23/06/2018 18:19 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - NGND-GS Phan Huy Lê, một trong "tứ trụ" của nền sử học Việt Nam vừa qua đời ở tuổi 84.
Nhận được tin buồn này, học trò của ông – PGS-GS Nguyễn Lân Cường cho biết, ông vô cùng bàng hoàng, toàn thân như rụng rời. Ông nói như muốn khóc với PV Thể thao & Văn hóa: "Một chuyên gia hàng đầu đã tận hiến cả cuộc đời cho sử học, cho đất nước mất đi thì tổn thất này không gì bù đắp nổi".
Rất giống Đại tướng Võ Nguyên Giáp
PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết ông theo học ngành sinh học, nhưng khi làm khảo cổ, ông phải học bổ túc môn lịch sử và chính GS Phan Huy Lê là người dìu dắt ông trong lĩnh vực này.
Theo ông Cường, về mặt nào đó, GS Phan Huy Lê rất giống với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Thầy Lê rất giống Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chỗ thầy luôn lắng nghe người khác, không bao giờ cắt ngang khi đang trò chuyện và khiêm tốn hỏi lại bất cứ điều gì nếu còn chưa rõ. Kể cả với những người, tôi xin nói thẳng không thích thầy, thầy vẫn cởi mở, thân tình", GS Nguyễn Lân Cường nói.
Ông Cường cho hay, trước khi GS Phan Huy Lê "hạc giá quy tiên", ông đang phụ trách Tổng tập Lịch sử Việt Nam - một đề án khoa học xã hội cấp quốc gia vô cùng lớn và quan trọng: "Việc thầy đột ngột qua đời là một tổn thất vô cùng lớn và đau đớn, khiến cá nhân tôi cảm thấy bàng hoàng. Tôi nghĩ tổn thất này không có gì có thể bù đắp lại được. Tất nhiên, sẽ có người thay thế để làm nốt công việc thầy còn đang dang dở. Nhưng tôi nghĩ Tổng tập sẽ khó hoàn thành trong năm 2019 như dự định mà thầy đã đặt ra".
"Trước khi thầy đi, thầy luôn dặn tôi tham gia viết Tổng tập Lịch sử Việt Nam thì nhớ phải viết cho mới, cho khác, không được lặp lại của bất cứ ai. Một bộ Tổng tập mà dính đạo văn thì chết" - ông Cường kể.
Thầy lúc nào cũng ham học
PGS Nguyễn Lân Cường cho biết, GS Phan Huy Lê là chuyên gia hàng đầu về sử học nhưng lúc nào cũng xem mình như không biết gì. Chính vì "vin vào cái cớ không biết gì ấy, nên thầy Lê lúc nào cũng ham học hỏi" - ông Cường nói. "Biết được tôi đi dự hội thảo ở đâu đó liên quan đến sử học ở trong hay ngoài nước mà thầy không có điều kiện dự cùng, khi về, thầy thường gặp hỏi rất nhiều và thậm chí bắt nộp lại các tài liệu đề thầy nghiên cứu cùng".
Điều đó cho thấy, dù đã là chuyên gia đầu ngành rồi nhưng thầy vẫn rất "chăm học". Thầy học bạn bè, thầy học cả ở những người học trò của mình. Ví như thầy thấy học trò rất "siêu" về máy tính, công nghệ, thầy cũng tìm cách học để vừa không bị "lạc hậu" so với học trò, vừa hỗ trợ đắc lực cho công việc nghiên cứu.
Chia sẻ về những trăn trở của GS Phan Huy Lê, GS Nguyễn Lân Cường cho biết: "Thầy đặc biệt quan tâm đến các chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh vì tài liệu về nhân học lĩnh vực này hiện khá ít.
Ngoài ra, thầy luôn động viên chúng tôi phải cố gắng nghiên cứu, làm sáng tỏ một số vấn đề của lịch sử nếu chưa thật sự thuyết phục về mặt khoa học. Nghĩa là thầy luôn nghĩ đến cái chung chứ không nghĩ đến cái riêng. Nó khiến cá nhân tôi thấy cần phải cố gắng hơn nữa để bước tiếp con đường mà thầy đã đi, để trước khi nằm xuống như thầy có thể trả lời được những câu hỏi mà thầy đã đặt ra, cho linh hồn thầy được thanh thản...".
Biết trước nỗi đau nhưng không sao tránh được PGS Nguyễn Lân Cường cho hay, cách đây một tuần khi ông đang ở TP HCM, ông nhận được điện thoại của em trai ông là GS.TS Nguyễn Lân Việt – chuyên gia hàng đầu về tim mạch ở Bệnh viện Bạch Mai nhắc ông gọi điện cho GS Phan Huy Lê và nhắc thầy vào viện điều trị ngay vì các đồng nghiệp của GS.TS Nguyễn Lân Việt báo cáo lại động mạch vành của thầy có vấn đề. "Tôi gọi điện cho người nhà thầy và ngay chiều hôm đó, thầy Lê được đưa vào viện và đặt stent để thông mạch. Nhưng mạch ổn thì bệnh của thầy lại chuyển sang phổi và cách đây 2 hôm, GS Nguyễn Lân Việt gọi báo, bệnh của thầy rất khó qua khỏi khiến tôi thấy đau đớn vô cùng... Biết trước nỗi đau nhưng không thể nào tránh được. Đây là cú sốc lớn đối với ngành sử học nước nhà. Thầy đã đảm đương vị trí Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử bao nhiêu năm, đến khi thầy lớn tuổi, muốn thôi nhưng mọi người không đồng ý. Đến năm ngoái, thầy bảo sức khỏe không tốt, lại bận nhiều việc nên xin rút bằng được". Theo thông tin từ GS Nguyễn Lân Cường, hiện thi hài của GS Phan Huy Lê đã được đưa từ Bệnh viện Bạch Mai về Nhà tang lễ Quân đội. Thời gian viếng và cử hành tang lễ sẽ được thông báo sau. |
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất