/03/2019 11:05 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - "Trở về" là tên mà Tân Nhàn gọi liveshow đầu tay dù đã ngót ngét 15 năm tiếng hát của cô đi vào trái tim những người yêu nhạc. Sự trở về ở đây ngoài lần giở những ký ức mà chính bản thân Tân Nhàn dành cho quãng đường sự nghiệp vừa qua, còn là gửi gắm nỗi lòng cho tình yêu quê hương, tình yêu vô bờ dành cho mẹ và tôn vinh giá trị truyền thống âm nhạc.
Tối qua (16/3), liveshow đầu tay của ca sĩ Tân Nhàn mang tên Trở về đã được diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị (Hà Nội).
Ở "bữa tiệc" âm nhạc thịnh soạn này, những khán giả dành tình yêu mãnh liệt cho nghệ thuật và âm nhạc truyền thống chắc hẳn đã có một đêm thưởng thức ngập tràn cảm xúc. Suốt 3 phần của chương trình, Tân Nhàn không ngừng biến hóa với chèo, xẩm, quan họ, chầu văn cùng dàn nhạc giao hưởng hoành tráng.
Trong phần 1 mang tên Quê mẹ, bên cạnh các khúc quen thuộc gắn với tên tuổi Tân Nhàn như: Trở về, Quê mẹ, Tình đất, Gặp nhau giữa rừng mơ, cô cùng người bạn thân Thu Hà thể hiện ca khúc Hai quê với ý nghĩa cao đẹp về tình bạn.
Tân Nhàn và Thu Hà, một người quê ở Hà Nam, một người quê ở Hưng Yên nhưng cùng trở thành sinh viên của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và đều đam mê theo đuổi dòng nhạc mang âm hưởng dân gian.
Họ cùng đạt được những giải thưởng lớn của Sao Mai khi đang là sinh viên của học viện; cùng nhau trở thành những cô giáo dạy thanh nhạc, cùng nhau học thạc sĩ, rồi lại cùng nhau học lên tiến sĩ.
Năm nay cả hai sẽ cùng bảo vệ luận án tiến sĩ, cùng có gia đình hạnh phúc và luôn gắn bó với nhau trong cuộc sống và âm nhạc như tri kỷ. Vì vậy, cả hai đã rất hoà quyện và ăn ý trên sân khấu.
Màn trình diễn ca khúc Gặp nhau giữa rừng mơ của Tân Nhàn được dàn dựng khá hay và độc đáo
Phần 2 với chủ đề Trăng khuyết cũng là ca khúc đưa Tân Nhàn đến với Giải nhất Sao Mai 2005 dòng nhạc dân gian.
Ở phần này, Tân Nhàn gửi tặng khán giả những ca khúc được nhiều người yêu mến như: Xa khơi, Người con gái sông La, Trăng khuyết, Đào… Hai tiết mục Người con gái sông La và Trăng khuyết được dàn dựng vô cùng ấn tượng, đẹp mắt cùng tiếng hát chất chứa nhiều cảm xúc của Tân Nhàn khiến khán giả vô cùng ấn tượng.
Thăng hoa và mang đến cảm xúc mãnh liệt hơn cả, phần 3 với chủ đề Trở về, Tân Nhàn cùng các nghệ sĩ làm say lòng khán giả bằng những âm hưởng dân gian, truyền thống gần gũi nhưng cũng rất hiện đại. Những bài ca cổ của âm nhạc truyền thống Việt Nam qua giọng hát Tân Nhàn cùng dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc điện tử và dân tộc đã khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú và không ngừng tán thưởng.
Tân Nhàn đã không ngừng “biến hóa” kỳ diệu, khi thì cô hát làn điệu chèo cổ Duyên phận phải chiều hay Đào liễu, khi lại thể hiện ngọt ngào, xốn xang bài dân ca quan họ Tương phùng tương ngộ.
Đặc biệt, Tân Nhàn cũng gây ấn tượng mạnh khi cùng NSƯT Đình Cương thể hiện bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Khán giả đã dành cho hai nghệ sĩ nhiều mỹ từ cùng những tràng pháo tay dài không ngớt.
Tân Nhàn cùng NSƯT Đình Cương với Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Sau màn độc diễn hát văn ca khúc Chân quê của NSƯT Đình Cương, Tân Nhàn tiếp tục gây bất ngờ khi hát xẩm cùng NSƯT Văn Ty bài “Mục hạ vô nhân”. Đây là bài xẩm mà NSƯT Văn Ty là người đầu tiên thể hiện và được đánh giá là chuẩn mực trong lối hát xẩm.
Sự xuất hiện của NSƯT Văn Ty cũng là điều bất ngờ Tân Nhàn và ê-kíp muốn dành tặng khán giả ở phút cuối. Với Mục hạ vô nhân, Tân Nhàn không chỉ cực kỳ ăn ý với NSƯT Văn Ty ở cách hát, giọng hát, mà cô còn gây thích thú khi diễn tả cảnh cô vợ hờn dỗi, nũng nịu khi chồng cứ đánh mắt đò đưa ra bên ngoài. Cách diễn dấm dẳng vừa đủ của Tân Nhàn làm bài xẩm thăng hoa và ý vị hơn rất nhiều.
Tân Nhàn và NSƯT Văn Ty trong "Mục hạ vô nhân"
Phút thăng hoa, rực rỡ và bùng nổ nhất là tiết mục kết show Cô đôi thượng ngàn. Dường như, những gì tinh túy nhất của âm nhạc truyền thống đều được ê-kíp chọn lọc kĩ càng kết hợp cùng cách dàn dựng lộng lẫy như tái hiện hình ảnh Cô Đôi trong huyền thoại đạo Mẫu của người Việt trên sân khấu đã làm khán giả không khỏi phấn khích, hò reo không ngừng.
Bùng nổ, thăng hoa với bài kết "Cô Đôi thượng ngàn"
Tuy nhiên, điều cảm xúc nhất trong đêm nhạc của Tân Nhàn chính là lúc chương trình kết lại, thay vì chụp ảnh và nhận lời chia vui từ khán giả đang hướng về mình, Tân Nhàn lại dáo dác chạy xuống hàng ghế khán giả tìm NSND Trung Kiên - người thầy mà cô vô cùng trân quý, kính trọng và biết ơn.
Ở tuổi 83, sức khoẻ của NSND Trung Kiên không được như xưa, ông rất khó khăn để di chuyển, nhưng đã không ngại trời Hà Nội chuyển mưa gió, thay đổi thời tiết để đến dự đêm nhạc của học trò cưng. NSND Trung Kiên đã vô cùng xúc động, ông liên tục nói với Tân Nhàn rằng đêm nhạc quá tuyệt vời, ông tự hào về cô. Ông cũng nói: “Thầy đã khóc khi nghe con hát”…
Liveshow cá nhân đầu tiên của Tân Nhàn - ca sĩ, giảng viên và cũng là Phó trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia đã khép lại và chắc hẳn với những khán giả yêu mến, say mê âm nhạc truyền thống thì Trở về đã khiến họ tận hưởng được vô vàn cảm xúc.
Sự nỗ lực khám phá, tìm hiểu, học hỏi, mong muốn góp sức mình làm lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt đến đông đảo công chúng đã chính thức được khán giả ghi nhận từ đây.
H.A
Ảnh: Hòa Nguyễn - Bình Quách
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất