07/02/2015 06:31 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Nhà Trắng vừa phát tín hiệu sẵn sàng cung cấp vũ khí cho lính Ukraine đang chiến đấu chống các tay súng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine. Câu hỏi đặt ra là Ukraine muốn gì từ Mỹ và liệu Washington có thể đem đến những gì?
Kiev hiện đang mong chờ Mỹ thông qua một khoản viện trợ quân sự chính thức, sau khi một nhóm tổ chức tư vấn Mỹ ra báo cáo nói rằng nước này cần được "nâng cao chất lượng vũ khí".
Ukraine cần bổ sung nhiều vũ khí công nghệ cao
Bản báo cáo do Hội đồng Đại Tây Dương, Viện Brookings và Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago vừa công bố nói rằng Nga đã ngấm ngầm đổ xe thiết giáp giúp quân miền Đông, trong khi Ukraine chỉ có khả năng chống tăng yếu. Báo cáo nói rằng phương Tây phải tăng cường sự "răn đe" ở Ukraine để cảnh cáo Nga.
Dựa vào cơ sở trên, báo cáo nói rằngWashington cần cung cấp viện trợ quân sự khoảng 1 tỷ USD trong thời gian "càng sớm càng tốt" cho Ukraine. Tiếp đó Nhà Trắng nên bơm cho Ukraine thêm 1 tỷ USD trong năm 2016 và 1 tỷ USD nữa trong năm 2017. Số tiền này sẽ được dùng để mua vũ khí công nghệ cao, qua đó tăng khả năng chiến đấu cho lính Ukraine.
Các vũ khí này gồm máy bay không người lái, ra đa phát hiện các điểm bắn đạn pháo, cối, rocket và trang thiết bị cứu thương dã chiến. Báo cáo cho rằng ra đa phát hiện pháo, cối, rocket là thiết bị quan trọng nhất, sẽ giúp Ukraine nhanh chóng xác định vị trí quân miền Đông đang bắn rocket Grad để tiến hành phản pháo.
Máy bay không người lái sẽ phát hiện các hoạt động chuyển quân tại địa hình khá bằng phẳng ở Đông Ukraine. Các máy bay này không trang bị vũ khí và có thể mang vác dễ dàng. Báo cáo cũng nói rằng Mỹ nên cung cấp cho Ukraine xe Humvee bọc thép để người lính có được tốc độ, sự cơ động và mức độ bảo vệ nhất định khi di chuyển giữa các vị trí khác nhau trên chiến trường.
Theo báo cáo, tỷ lệ sống sót của người lính Ukraine trong trường hợp bị thương, với 70% là do trúng pháo và rocket, có thể được cải thiện mạnh nhờ được cung cấp các bệnh viện dã chiến.
Thực tế thì từ trước khi báo cáo trên được nêu ra, Mỹ đã có động thái viện trợ cho Ukraine. Cụ thể, vào tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã cam kết chi 118 triệu USD để mua các trang thiết bị phi sát thương và huấn luyện cho quân đội Ukraine. Một nửa trong số các thiết bị phi sát thương này đã được chuyển giao cho phía Ukraine, gồm áo giáp chống đạn, kính nhìn đêm, rađa dò vị trí của súng cối và thiết bị y tế.
Mục tiêu là "không thua trong cuộc chiến"
Hãng tin AFP đánh giá trong khi Ukraine là một trong những quốc gia sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, nước này thiếu các vũ khí công nghệ cao đủ sức cạnh tranh với kho "đồ chơi" của quân ly khai.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cũng thừa nhận hôm 5/2 rằng lính Ukraine đã "có đủ các khẩu súng AK" và thứ nước này cần là thiết bị phức tạp để tiến hành chiến tranh hiện đại. Đó là các máy liên lạc có độ bảo mật cao, thiết bị gây nghẽn điện tử để chống lại hoạt động liên lạc của quân ly khai, máy bay không người lái phục vụ trinh sát và thêm nhiều rađa dò pháo, cối, rocket.
"Những gì chúng tôi cần là khả năng tiến hành chiến tranh hiện đại" - ông Klimkin nói với các phóng viên phương Tây ở Kiev. Ông cho biết gần đây lính miền Đông đã có thể "chặn được nhiều cuộc gọi điện thoại của lính chính phủ và dựa vào đó để điều chỉnh hỏa lực".
Ngoài thiết bị hiện đại, Ukraine cũng cần huấn luyện việc sử dụng thiết bị. "Chuyện này hoàn toàn không phải việc mua thêm vài chiếc xe tăng nữa" - ông nói.
Theo AFP, Nhà Trắng đang cân nhắc việc cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa chống tăng Javelin "bắn rồi quên". Loại tên lửa này sử dụng lượng nổ lõm, có khả năng triệt hạ nhiều loại xe tăng, thiết giáp. Sức tàn phá của vũ khí có lượng nổ lõm được thể hiện rõ ở Iraq. Các chiến binh Iraq đã sử dụng bom mìn tự chế có lượng nổ lõm để tấn công xe bọc thép của liên quân do Mỹ lãnh đạo và gây ra các thiệt hại lớn về thiết bị lẫn sinh mạng người lính.
Được biết bản báo cáo còn đề cập tới khả năng các thành viên NATO tham gia cung cấp vũ khí hỗ trợ Ukraine, đặc biệt là những nước còn trang thiết bị từ thời Liên Xô. Ví dụ Ukraine có thể nhập lại hệ thống tên lửa phòng không từ các nước này. "Mua vũ khí phòng không của Mỹ sẽ đắt đỏ và tích hợp chúng vào hệ thống phòng không hiện nay sẽ mất thời gian" - báo cáo giải thích.
Hiện chưa rõ Mỹ có viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine hay không và nếu có thì sẽ mang tới nước này những vũ khí nào. Về phía mình, Ngoại trưởng Klimkin nói khá rõ về mục tiêu của Ukraine. "Những gì chúng tôi cần là không thua trong cuộc chiến này" - ông tuyên bố - "Đã có những thỏa thuận về việc hỗ trợ kỹ thuật quân sự giữa đôi bên (Mỹ và Ukraine). Tôi rất hy vọng việc này sẽ diễn ra trong tương lai gần nhất".
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất