Quanh đề xuất 'tích hợp' môn Lịch sử: Không nước nào 'ghép' theo cách ấy

16/11/2015 07:09 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo phân tích và thống kê của hàng loạt GS sử học tại cuộc hội thảo sáng 15/11, ý tưởng “tích hợp” Lịch sử cùng các môn Giáo dục quốc phòng và Giáo dục công dân có quá nhiều điểm không hợp lý và chưa hề xuất hiện trên… thế giới.

Bởi, dù xu hướng “tích hợp” các môn học, được áp dụng tại nhiều nước phát triển, các nhà nghiên cứu cũng không tìm được tiền lệ nào về việc ghép Lịch sử với 2 môn học được cho là có sự khác biệt quá nhiều về bản chất này.

1. Theo dự thảo Chương trình tổng thể của Bộ Giáo dục &Đào tạo, 3 môn học trên được ghép lại thành môn học chung có tên “Công dân với Tổ quốc”. Và, cuộc hội thảo (do Hội lịch sử VN tổ chức) diễn ra tại Hà Nội khoảng một tuần, sau những phản ứng rất gay gắt của dư luận về việc này.

Một nghiên cứu của PGS Ngô Minh Oanh về việc giảng dạy lịch sử tại 20 quốc gia trên thế giới được cung cấp. Theo đó, riêng ở cấp THPT, 4 quốc gia châu Á là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đều duy trì Lịch sử như một môn học độc lập và bắt buộc. Điều tương tự diễn ra tại nhiều nước châu Âu và châu Mỹ như Đức, Pháp, Phần Lan, Italy, Canada, Hoa Kỳ.


GS Phan Huy Lê khẳng định môn Sử cần được giảng dạy độc lập và bắt buộc tại trường học

 Ngược lại, một số  ít nơi cho phép học sinh THPT được chủ động chọn (hoặc không chọn) học môn Lịch sử như Australia, Anh, xứ Wales… Tuy nhiên, ở các cấp học dưới THPT, môn lịch sử tại các nước nay đều đã được giảng dạy độc lập và bắt buộc. (Trong dự thảo của Bộ GD&ĐT, môn lịch sử được tích hợp vào các môn “Cuộc sống quanh ta” và “Tìm hiểu xã hội” ở cấp 1, tích hợp vào môn “Khoa học xã hội” ở cấp 2, nghĩa là không hề đứng độc lập trong suốt 12 năm học).

Thậm chí,trong chương trình của mình một số quốc gia còn có tới vài môn học lịch sử khác nhau. Điển hình, Nhật Bản “bắt” các học sinh THPT phải học liền 3 môn là Lịch sử Nhật Bản, Lịch sử Thế giới, và Xã hội hiện đại. Đặc biệt, ở những môn học có sự “tích hợp”, lịch sử đều được lồng ghép để trở thành các môn “Lịch sử - Địa lý”, “Khoa học Xã hội - Nhân văn”, “Nghiên cứu xã hội”..., chứ không hề được ghép với Giáo dục Quốc phòng.

Theo GS Trần Thị Vinh (ĐH Sư Phạm Hà Nội), Giáo dục Quốc phòng là môn học có tính thực hành cao, còn môn Giáo dục Đạo đức - Công dân lại thiên về ý thức pháp luật và những kỹ năng sống cần thiết để gia nhập xã hội. Điểm chung giữa Lịch sử và hai môn học này chủ yếu nằm ở vấn đề truyền thống chống ngoại xâm, trong khi hàng loạt yếu tố khác về lịch sử đời sống xã hội văn hóa của người Việt đều có nội dung hoàn toàn tách biệt.

“Các trường sư phạm của VN và thế giới đều không đào tạo giáo viên dạy những môn lắp ghép tổng hợp như thế. Và tôi khẳng định,việc biên soạn sách giáo khoa và tài liệu cho môn học tổng hợp này cũng không thể thực hiện nổi”- GS Vinh nhận xét - “Còn nếu theo ý tưởng của ngành giáo dục, môn học này trước mắt vẫn được giảng dạy luân phiên bởi… 3 giáo viên của 3 bộ môn thì đó là sự rời rạc tùy tiện, khiến hiểu biết về Lịch sử của học sinh trở nên thiếu căn bản và hệ thống”.

2. Câu hỏi đặt ra: khi việc “tích hợp” bị phản đối, môn Lịch sử nên được giảng dạy trên ghế nhà trường theo cách nào, để không lâm vào cảnh… bi đát như những gì từng được nhắc đến trong vài năm qua?

“Trước hết, vẫn cần khẳng định: môn Lịch sử phải được giảng dạy tại trường THPT như một môn trọng yếu và bắt buộc. Còn lại, để việc đòi trả lại vị thế của môn Lịch sử không trở nên vô nghĩa, chúng ta cần có sự cải tiến chương trình” - GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử VN, cho biết -“Đã có rất nhiều hội thảo với những đề xuất khả thi. Trong đó, tôi muốn lưu ý 2 vấn đề: nội dung giảng dạy phải được chọn lọc kỹ với cứ liệu chặt chẽ; đồng thời tư duy sáng tạo của học sinh phải được tôn trọng, thay vì sự áp đặt từ những yêu cầu chính trị tư tưởng chung chung”.

Ngay trong  hội thảo, TS sử học Phạm Xanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã phác họa báo giới ý tưởng của mình về việc đổi mới giảng dạy môn lịch sử cho “nhẹ nhàng” và hợp lý hơn. Theo đó, thay vì giảng dạy theo kiểu “lặp đi lặp lại” ở cấp 2 và cấp 3 như hiện nay, môn Lịch sử nên được giảng dạy theo hướng thống nhất và xuyên suốt.

“Ở cấp 1, học sinh nên được học về các danh nhân lịch sử. Cấp 2 là các bài học về những sự kiện lịch sử lớn. Đến cấp 3, trên nền kiến thức đã được giảng dạy, những bài học khái quát về từng vương triều, từng giai đoạn lịch sử lớn sẽ được cung cấp cho các em”- TS Phạm Xanh nói.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm