16/04/2020 06:30 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Hôm nay (16/4) là tròn đúng một tháng kể từ ngày LS V-League 2020 tạm dừng. Diễn biến gần nhất là nhiều đội bóng đã đồng loạt giảm lương cầu thủ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Giảm lương cầu thủ được coi như xu hướng chung của bóng đá thế giới hiện thời. Chuyện này buộc phải làm với cả những đội bóng lớn, tiềm lực kinh tế đủ đầy.
Không thi đấu, bóng ngừng lăn, V-League chưa biết ngày trở lại, quá trình như thế sẽ kéo thêm thời gian hoạt động cho một mùa bóng. Phát sinh chi phí khó tránh khỏi, trong khi nguồn lực hoạt động cho dù từ nhà tài trợ hay của địa phương đã được bó gọn “một cục” cho kế hoạch từ đầu rồi.
Nhiều CLB đã giảm, vài đội đang chờ tình hình
Gần nhất, những thành viên của CLB Sài Gòn chấp nhận giảm 20% lương tháng 4 như hành động san sẻ cùng đội bóng. Chủ tịch Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành thông tin rằng sau cuộc họp nội bộ, các thành viên đã thống nhất bước đầu về việc giảm lương như thế.
Đến thời điểm này Sài Gòn là CLB thứ 6 ở V-League thực hiện cắt giảm lương cầu thủ để trang trải gánh nặng tài chính khi các hoạt động bóng đá vẫn phải “cách ly”.
Trước đó, CLB Nam Định giảm 25% lương tháng 4. CLB TP.HCM giảm 30% lương tháng 4, 40% lương tháng 5 và 50% lương tháng 6 nếu V-League vẫn chưa thể diễn ra. Đội bóng xứ Thanh đã giảm 30% lương từ tháng 3, thêm 40% lương tháng 4, sẽ lên mức 50% trong tháng 5, nếu các hoạt động bóng đá vẫn chưa chốt ngày trở lại.
Câu chuyện giảm lương cũng đã được thực hiện ổn thỏa ở tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Tập thể đội bóng đã chung tay cho cắt giảm từ 20 đến 30% lương nhằm chia sẻ gánh nặng cùng CLB. Tùy theo mức lương nhận được sẽ có mức giảm tương ứng ở đội bóng Hà Tĩnh.
Những thành viên nào hưởng lương từ 30 triệu đồng trở lên, mức giảm là 30%; lương từ 20 triệu đến 29 triệu đồng, mức giảm 25%; lương dưới 20 triệu đồng, mức giảm 20%. Phương án cắt giảm được CLB áp dụng theo từng tháng kể từ tháng 4 và sẽ được điều chỉnh phù hợp khi giải đấu chính thức trở lại.
Với Quảng Nam FC, Chủ tịch CLB Nguyễn Húp chia sẻ: “Mỗi năm tổng chi phí dành cho đội bóng chúng tôi vào khoảng 70 tỉ đồng, trong đó tỉnh đầu tư khoảng 1/3, số còn lại do 3 nhà tài trợ chi trả. Chúng tôi đang đề xuất giảm lương trong tháng 4 và 5. Nếu giảm thì tổng số tiền giảm khoảng 1 tỉ đồng. Không phải quá nhiều.
Đây cũng là một cách để các thành viên trong đội chia sẻ khó khăn với tỉnh và các chủ đầu tư. Mức giảm của đội bóng là giống nhau cho tất cả thành viên vào khoảng 30%. Nếu giải trở lại trong tháng 6, cả đội lại được nhận lương đầy đủ như trước. Các cầu thủ đều mưu sinh bằng nghề đá bóng nên nếu bị cắt giảm chi tiêu, đời sống sẽ gặp khó khăn”.
Ở chiều ngược lại, vẫn có nhiều đội bóng tại V-League hiện chưa có quyết định về việc giảm lương cầu thủ. Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cho biết chưa tính đến chuyện giảm lương của các cầu thủ, vì quỹ lương của CLB vẫn ở mức dễ chịu so với mặt bằng chung.
Nói như lãnh đạo đội bóng sông Hàn thì ở CLB không có nhiều cầu thủ thuộc hàng “sao số” cũng như cũng chẳng ký kết các hợp đồng “bom tấn”, nên thu nhập của cầu thủ không nằm vào mức cao như các đội bóng khác. Tuy vậy, tùy vào diễn biến cụ thể trong thời gian sắp tới, SHB Đà Nẵng sẽ cùng cầu thủ ngồi lại với nhau để tìm thêm phương án ổn thỏa, vẹn cả đôi đường.
Còn Hà Nội FC cam kết đảm bảo lương, thưởng cho các cầu thủ đến ít nhất tháng 9, đồng thời đội bóng ĐKVĐ V-League cũng sẽ đảm bảo quyền lợi và duy trì hoạt động của các tuyến trẻ, cùng chế độ cho cán bộ nhân viên. Cũng như Hà Nội FC, từ nay cho đến hết tháng 6, CLB HAGL cũng sẽ chưa cắt giảm lương với các thành viên đội bóng.
Giảm lương, câu chuyện tế nhị được sự đồng lòng của giới cầu thủ
Việc cắt giảm lương vẫn được coi như vấn đề tế nhị ở mỗi đội bóng. Vì thế, khi đề cập đến câu chuyện này, đa phần lãnh đạo mỗi CLB luôn nhìn nhận vấn đề tất cả phải cùng nhau chia sẻ .
Sự đồng tình cũng như quyết định đưa ra đều trên tinh thần các bên cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc, thỏa thuận để đi tìm tiếng nói chung nhất để tất cả cùng thấy thoải mái. Lúc đó, không có sự áp đặt từ lãnh đạo, đồng thời nhận lại cảm thông và san sẻ trách nhiệm của mỗi thành viên đội bóng.
Nói cách khác, trong bối cảnh hiện tại, các CLB buộc phải bàn đến chuyện này, cùng với đó cầu thủ cũng ý thức được trách nhiệm của mình với tập thể.
Nói nhạy cảm là vậy, khi dựa trên hợp đồng hay quyền lợi của từng cá nhân. Còn thực ra, với việc kinh phí không phải quá dư dả ở một số đội bóng, chưa kể nhiều đội còn khá eo hẹp thì chuyện giảm lương như việc phải chấp nhận mà thôi.
Lúc này, như đã nói, ngoài gói kinh phí đã được duyệt từ đầu cho mối mùa bóng thì đâu còn nguồn thu khác. Giải đấu tạm dừng thì câu chuyện có thêm kinh phí từ bán vé (dù không phải quá nhiều) cũng là bất khả thi.
Thậm chí, vì chưa biết bao giờ hết dịch bệnh, chẳng biết lúc nào bóng lăn trở lại, nên nguy cơ nợ lương sẽ hiển hiện chứ không chỉ còn cắt giảm nữa.
Giảm lương trong bối cảnh này đâu chỉ có địa hạt bóng đá. Đa phần người lao động cũng phải như thế, thậm chí họ giảm việc hay cả mất việc tạm thời.
Bóng đá cũng không thể nằm ngoài vòng quay khó khăn ấy. Hơn lúc nào hết, bây giờ tất cả những ai đang tham gia vào đời sống bóng nước nhà cần nêu cao tinh thần tự giác. Không chỉ trách nhiệm với nghề của mình, với bóng đá, trách nhiệm cùng cộng đồng cũng chính từ đây.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất