18/06/2013 07:05 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nguyên là Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL), từng đưa ra nhiều “biện pháp mạnh” nhằm chấn chỉnh nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ đương nhiệm, NSND Lê Ngọc Cường cho rằng: Cấp chứng chỉ hành nghề với ca sĩ, người mẫu không thể nóng vội được.
Sau cuộc Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu, tuần qua, Bộ VH,TT&DL đã chính thức ban hành quyết định số 2156/QĐ-BVHTTDL về việc soạn thảo đề án mang tên: Cấp Giấy phép hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (cụm từ “chứng chỉ” đã được thay bằng cụm từ “giấy phép”).
Trước vấn đề “nóng” liên quan tới đông đảo giới nghệ sĩ, người mẫu, TT&VH có cuộc trò chuyện với NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL), hiện là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa VN.
Cần quản chặt các nhà tổ chức
Điểm “nóng” về biểu diễn nghệ thuật là TP.HCM mỗi năm chỉ có 20 vụ vi phạm, trong đó có khoảng 3 vụ đáng bị tới mức đình chỉ biểu diễn - đó là theo lời của Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP.HCM. Vậy theo ông, việc Bộ VH,TT&DL lập đề án về tái cấp chứng chỉ/giấy phép hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu để chỉ điều chỉnh đối tượng của khoảng 20 vụ vi phạm nói trên có phải là việc làm cấp thiết, trong khi được biết, việc thực thi đề án sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức?
- Thời kỳ mở cửa, các thành phần ngoài Nhà nước tham gia vào biểu diễn nghệ thuật. Bên cạnh mặt tích cực là thúc đẩy hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển cũng nảy sinh bất cập: tình trạng bán giấy phép, mạo danh nghệ sĩ, tôn vinh thần tượng, siêu sao… Nhận thấy nhiều biến tướng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, Bộ VH,TT&DL (lúc đó là Bộ Văn hóa Thông tin) giao Cục có biện pháp chấn chỉnh, trong đó tổ chức các khóa đào tạo cấp tốc nhằm nâng cao nhận thức của nghệ sĩ tự do.
Lúc đó, nội dung để đào tạo chủ yếu nâng cao hiểu biết về pháp luật, nhất là khi chúng ta chuẩn bị gia nhập WTO có những quy định liên quan bản quyền, hoặc quy định thuế. Tuy vậy, cũng có các hội đồng do từng địa phương thành lập để sát hạch. Bốn năm sau khi triển khai, thẻ hành nghề bị bãi bỏ.
Trên thực tế, hoạt động nghệ thuật thời gian qua tương đối bình ổn, không lộn xộn như trước. Chỉ có điều tôi chưa thấy thông suốt chính là việc nhiều cá nhân không có chuyên môn về tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhưng vẫn đứng tên thành lập doanh nghiệp. Chính sự dễ dàng này tạo điều kiện để xảy ra những sự cố phản cảm không đáng có.
* Vậy theo ông, thẻ/chứng chỉ/ giấy phép hành nghề cho ca sĩ, người mẫu là chưa cần thiết?
- Có thể thấy, sơ suất hiện nay và thời gian qua chủ yếu không phải do nghệ sĩ biểu diễn mà lỗi tại nhà tổ chức. Quan điểm của tôi là nắm chắc nhà tổ chức, rút giấy phép kinh doanh thì sợ ngay. Những sự cố như vụ Đàm Vĩnh Hưng hôn nhà sư là bất khả kháng, chứ ngoài ra đều nằm trong kịch bản của nhà tổ chức. Họ phải kiểm soát chứ?!
Như vậy, để mọi công dân có quyền tham gia lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - lĩnh vực đặc thù đòi hỏi năng khiếu - việc cấp chứng chỉ hành nghề nên được xem xét thấu đáo. Không thể vội vàng khi thực tế chỉ xảy ra vài vụ vi phạm.
Nếu việc cấp chứng chỉ làm đại trà, thì sẽ phức tạp. Nếu gạt nghệ sĩ được đào tạo và hoạt động trong Nhà nước sang một bên, mà chỉ cấp cho các ca sĩ, người mẫu tự do với số lượng rất ít thì cần tính. Có cần thiết không? Trong giai đoạn hiện nay, ta cần chú trọng tới những cái “đụng” đến toàn xã hội chứ không phải một thiểu số.
Để đóng thuế thì không cần cấp thẻ
* Ông có cho rằng, với các quy định hiện hành, nhất là khi chúng ta đã có Nghị định Nghệ thuật Biểu diễn được Chính phủ ban hành năm 2012, các cơ quan quản lý văn hóa có thừa “gậy pháp lý” để quản lý biểu diễn chứ không cần cấp thẻ/ chứng chỉ/ giấy phép như dự kiến?
- Lực lượng thanh kiểm tra hiện nay quá mỏng, lại chưa được đào tạo. Từng làm quản lý văn hóa lâu năm, tôi biết, ở nhiều tỉnh, thành phố, các diễn viên hết tuổi biểu diễn, Sở không xếp được đi đâu thì chuyển về làm thanh tra văn hóa. Những người làm nhiệm vụ đó đáng lẽ phải học Luật đàng hoàng. Ta cứ bắt cóc bỏ đĩa kiểu như vậy nên khó quản. Hầu hết sự vụ xảy ra là thông qua sự phát hiện từ báo chí, chứ có qua thanh tra đâu.
* Giả sử nếu thẻ/ chứng chỉ/ giấy phép hành nghề được cấp, mà lực lượng thanh tra mỏng như vậy thì cơ quan quản lý có giám sát tấm thẻ được cấp, thưa ông?- Ở đây có cái khác nhau là ở một số lĩnh vực như y tế, luật… trong nghệ thuật, cần năng khiếu bẩm sinh. Bài hát Việt có nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến không học nhạc chuyên nghiệp là một ví dụ. Vì thế, nếu cho rằng phải có bằng, phải được đào tạo chưa sát với tình hình thực tế của lĩnh vực đặc thù này.
Như vậy, nếu làm chắc mọi công tác thanh, kiểm tra thì không đến mức phải có thẻ hành nghề như ngành nghề khác.
* Tấm thẻ/ chứng chỉ/ giấy phép hành nghề còn được tính tới như công cụ để quản lý thuế của giới ca sĩ, người mẫu với những khoản thu nhập “khủng” hiện nay, thưa ông.
- Tôi lại nghĩ rằng, nhiệm vụ đóng thuế thu nhập là quan hệ dân sự, không thuộc nhiệm vụ của Bộ VH,TT&DL.* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất