02/06/2020 18:05 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Chiến tranh dù ở thời nào và trong bộ phim nào cũng khốc liệt, thương đau. Nhưng với Truyền thuyết về Quán Tiên, trong cảnh bom rơi lửa đạn ấy, thân phận những người phụ nữ càng thương đau hơn, khi họ vừa đảm bảo tốt công việc “cho từng chuyến xe anh qua”, vừa phải đấu tranh với bản ngã dằn vặt của chính mình.
Truyện phim kể về ba cô gái xinh đẹp tên là Mùi (Thúy Hằng thủ vai), Phượng (Minh Khuê) và Tuyết Lan (Mai Anh) sống ở một hang động trong rừng Trường Sơn những năm 1960. Giữa cao điểm của cuộc chiến ác liệt, ba cô phải nhận một nhiệm vụ đặc biệt là tiếp đón các anh lính lái xe tới nghỉ chân trong hang - mà theo lời của chỉ huy, phải biến nơi đó thành một cái “Quán Tiên”.
Cái bản ngã bị dằn vặt
Phim được chuyển thể từ cuốn truyện cùng tên, vốn rất nổi tiếng và từng gây nhiều tranh cãi từ những năm 1980 của nhà văn Xuân Thiều. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ tiếp cận khía cạnh “từng gây nhiều tranh cãi” này để mang đến một góc nhìn mới về phim chiến tranh. Ở đó cũng có một khu rừng làm bối cảnh, một nhiệm vụ phải hoàn cảnh, nhưng cuộc chiến gay cấn nhất lại không phải là giữa phe ta và phe địch. Ở đó, các nhân vật - dù là con người hoặc thú vật - đều có lúc bộc lộ những thứ nguyên thủy nhất của bản ngã, với vô vàn cung bậc khác nhau.
Có lợi thế khi sở hữu một cốt truyện với nội dung đặc biệt, bộ phim phần nào mang đến cho khán giả những suy nghĩ khác về dòng phim thuộc đề tài chiến tranh, thường vốn chỉ được mô tả với bom rơi, lửa đạn; những chia lìa, đau thương và cả tinh thần lạc quan chiến đấu. Thoát khỏi lối mòn ấy đã là thành công bước đầu.
Là nhân vật trung tâm của câu chuyện, 3 cô gái có tính cách, số phận khác nhau: Một đằm thắm kiểu đàn bà, một hừng hực tuổi xuân, một có phần trẻ con nhõng nhẽo. Sống giữa đại ngàn Trường Sơn, trong hang sâu, họ cũng phải dồn nén chính bản ngã của mình, để luôn xác định đặt con người nhiệm vụ lên trên. Các cô mỗi người một số phận, nhưng điểm chung là đều phải chịu đựng nỗi cô đơn tận cùng trong một hang sâu giữa rừng già mà không phải ai cũng hiểu và thấu cảm được.
Nào đâu chỉ có cô chị cả Mùi - người đã được nếm “mùi đời” (dù chỉ sau 3 ngày đám cưới, chồng cô đã biền biệt đi B, 5 năm ròng không một tin tức) - hai cô gái còn lại đều mang trong mình khao khát yêu đương cháy bỏng. Nếu Tuyết Lan mắc chứng hysteria (còn được biết đến là căn bệnh “thiếu hơi đàn ông”) và bản năng trong cô bộc lộ rõ ràng, nhất là khi trong hang động xuất hiện người đàn ông đầu tiên, thì cô em út Phượng trong đêm mưa gió đã trót “uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời” với anh lính lái xe, để rồi lưu luyến khôn nguôi, nguyện sống chết bên nhau. Khai thác ẩn ức tính dục và cuộc giằng xé nội tâm của 3 cô gái, rồi đặt bi kịch đó vào hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, phim đã tạo nên được bức tranh tương phản, thú vị, đầy chất đời.
Giá như có các điểm nhấn
Tuy bày biện khá bao quát như đã nêu ở trên, nhưng phim thiếu những chi tiết đắt giá, vì vậy chưa làm bật lên nỗi cô đơn, sự giằng xé giữa nhiệm vụ và bản năng đàn bà. Chi tiết con khỉ từng được quảng bá là điểm nhấn lớn của phim lại được khai thác còn khá hời hợt. Rõ ràng con khỉ là hình ảnh vừa mang tính tả thực, vừa mang nghệ thuật ẩn dụ đầy sức nặng, nhưng cuối cùng, việc giải quyết chóng vánh đã làm lơi nhịp phim. Điều này khiến cái kết phim khá mơ hồ, khó chạm đến cảm xúc nơi khán giả.
Đinh Tuấn Vũ dường như còn khá hiền trong việc xử lý tình huống và chưa dám đột phá để bước qua “vòng kim cô” của sự an toàn. Thế nên, những ẩn ý, những tầng nghĩa lớp lớp của kịch bản chỉ được giải quyết ở bề nổi, đôi khi minh họa. Đó là lý do khiến bộ phim giảm đi sức nặng và chưa để lại sự day dứt, ám ảnh.
Về ưu thế, Đinh Tuấn Vũ có trong tay 3 nữ diễn viên chính cùng các diễn viên nam tương đối đều tay và biết nương nhau về mặt diễn xuất. Phim được đầu tư khá lớn, riêng phần âm nhạc đã là con số tiền tỷ, với sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng. Bối cảnh quay tại Quảng Bình đầy hùng tráng, thơ mộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sự rờn rợn. Nếu nhìn riêng rẽ từng ưu thế vừa kể thì phim đã có được những chất liệu quan trọng, chỉ hơi tiếc là về tổng thể thì khai thác chưa đủ độ chín, thiếu các điểm nhấn cần thiết.
Các chi tiết như bộ xương của người lính nằm trong chiếc võng được mắc lơ lửng giữa thân cây; kỷ vật tình yêu là chiếc rút dép; những lá thư diễm tình diễm lệ; cái ôm thật chặt trong đêm mưa gió của người lính lái xe; sự lăn xả của những cô gái mở đường; cảnh các cô gái tắm suối… đều là những hình ảnh đầy dung dị, xúc động. Nhưng, bức tranh cuộc chiến trong phim, dù chỉ xuất hiện điểm xuyết, vẫn thiếu sự khốc liệt như nó cần phải có. Vài cảnh cháy nổ sơ sài với hiệu ứng hình ảnh như bao bộ phim cùng đề tài đã làm giảm đi hiệu quả thị giác và cảm xúc cho khán giả.
Dẫu nhiều người đã biết rằng khi bước vào cuộc chiến thì có nề hà chi sự hy sinh, nhưng trong phim này, sự hy sinh chưa thật sự tương xứng. Đáng lẽ, nó phải xúc động hơn, bình dị, nhưng bi tráng để góp phần tạo sự tương phản, nhằm làm rõ hơn một góc nhìn mới về đề tài chiến tranh. Cái tình, cái lý và cách giải quyết của thủ trưởng Lâm với 3 cô gái trẻ vừa thiếu đi sự quyết liệt của kỷ luật thời chiến, vừa có sự nhẫn tâm đáng tiếc. Không thể lấy một hành động máy móc của hiện tại để giải quyết một sai lầm trong quá khứ.
Hơn 5 năm rồi mới có một phim đề tài chiến tranh do Việt Nam sản xuất ra rạp, Truyền thuyết về Quán Tiên lại do một đạo diễn còn khá trẻ thực hiện, càng đáng để ủng hộ. Chính vì vậy, dù phim còn có điểm này điểm kia chưa được hoàn chỉnh, nhưng đây vẫn là một bộ phim rất đáng xem.
Minh Khôi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất