Giáo dục công dân, ngoại ngữ và 'Giá trị Việt Nam'

04/01/2014 08:24 GMT+7


(lienminhbng.org) - 1. Việc thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ có sự thay đổi. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Ngoại ngữ rồi sẽ là môn bắt buộc, hướng tới học để biết, để giao tiếp chứ không phải để thi.

Ngoài ra, Bộ dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Có thể cộng điểm thưởng cho những học sinh là tấm gương điển hình về đạo đức, lối sống...


Sự thay đổi nhằm tới 2 vấn đề, nhắm thẳng vào 2 môn trong nhà trường: Ngoại ngữ và Giáo dục công dân. Xin được phép lạm bàn về 2 điều này.


2. Cùng nhìn sang Singapore, một mảnh đất hiếm tài nguyên, khan hiếm ngay cả nước ngọt, có trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới được không, nếu ở đó không có cái tên Lý Quang Diệu, nhà kiến tạo với triết lý nổi tiếng: “Công nghệ phương Tây, văn hóa Phương Đông, giá trị Singapore”.


Lý Quang Diệu quyết định chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Mã Lai, tiếng Trung Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Trường học đều sử dụng tiếng Anh như là chuyển ngữ cho học tập, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được dạy trong trường học. Ông khuyến khích người dân ngưng sử dụng các phương ngữ của tiếng Hoa.


Thập kỷ 1970, sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Nanyang nói tiếng Hoa khó xin việc làm, đặc biệt là trong khu vực công vì không thông thạo tiếng Anh. Lý Quang Diệu đã có một quyết định triệt để: sáp nhập Đại học Nanyang vào Đại học Singapore trở thành Đại học Quốc gia Singapore.


Việc này gây ảnh hưởng lớn, ngay các giáo sư nổi tiếng nói tiếng Hoa cũng buộc phải học để dạy bằng tiếng Anh. Những người có công xây dựng Đại học Nanyang cũng lên tiếng chống đối mạnh mẽ.


Nhưng Lý Quang Diệu đã đúng. Qua ba thập kỷ nhiệm quyền, Singapore đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên nghèo nàn.


Hiện đại và truyền thống tạo nên giá trị quốc gia.


Chuyện học Ngoại ngữ ở Singapore đã từ cách đây nhiều thập kỷ. Còn Việt Nam, đây có phải là bài học?


3. Đã có rất nhiều lo ngại về vấn đề đạo đức học đường. Giáo sư Hoàng Xuân Sính, một trong những chuyên gia hàng đầu về giáo dục cho rằng, trong 12 năm học từ tiểu học đến hết THPT, các trường chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh. Còn trang bị những đức tính con người hầu như bị bỏ ngỏ.


Thực tế, rất nhiều trẻ con Việt Nam hiện nay mất dần những đức tính rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong hình thành nhân cách con người. Đó là sự khuyết thiếu của “Giáo dục công dân”.


Nói đến môn Giáo dục công dân, chúng ta cần nhìn sang “giá trị Nhật Bản”.


Nước Nhật được thế giới khâm phục vì sự phát triển kinh tế thần kỳ. Là nước công nghiệp nhưng Nhật đã và đang thực hiện một chương trình Giáo dục đạo đức dưới sự quản lý nghiêm ngặt của nhà nước. Mục đích giáo dục của Nhật là nhằm bảo tồn “Giá trị xã hội” truyền chúng lại cho thế hệ sau.


Theo nghiên cứu của nhà giáo Nhà giáo Ưu tú Châu An, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, Nhật đề ra cụ thể 6 mục tiêu và 3 trọng điểm rõ ràng.


6 mục tiêu được ghi trong khung chương trình quốc gia nhằm đào luyện con người có: Tinh thần tôn trọng nhân phẩm và lòng yêu quý cuộc sống; Tinh thần kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống và sáng tạo văn hóa giàu tính cá nhân; Tinh thần nỗ lực hình thành và phát triển một xã hội và đất nước dân chủ; Có đóng góp cho sự phát triển một thế giới hòa bình; Có thể tự quyết định một cách độc lập; Có ý thức đạo đức: Kỷ luật, tự kiềm chế, tinh thần tập thể....


Ba trọng điểm gồm: Lòng tôn trọng cuộc sống - Quan hệ cá nhân và cộng đồng - Ý thức về trật tự dọc (Kỷ luật xã hội). Ý thức về trật tự dọc là tôn ti xã hội nghiêm ngặt và là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của quốc gia Nhật Bản.


Theo nhà giáo Châu An, nguyên nhân chủ yếu khiến giáo dục Nhật Bản thành công là do chính trật tự dọc này. Nó đã chuyển hóa vào các đơn vị cơ sở của xã hội, bao gồm cả trường học. Trật tự dọc bắt nguồn từ gia đình, từ trường học, đến các cộng đồng… các thành viên thuộc nhiều thế hệ gắn kết với nhau bởi tình cảm tự nhiên hơn là bởi mục đích khác. Tập thể mới tạo nên sức mạnh. Điều đó góp phần tạo nên Giá trị Nhật Bản.


Trong giáo dục cần những người thầy. Chúng ta có thể coi người Singapore hay người Nhật là thầy mình, ít nhất là trong cách tiếp cận môn Ngoại ngữ và Giáo dục công dân.


Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm