Lý giải của Bộ GDĐT về việc đưa Lịch sử thành môn tự chọn cấp Trung học Phổ thông

20/04/2022 20:31 GMT+7 | Tin tức 24h

(lienminhbng.org) - Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, có 7 môn học bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương.

Theo bạn, có nên 'tích hợp' môn Lịch sử vào các môn học khác?

Theo bạn, có nên 'tích hợp' môn Lịch sử vào các môn học khác?

Tôi chưa thấy Bộ Giáo dục & Đào tạo có sự chuẩn bị đầy đủ cho việc này. Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng có dám khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?

Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Tuy nhiên, trên một số diễn đàn đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại, việc đưa Lịch sử thành môn tự chọn sẽ khiến rất ít học sinh lựa chọn và nguy cơ “vắng bóng” môn học này ở nhiều trường Trung học Phổ thông.

Giải đáp những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Trong Chương trình này, môn Lịch sử có thế mạnh trong việc giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp học sinh có thể rút ra những bài học trong cuộc sống.

Chú thích ảnh
Môn Lịch sử là môn tự chọn trong chương trình GDPT 2018 cấp THPT

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Lịch sử được bố trí dạy như sau:

Ở cấp Tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trên cơ sở đó khơi dậy sự say mê, hứng thú học tập và bước đầu phát triển những năng lực cơ bản của học sinh.

Ở cấp Trung học Cơ sở - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (lớp 6, 7, 8, 9). Nội dung chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp Trung học Cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Ở cấp Trung học Phổ thông - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp Trung học Phổ thông là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp Trung học Cơ sở.

Ở giai đoạn này, học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn).

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng: Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho Chương trình địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12. Với cách bố trí như vậy, môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.

Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng chia sẻ: Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm. Khi học xong Trung học Cơ sở, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết cũng nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xác định 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Để hình thành các phẩm chất này, Chương trình đã quy định 14 nội dung giáo dục, trong đó có nội dung giáo dục công dân, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh, nội dung giáo dục khoa học xã hội.

Mỗi nội dung giáo dục nói trên đều được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có một số môn học và hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi. Thông qua những bài học này, học sinh được giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu (bản lĩnh, kết nối, cá tính, yêu thương) trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại.

Việt Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm