Từ phim 'Đấu trường sinh tử': Nữ đấu sĩ có phải là sản phẩm tưởng tượng?

27/11/2015 13:30 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Khi phần cuối của loạt phim The Hunger Games ra rạp, với nội dung mô tả một xã hội đen tối, nơi có những con người hào hứng chứng kiến cuộc quyết chiến bên trong đấu trường, hình bóng về các võ sĩ giác đấu thời cổ đại lại sống dậy.

Những trận đấu tới chết giữa các võ sĩ giác đấu được cho là thịnh hành dưới thời La Mã. Nhưng bản thân người La Mã lại không chắc chắn về nguồn gốc của trận đấu này.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng nó xuất hiện từ thời kỳ đầu của nền văn minh Etruscan, trong khi những người khác nói giác đấu được du nhập từ vùng Campania, thuộc Nam Italy ngày nay. Có điều tất cả đều đồng tình là các cuộc giác đấu không phải "sáng kiến" của người La Mã. Họ thường rất khoái “học hỏi” ý tưởng hay từ các nước láng giềng.

Huyền thoại về sự ra đời của thành Rome được cho là có gắn với một cuộc giác đấu, giữa 2 anh em là Romulus và Remus, nhằm phân định xem đâu sẽ là nơi xây dựng thành phố mới. Kết quả là Romulus đã giết chết anh trai và lập ra thành Rome.

Ngoài đời thực, những cuộc chiến giữa các võ sĩ giác đấu đã trở thành một phần trong xã hội La Mã,  được xem như món quà mà những người nắm quyền lực và giàu có muốn dành cho dân chúng.


Các đấu sĩ tái hiện lại nhiều trận chiến lớn và họ được xem như những người nổi tiếng ở Rome

Cuộc sống đấu sĩ... sướng hơn các nô lệ

Trong thế giới giả tưởng Panem củaThe Hunger Games (Đấu trường sinh tử), việc những người trẻ tuổi phải đọ sức với nhau được xem như hình thức trừng phạt cho một cuộc nổi dậy trước đó. Ngoài ra, đây cũng là cuộc chiến để giành được thực phẩm cho người dân trong Quận của họ.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng người La Mã cũng nhìn nhận các trận giác đấu dưới lăng kính đơn giản như vậy.

Trước tiên, cần phải biết rằng các đấu sĩ đều là nô lệ, và trong con mắt các chủ nô, họ chỉ có chút ít giá trị hơn so với một món đồ.

Trong khi công chúng hiện đại thường quan tâm nhiều tới việc đấu sĩ có thể mất mạng trong một cuộc chiến, thực tế thì trong thời cổ đại, cuộc sống của họ khá khẩm hơn nhiều so với những nô lệ bị gửi tới lao động trong các khu mỏ. Và do phải mất nhiều thời gian để đào tạo một đấu sĩ, các chủ nô cũng thường tìm cách kéo dài cuộc sống của họ.

Có rất nhiều kiểu đấu sĩ khác nhau: Một đấu sĩ Retiarius sẽ lâm trận với lưới và một cây đinh ba; một Samnite mang kiếm ngắn và khiên, trong khi Murmillo chọn một thanh kiếm dài hơn, lá chắn, và mũ đội đầu. Ngoài ra còn hơn chục kiểu đấu sĩ nữa.


Tác phẩm khắc đá cẩm thạch, cho thấy hai nữ đấu sĩ đang chiến đấu với nhau

Các trận giác đấu cũng có dăm bảy loại, để tăng sự phấn khích cho công chúng. Đó có thể là hai đấu sĩ đánh nhau; cũng có thể họ phải chiến đấu với những con dã thú. Thi thoảng, một đấu trường lại được đổ đầy nước để chuẩn bị cho một trận hải chiến thu nhỏ.

Nhưng không phải lúc nào các đấu sĩ cũng ngoan ngoãn nghe theo sự điều khiển của các chủ nô. Vào năm 73 TCN, Spartacus, võ sĩ giác đấu nổi tiếng nhất trong lịch sử, đã mang các kĩ năng chiến đấu của mình ra khỏi đấu trường.

Spartacus từng là một người lính thuộc quân đội La Mã, nhưng cuộc đời binh nghiệp của ông rẽ sang hướng xấu, bị bỏ tù, trở thành nô lệ và cuối cùng được đào tạo để trở thành đấu sĩ tại Capua, miền Nam Italy.

Spartacus đã thuyết phục 70 đấu sĩ khác cùng trốn khỏi trường đào tạo và chạy lên núi Vesuvius, nơi có những nô lệ khác và một số người tự do cùng gia nhập với họ. Không lâu sau đó, Spartacus nhận ra mình đang lãnh đạo khoảng 70.000 người và ông đã đánh bại cả những đội quân La Mã thiện chiến nhất.

Chính quyền phải tốn nhiều công sức mới chinh phạt xong nhóm nổi loạn này, với khoảng 6.000 chiến binh bị đóng đinh câu rút dọc theo tuyến đường từ Rome tới Capua, nhằm dằn mặt những kẻ có ý định nổi loạn khác.

Đi tìm dấu vết của nữ đấu sĩ

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là La Mã cổ đại có trận đấu giữa các nữ võ sĩ giác đấu hay không? Đáp án là có. Nữ võ sĩ giác đấu rất hiếm, nhưng họ có tồn tại và được coi như điểm mới lạ cho một trận đấu.

Rõ ràng là việc nhìn những người phụ nữ chiến đấu sẽ mang lại cảm giác gợi cảm đặc biệt, không chỉ vì họ để ngực trần khi lâm trận.

Có một tác phẩm nghệ thuật khắc đá cẩm thạch, được tìm thấy tại Halicarnassus (một thành phố La Mã cổ đại, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), miêu tả 2 phụ nữ, tên Achillia (phiên bản nữ của Achilles) và Amazon đang đối mặt với nhau. Trong cuộc chiến, mỗi người đều cầm kiếm và khiên, với tư thế trông rất ấn tượng.

Nếu các nam đấu sĩ là biểu tượng cho sức mạnh rắn rỏi thì các trận đấu có nữ đấu sĩ lại mang ý nghĩa ngược lại. Hoàng đế La Mã Domitian từng bố trí một trận giác đấu giữa các nữ đấu sĩ và người lùn, nhằm nhắc nhở phụ nữ về vai trò của mình trong xã hội, là làm vợ và làm mẹ. Việc để các nữ chiến binh chiến đấu với những người có vóc dáng như trẻ con chỉ là cách để gây sốc.

Thời hiện đại, hình ảnh các đấu sĩ vẫn xuất hiện khá nhiều trong văn hóa đại chúng. Trong phim Star Trek, khi thuyền trưởng Kirk tới một hành tinh giống Trái đất, các cuộc giác đấu vẫn là một phần trong cuộc sống hằng ngày, và được phát lên sóng truyền hình để dân chúng giải trí.

Nhưng hiện thân nổi tiếng nhất của đấu sĩ trong thế kỷ 21 chắc chắn là phải những hình ảnh trong Đấu trường sinh tử, và một bộ phim khác mang tên Battle Royale (Cuộc chiến sinh tử), xoay quanh câu chuyện về những người trưởng thành bắt lớp trẻ phải chiến đấu với nhau cho đến chết.

Các nhân vật phản diện trong Battle Royale coi các cuộc chiến là cách để giữ những người trẻ tuổi trong tầm kiểm soát. Họ lý giải cho phương pháp lạ kỳ: “Vì cuộc sống vốn là một trò chơi”.

Còn nhân vật Katniss Everdeen trong Đấu trường sinh tử lại tình nguyện trở thành chiến binh, vì muốn thế chỗ cho em gái. Sau này cô có một sự nghiệp giác đấu lừng lẫy và đã dạy cho chế độ cầm quyền ở Capitol một bài học, rằng trong khi cố gắng dập tắt một cuộc nổi dậy cũ, họ tạo ra cơ hội hoàn hảo để một cuộc nổi dậy mới ra đời.

Phan Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm