Lộ bí mật chương trình giám sát Internet ở Mỹ: Chân dung 'người hùng bảo vệ tự do'

11/06/2013 08:25 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Người Mỹ lâu nay vẫn tự hào rằng họ sống trong một đất nước tự do, được làm mọi thứ theo ý mình. Nhưng phải tới gần đây, họ mới biết mình đang nằm trong vòng cương tỏa vô hình của các cơ quan tình báo Mỹ. Và nhân vật phanh phui bê bối động trời trên lại chính là một cựu thành viên lực lượng tình báo.

Một cựu nhân viên của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đứng sau vụ phanh phui việc các cơ quan tình báo Mỹ bí mật theo dõi dân thường hôm 9/6 nói rằng anh đã hành động để "bảo vệ các quyền tự do cơ bản của người dân quanh thế giới".

Edward Snowden, người tiết lộ chương trình Prism của Mỹ

Một thế giới bị ghi âm

Edward Snowden, 29 tuổi, đã được tờ Guardian của Anh xác định là nhân vật giúp thế giới biết về vụ theo dõi gây chấn động kể trên. Snowden, hiện đang ở Hong Kong (TQ), tuyên bố anh có "nghĩa vụ giúp giải thoát nhân dân khỏi sự đàn áp".

Guardian dẫn lời Snowden nói rằng anh đã chạy tới ở một khách sạn tại Hong Kong (TQ) trong ngày 20/5, dù nơi ở hiện nay của anh ở đâu là điều không ai biết. Anh được tờ báo mô tả là một cựu kỹ thuật viên của CIA, hiện là nhân viên của nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton vốn làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Snowden nói với Guardian: "NSA đã xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng cho phép họ ngăn chặn gần như mọi thứ. Với khả năng này, phần lớn hoạt động giao tiếp của con người đều bị tự động bị ghi lại. Nếu tôi muốn đọc thư điện tử của anh hoặc nghe lén điện thoại của vợ anh, tất cả những gì tôi phải làm chỉ là tiến hành hoạt động chặn. Tôi có thể lấy được các thư điện tử của anh, các mật mã, các dữ liệu điện thoại, thông tin thẻ tín dụng.

Bất kỳ nhà phân tích nào có thể đưa ai đó vào mục tiêu. Tôi ngồi tại bàn làm việc của mình và có quyền nghe lén bất kỳ ai, từ kế toán của anh cho tới một thẩm phán liên bang hoặc cả Tổng thống nếu tôi có thư điện tử cá nhân của ông.

Tôi không muốn sống trong một xã hội làm những điều như thế. Tôi không muốn sống trong một thế giới nơi mọi thứ tôi làm và nói đều bị ghi lại. Đó là điều tôi chưa sẵn sàng ủng hộ hoặc sống dưới nó".

Chương trình Prism

Vụ bê bối xuất hiện lần đầu trong đêm thứ Tư tuần trước, khi tờ Guardian nói rằng một tòa án bí mật của Mỹ đã yêu cầu công ty điện thoại Verizon phải chuyển cho NSA hàng triệu hồ sơ về các cú điện thoại, gọi là "metadata". Metadata này có số của hai thuê bao trong một cuộc điện thoại, thời gian gọi, ngày tháng năm và địa điểm diễn ra cuộc gọi.

Liên tiếp sau đó, cả Guardian và tờ Washington Post đều có các bài viết nói rằng NSA đã trực tiếp cài đặt hệ thống giám sát, ngăn chặn thẳng vào máy chủ của 9 công ty Internet gồm Facebook, Google, Microsoft và Yahoo để theo dõi hoạt động giao tiếp qua mạng Internet, trong khuôn khổ một chương trình mang tên Prism.

Prism được tạo ra để giúp NSA và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) quyền tiếp cận với các thư điện tử, các đoạn chat qua web và cả các cuộc liên lạc trực tiếp thực hiện từ các máy chủ thuộc các công ty Internet lớn của Mỹ. Các dữ liệu này sẽ dùng để theo dõi các nghi phạm nước ngoài bị nghi ngờ làm khủng bố hoặc gián điệp. NSA cũng thu thập dữ liệu điện thoại của các công dân Mỹ, nhưng không ghi âm cuộc gọi.

Ngay sau đó, vào ngày 9/6, giám đốc tình báo Mỹ James Clapper nói rằng tất cả thông tin thu thập dưới chương trình Prism đã được sự phê chuẩn từ Tòa án Luật Giám sát Tình báo nước Ngoài (FISA).

Tổng thống Obama cũng bênh vực Prism, nói rằng nó là cần thiết để bảo vệ Mỹ khỏi bị tấn công khủng bố. "Không ai nghe lén điện thoại của quý vị. Chương trình này không nhắm tới việc đó" - ông nói.

Thái độ của giới chức Mỹ có nghĩa Snowden sẽ gặp rắc rối lớn trong thời gian tới. Theo Mark Zaid, một luật sư về an ninh quốc gia, Snowden có thể sẽ bị bỏ tù nhiều năm vì tội làm lộ tin mật. Ông cho rằng Snowden sẽ phải chịu nhiều cáo buộc hình sự, với mỗi cáo buộc có thể mang lại hình phạt từ 10-20 năm tù giam.

Phóng viên Glenn Greenwald của tờ Guardian tổ chức họp báo để nói về cuộc gặp mặt với Snowden, người hiện đang lánh nạn tại Hong Kong (TQ)

Bình thản chờ đợi số phận

Cá nhân Snowden tin rằng anh không phạm tội gì cả. "Chúng ta đã chứng kiến đủ hành vi phạm tội ở phía chính quyền. Thật đạo đức giả khi cáo buộc tôi phạm tội" - anh nói. Tuy nhiên khi được hỏi điều gì sẽ có thể xảy ra với mình trong tương lai, Snowden nói rằng chẳng có gì tốt đẹp. Anh cho biết đã sẵn sàng để vào tù. "Nếu họ muốn tóm anh, dần dần họ sẽ làm được việc đó" - anh nói.

Snowden giải thích đã tới Hong Kong (TQ) vì nơi đây có truyền thống mạnh trong việc bảo vệ tự do ngôn luận. Hong Kong (TQ) từng ký thỏa thuận dẫn độ với Mỹ không lâu trước khi vùng lãnh thổ này được trả về cho Trung Quốc vào năm 1997. Tuy nhiên Bắc Kinh có thể can thiệp vào hoạt động dẫn độ nếu thấy ảnh hưởng tới an ninh quốc gia hoặc chính sách ngoại giao.

Visa tiêu chuẩn hiện chỉ cho phép một công dân Mỹ ở lại Hong Kong (TQ) trong 90 ngày. Vì thế Snowden đã bày tỏ ý định xin tị nạn ở Iceland. Tuy nhiên tờ South China Morning Post dẫn lời đại sứ Iceland ở Trung Quốc nói rằng theo luật nước này, một người chỉ có thể xin tị nạn nếu họ có mặt ở Iceland.

Ngày 10/6, một trong các phóng viên Guardian đưa tin về vụ Snowden là Glenn Greenwald đã nói với các phóng viên ở Hong Kong (TQ) rằng cựu nhân viên CIA biết rõ mình đang làm gì. "Anh ấy là một con người. Hiển nhiên anh ấy đang sợ hãi, nhưng không phải tê liệt trong nỗi sợ. Tôi cảm thấy anh ấy rất bình thản trước sự lựa chọn của bản thân mình" - ông nói.

Tường Linh (theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Các vụ rò rỉ tin an ninh lớn của Mỹ

1971: Daniel Ellsberg đã rò rỉ tài liệu cho thấy chính quyền Mỹ hiểu rằng họ khó thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam

1972: Bob Woodward và Carl Bernstein đã hé lộ chi tiết vụ che đậy thông tin liên quan tới hoạt động đột nhập trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, mở màn cho vụ bê bối Watergate nổi tiếng.

1986: Một giáo sĩ Iran tiết lộ rằng Mỹ đã bán vũ khí trái phép cho Iran. Tiền thu được từ bán vũ khí sau đó lại được dùng để chi cho tổ chức Contra của Nicaragua. Vụ bê bối này khiến chính quyền Ronald Reagan lao đao một thời gian.

2004: Việc xuất bản hàng loạt các bức ảnh lạm dụng tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib đã khiến chính quyền Mỹ phải mở cuộc điều tra toàn diện vào vụ bê bối.

2010: Quân nhân Bradley Manning chuyển hàng ngàn tài liệu mật từ các máy chủ quân sự và chuyển chúng cho trang Wikileaks, gây ra vụ bê bối khiến nước Mỹ bẽ mặt.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm