Giám định tư pháp xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả: Đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền

06/08/2019 14:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.9.2019, được kỳ vọng sẽ góp phần siết chặt hành lang pháp lý, đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền.

Cuộc chiến tác quyền âm nhạc: Gần 100 nhạc sĩ 'tố' Công ty Cổ phần Sky Music vi phạm quyền tác giả

Cuộc chiến tác quyền âm nhạc: Gần 100 nhạc sĩ 'tố' Công ty Cổ phần Sky Music vi phạm quyền tác giả

Cháu ruột nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, tỷ phú Hoàng Kiều - người Việt tại Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ kiện Công ty Cổ phần Sky Music vi phạm quyền tác giả đối với các sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Thông tư quy định tổ chức giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có hoạt động chuyên môn phù hợp đã được công bố theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

Thông tư quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định tư pháp. Thông tư áp dụng đối với người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan.

Người giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực văn hóa thuộc chuyên ngành phù hợp đã được bổ nhiệm, công bố theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Khoản 3 điều 3 Chương I Thông tư nêu rõ: “Tổ chức giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có hoạt động chuyên môn phù hợp đã được công bố theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

Chương II bao gồm những quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả và quyền liên quan. Theo đó, người giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan (người giám định tư pháp), tổ chức giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan (tổ chức giám định tư pháp) tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, mẫu vật có liên quan để thực hiện giám định. Trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật.

Điều 5 về “Chuẩn bị thực hiện giám định” nêu rõ các bước: Người giám định, tổ chức giám định tư pháp tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật về sở hữu trí tuệ để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp. Trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan. Bên cạnh đó, người giám định tư pháp có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định (các hiện vật cụ thể là yếu tố xâm phạm hoặc đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ) hoặc đề nghị người trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định. Việc cung cấp mẫu giám định phải được lập thành biên bản và lưu trong hồ sơ giám định. Trường hợp cần thiết, người giám định tư pháp tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác để đưa ra đánh giá, kết luận.

Đối với những vụ việc phức tạp, tổ chức giám định tư pháp quyết định thực hiện giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan bằng hình thức giám định cá nhân hoặc giám định tập thể.

Về nội dung thực hiện giám định, tại điều 6 quy định người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật trên cơ sở hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định. Việc xem xét giám định bao gồm một hoặc các nội dung: xác định đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan; xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; xác định giá trị quyền tác giả, quyền liên quan, xác định giá trị thiệt hại; các nội dung khác có liên quan về quyền tác giả, quyền liên quan. Người giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định.

Căn cứ kết luận giám định tư pháp và quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, người giám định tư pháp kết luận những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Khi việc thực hiện giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan hoàn thành, người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu giám định. Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm lập hồ sơ giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 1 điều 33 của Luật Giám định tư pháp và quy định tại Thông tư này.

Với những quy định cụ thể và chặt chẽ, Thông tư về quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi những vấn nạn về xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan đang diễn ra ngày càng phổ biến hiện nay.

Theo Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm