Giáo dục không phải là chức năng chính của bảo tàng?

08/10/2009 09:41 GMT+7 | Tin di sản

(TT&VH) - Sáng 7/10, Bảo tàng TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm bảo tàng với công tác giáo dục tại trụ sở bảo tàng (65 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM).

Phần lớn các tham luận đều khẳng định bảo tàng có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác giáo dục khi cung cấp những bài học trực quan sinh động giúp học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Hữu Công (Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) thì từ nhiều năm qua chúng ta đã có sự nhầm lẫn và có phần áp đặt khi cho rằng giáo dục là chức năng chính của bảo tàng. Theo ông Công giáo dục “chỉ là một trong những mục tiêu của bảo tàng, là mục đích mà bảo tàng hướng tới trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình là bảo tồn và phát huy di sản dân tộc”.

Và việc này đã khiến các bảo tàng đôi khi mất đi sự chủ động sáng tạo, lúc nào cũng hướng tới việc trưng bày theo một bài học mà quên mất việc “thổi hồn” cho các hiện vật, các chuyên đề trưng bày. Ông khẳng định: “Đặt đúng vị trí của công tác giáo dục trong bảo tàng sẽ khiến các bảo tàng sáng tạo hơn, bớt được áp lực trong việc thực thi nhiệm vụ này, đồng thời xác định đúng trọng tâm công tác và đi vào thực hiện đúng chức năng của mình, bởi từ việc bảo tồn và phát huy di sản bảo tàng mới có nền tảng để thực hiện công tác giáo dục”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Bên cạnh việc tăng cường mối liên hệ giữa bảo tàng với trường học, giữa các bảo tàng với nhau thì việc mở rộng không gian bảo tàng, hướng đến một kiến trúc bảo tàng thân thiện, hiện đại hóa bảo tàng nên là hướng đi tương lai của công tác bảo tàng TP.HCM”.


Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại tọa đàm  

Ngọc Tuyết

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm